ClockThứ Năm, 28/10/2021 12:32

Bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng

TTH.VN - Sáng 28/10, thảo luận trực tuyến trước diễn đàn Quốc hội về Dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi), Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu cơ bản thống nhất với dự thảo Luật; đồng thời, đề nghị một số nội dung nhằm đảm bảo nguyên tắc công bằng, toàn diện hơn trong thực hiện Luật sau khi ban hành.

Đóng góp ý kiến Luật Điện ảnh và Luật Thi đua Khen thưởngƯu tiên khen thưởng đối tượng trực tiếp lao động sản xuấtBổ sung nhều quy định về thẩm quyền công nhận danh hiệu thi đuaKiện toàn Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ươngĐề nghị truy tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” cho sinh viên quên mình cứu ngườiĐổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo hướng chính xác, kịp thời

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu tham gia thảo luận về Luật Thi đua khen thưởng 

Đại biểu cho rằng, gia đình là tế bào xã hội; gia đình cũng là đối tượng tham gia phong trào thi đua và được khen thưởng như Dự thảo Luật này. Vì vậy, đề nghị Ban Soạn thảo bổ sung từ gia đình vào sau, liền kề từ “tập thể” tại Điều 3, Điều 4, Điều 5; tại tiêu đề và các khoản của Điều 85, Điều 86; đồng thời, bổ sung nội dung về quyền, nghĩa vụ của gia đình cho đồng bộ, đồng nhất và đầy đủ.

Về hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng, huân chương, đại biểu đề nghị, Ban Soạn thảo cần quy định rõ, cụ thể hơn các tiêu chí như thế nào là “đặc biệt xuất sắc, nhiều thành tích xuất sắc, thành tích xuất sắc” để có cơ sở pháp lý giải thích nội dung tiêu chí, rõ ràng nhằm tránh khi Luật được thông qua, các cơ quan có thẩm quyền về khen thưởng mỗi nơi hiểu theo một cách gây khó khăn cho công tác khen thưởng.

Về đối tượng áp dụng, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh cách diễn đạt thay vì: “Luật này áp dụng đối với cá nhân, tập thể, gia đình người Việt Nam; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cá nhân, tập thể người nước ngoài” thành như sau: “Luật này áp dụng đối với cá nhân, tập thể, gia đình người Việt Nam ở trong nước và định cư ở nước ngoài; cá nhân, tập thể, gia đình người nước ngoài” vừa ngắn gọn vừa gắn kết, toàn diện.

Về nguyên tắc thi đua, khen thưởng, đề nghị, nghiên cứu bổ sung thêm 1 với nội dung: “Đúng người, đúng việc, cạnh tranh công bằng” để thể hiện tính chặt chẽ, minh bạch và công khai công bằng trong thi đua nhằm phát hiện, tôn vinh kịp thời mà cũng kiên quyết đấu tranh loại bỏ sự chạy đua không lành mạnh. 

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung câu “Khi nhiều cá nhân, tập thể có cùng điều kiện, tiêu chuẩn để khen thưởng thì ưu tiên lựa chọn những cá nhân nữ hoặc tập thể có tỷ lệ nữ cao từ 70% trở lên để khen thưởng” sau câu: “Bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng” nhằm tạo động lực tôn vinh đối với nữ giới.

Về thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thủ trưởng các bộ, ban, ngành; Chủ tịch UBND cấp tỉnh ở Điều 78, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thẩm quyền Trưởng ban Công tác Đại biểu, Tổng Thư ký Quốc hội hoặc một cơ quan có thẩm quyền khác để xét đề nghị tặng kỷ niệm chương cho đối tượng là Đại biểu HĐND tỉnh để ghi nhận công sức đóng góp của Đại biểu HĐND cấp tỉnh trong hoạt động của cơ quan dân cử.

Tại Điều này, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung 1 khoản quy định về thẩm quyền của Chủ tịch HĐND tỉnh, huyện, xã được quyết định tặng khen thưởng trong hoạt động của HĐND cùng cấp của mình. Việc quy định này phù hợp thực tế và đánh giá xác đáng hơn chuyên môn cũng như đối tượng được khen thưởng.

Về xử lý vi phạm về thi đua, khen thưởng ở Điều 93, đề nghị bổ sung vế câu “hoặc cơ quan cấp cao hơn ban hành quyết định hủy bỏ quyết định khen thưởng” liền sau câu “Cấp nào ra quyết định khen thưởng thì cấp đó ban hành quyết định hủy bỏ quyết định khen thưởng” trong Dự thảo cho linh hoạt với xu thế sáp nhập các đơn vị hành chính, cơ quan, tổ chức hiện nay và tương lai.

Tại khoản 3, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung cụm ngữ “vi phạm đạo đức nghề nghiệp, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục” trước cụm từ “thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước”. Vì những vi phạm này làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, danh dự của cá nhân và tổ chức trong xã hội, trong lòng dân. Đồng thời nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật.

Tại khoản 8, đề nghị nghiên cứu bổ sung vào khoản 8 hoặc thêm khoản mới (thành khoản 9) nội dung: “xin cấp đổi, cấp lại hiện vật đã được khen thưởng nhưng bị mất hoặc bị hỏng”. Vì thực tế đã xảy ra trường hợp bị mất do tình huống bất khả kháng, do hỏa hoạn, dịch bệnh, thiên tai.

Tại Hội trường Diên Hồng, đại biểu Nguyễn Hải Nam cho rằng: “Ngoài khối khen thưởng thi đua nhà nước ra thì cần có thêm khối khen thưởng ngoài quốc doanh nữa, họ có những đóng góp rất tích cực và đáng kể cho GDP của đất nước hoặc là cho từng tỉnh thành, thậm chí đóng góp đến 11-15% GDP của các tỉnh thành. Do đó cũng nên có những hình thức khen thưởng động viên kịp thời. Bản thân những doanh nghiệp này, cụ thể như các doanh nghiệp FDI rất trân trọng những khen thưởng của chúng ta. Có hình thức thi đua khen thưởng đúng đối tượng và kịp thời cũng có tác động động viên và lan tỏa tích cực.”

Thái Bình (ghi)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quốc hội Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế tại IPU-148

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại năm 2024 của lãnh đạo cấp cao, nhận lời mời của Chủ tịch và Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng IPU lần thứ 148 (IPU-148) và các hội nghị liên quan tại Thụy Sĩ.

Quốc hội Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế tại IPU-148
Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO

Với 65 danh hiệu được UNESCO ghi danh, trải rộng trên tất cả 63 tỉnh, thành phố, Việt Nam tiếp tục thể hiện đóng góp có trách nhiệm vào việc làm phong phú, bảo vệ và phát huy kho tàng văn hóa nhân loại.

Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO
Return to top