Thế giới

Báo động xu hướng lạm dụng chất gây nghiện ở người cao tuổi

ClockThứ Bảy, 27/03/2021 15:43
TTH.VN - Trong một báo cáo thường niên vừa được công bố, Ủy ban Kiểm soát Ma túy Quốc tế (INCB) cho biết việc sử dụng các loại thuốc có chứa chất gây nghiện ở người cao tuổi trên toàn cầu đã gia tăng trong những năm gần đây, từ đó kêu gọi các quốc gia phải có hành động mạnh mẽ để giải quyết “dịch bệnh tiềm ẩn” này.

LHQ: 2/3 số ca tử vong do ma túy liên quan đến nhóm thuốc opioid

Tình trạng sử dụng thuốc hỗ trợ giảm đau, thuốc an thần và các loại thuốc giảm đau ở người cao tuổi ngày càng tăng. Ảnh minh hoạ: Suckhoedoisong

Song song đó, báo cáo của INCB cũng nhấn mạnh đến tác động tiêu cực mà đại dịch COVID-19 đang gây ra đối với chuỗi cung ứng thuốc toàn cầu, cũng như đối với sức khỏe của những người bị rối loạn sức khỏe tâm thần và lạm dụng chất gây nghiện.

Một “xu hướng đáng báo động”

Đại dịch đã gây ra những tác hại lớn đối với sức khỏe và cuộc sống của người cao tuổi. Đồng thời, cũng đang tiềm ẩn nạn sử dụng các chất gây nghiện ảnh hưởng đến nhóm dân cư này. Theo lời Chủ tịch INCB Cornelis de Joncheere, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng việc sử dụng chất gây nghiện và tử vong liên quan đến chất gây nghiện ở người cao tuổi, cũng như sự gia tăng số lượng người cao tuổi đang điều trị các vấn đề về sử dụng chất gây nghiện.

Khi dân số thế giới đang có xu hướng lão hoá, việc sử dụng chất gây nghiện ở những người trên 65 tuổi cũng tăng lên. Báo cáo cho thấy việc sử dụng các loại thuốc giảm đau và thuốc an thần ngày càng gia tăng trong nhóm nhân khẩu học này. Cụ thể, khi xem xét số người trên 65 tuổi sử dụng chất gây nghiện, tỷ lệ sử dụng cần sa đã tăng từ 1,2% trong năm 2012 lên 5,1% trong năm 2019.

Để đối phó với “xu hướng đáng báo động” này, INCB khuyến nghị các chính phủ nên đẩy mạnh các nghiên cứu về việc sử dụng các loại thuốc có chất gây nghiện ở người cao tuổi, những người phần lớn bị bỏ qua trong các cuộc điều tra về sử dụng ma túy và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế và điều trị cho họ.

Trong khi đó, nhu cầu đối với một số loại thuốc kê đơn đã tăng lên trong đại dịch COVID-19, điều này cũng gây ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các dịch vụ y tế và khả năng tiếp cận thuốc, bao gồm cả những người bị rối loạn sức khỏe tâm thần và sử dụng chất kích thích, đã bị ảnh hưởng. INCB nhấn mạnh rằng các chính phủ phải đảm bảo những người dân này tiếp tục được tiếp cận với các dịch vụ phòng ngừa và điều trị trong cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay.

Buôn bán ma túy trực tuyến

INCB cũng báo cáo về các “tác dụng phụ” khác của đại dịch, chẳng hạn như sự phát triển của hoạt động buôn bán ma túy trực tuyến thông qua các liên lạc được mã hóa của các nhóm tội phạm có tổ chức.

Những kẻ sử dụng ma túy cũng đang sử dụng các mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến “chợ đen” để mua các chất bất hợp pháp. Việc hạn chế đi lại và các biện pháp giãn cách xã hội cũng đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt một số loại thuốc và đẩy giá các loại thuốc này trên thị trường bất hợp pháp lên cao. Đồng thời, tình trạng sử dụng ma tuý quá liều đã tăng lên.

Tình hình kiểm soát ma túy ngày càng xấu đi ở Afghanistan tiếp tục là một vấn đề đáng lo ngại. Nước này chiếm gần 85% sản lượng thuốc phiện toàn cầu trong 5 năm qua và sản lượng bất hợp pháp vẫn ở mức cao trong năm 2019. Trước thực trạng đó, INCB kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ cả về mặt kỹ thuật và tài chính để thúc đẩy các nỗ lực kiểm soát ma túy ở quốc gia này.

Chủ tịch INCB Joncheere cảnh báo rằng nếu việc trồng và sản xuất ma túy bất hợp pháp, buôn bán ma túy, sử dụng ma túy và các rối loạn do sử dụng ma túy ở Afghanistan không được giải quyết một cách toàn diện, thì những nỗ lực rộng lớn hơn về phát triển bền vững, thịnh vượng và hòa bình ở Afghanistan sẽ khó có hiệu quả.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ UN News)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm
Return to top