ClockThứ Ba, 26/01/2016 08:19

Báo động tình trạng trẻ em béo phì, thừa cân trên thế giới

TTH.VN - Ít nhất 41 triệu trẻ em dưới 5 tuổi đang bị béo phì hoặc thừa cân trên toàn thế giới, với số lượng tăng nhanh nhất ở các nước đang phát triển, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trong một báo cáo được công bố hôm 25/1.

Trẻ em bị béo phì hoặc thừa cân chịu nhiều tác động về thể chất, tâm lý và sức khỏe. Ảnh: Indiatimes

Số lượng trẻ em bị béo phì hoặc thừa cân tăng lên 10 triệu trẻ em trên toàn thế giới kể từ năm 1990. Hiện nay, trẻ em thừa cân và béo phì ở các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình nhiều hơn so với các nước có thu nhập cao, WHO nói thêm.

Ở các nước đang phát triển, số lượng trẻ em thừa cân tăng gấp đôi lên đến 15,5 triệu trẻ em trong năm 2014, từ mức 7,5 triệu trẻ em năm 1990, theo một báo cáo của Ủy ban WHO về chấm dứt béo phì ở trẻ em (ECHO).

“Tình trạng thừa cân và béo phì ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của một đứa trẻ, bởi chúng phải đối mặt với một loạt các rào cản, trong đó có nhiều tác động về thể chất, tâm lý và sức khỏe”, đồng Chủ tịch ECHO Sania Nishtar nhận định.

“Chúng tôi biết rằng, béo phì cũng có thể ảnh hưởng đến trình độ học vấn. Những trẻ em này có nhiều khả năng sẽ tiếp tục béo phì ở độ tuổi trưởng thành, tác động lớn đến sức khỏe và kinh tế cho chính bản thân, cũng như cho gia đình và toàn xã hội”, ông Sania Nishtar cho biết thêm.

Việc tiếp thị thực phẩm và đồ uống không lành mạnh là yếu tố quan trọng trong việc tăng số lượng trẻ em thừa cân và béo phì, nhất là ở các nước đang phát triển, WHO khẳng định.

Gần một nửa số trẻ em thừa cân và béo phì dưới 5 tuổi sống ở châu Á và 25% sống ở Châu Phi, nơi mà số lượng trẻ em thừa cân tăng gần như gấp đôi lên 10,3 triệu trẻ em trong năm 2014, từ mức 5,4 triệu năm 1990.

Báo cáo của cơ quan y tế Liên Hợp Quốc cũng cho thấy, Libya, Ai Cập, Morocco, Algeria, Tunisia và Botswana có tỷ lệ trẻ em thừa cân cao nhất trong số các quốc gia châu Phi.

Trẻ em không được tiếp cận với đầy đủ thức ăn dinh dưỡng trong thời thơ ấu có nguy cơ đặc biệt cao bị béo phì, khi lượng thức ăn và mức độ hoạt động của chúng thay đổi, WHO cảnh báo.

Bên cạnh đó, trẻ em di cư cũng có nguy cơ cao đối mặt với tình trạng béo phì do sự thay đổi văn hóa nhanh chóng và hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Báo cáo cho rằng, bệnh béo phì có khả năng ảnh hưởng đến nhiều lợi ích sức khỏe trên toàn cầu, đồng thời kêu gọi các chính phủ tập trung giải quyết “thách thức lớn về sức khỏe” này.

“WHO cần phải làm việc với các chính phủ để thực hiện một loạt biện pháp giải quyết những nguyên nhân của bệnh béo phì và thừa cân, nhằm giúp trẻ em có thể bắt đầu cuộc sống lành mạnh mà chúng xứng đáng có được”, đồng chủ tịch ECHO Peter Gluckman khẳng định.

Trong số các khuyến nghị của mình, WHO cho rằng các chính phủ cần thúc đẩy việc tiêu thụ những thực phẩm lành mạnh, nâng cao hoạt động thể chất và xây dựng môi trường học tập lành mạnh.

Lê Thảo (lược dịch từ Reuters & CNA)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

WHO gióng lên hồi chuông cảnh báo về bệnh viêm gan siêu vi

Được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh về bệnh viêm gan thế giới (WHS) đang diễn ra từ ngày 9 - 11/4 tại thủ đô Lisbon, Bồ Đào Nha, báo cáo về bệnh viêm gan toàn cầu năm 2024 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, số ca tử vong do viêm gan siêu vi đang gia tăng.

WHO gióng lên hồi chuông cảnh báo về bệnh viêm gan siêu vi
Đàm phán hoàn tất “hiệp ước đại dịch” sẽ được nối lại vào tháng 4/2024

Các quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nhất trí nối lại các cuộc đàm phán nhằm hoàn tất một hiệp ước về đại dịch trong thời gian từ ngày 29/4 - 10/5 tới đây. Quyết định này được đưa ra sau 2 tuần thảo luận chuyên sâu do các quốc gia chủ trì về những chủ đề quan trọng nhằm giúp tất cả các quốc gia trên thế giới chuẩn bị tốt hơn, cũng như có khả năng ứng phó một cách hiệu quả và công bằng trước các đại dịch trong tương lai.

Đàm phán hoàn tất “hiệp ước đại dịch” sẽ được nối lại vào tháng 4 2024

TIN MỚI

Return to top