ClockChủ Nhật, 02/11/2014 21:16

Bao giờ cho đến... ngày xưa - Kỳ 1: Khan hiếm người học

TTH - Trường đại học (ĐH) Khoa học - ĐH Huế tiền thân là Trường ĐH Tổng hợp Huế vốn nổi tiếng cả khu vực miền Trung về đào tạo những ngành khoa học cơ bản. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, tình hình tuyển sinh lại trở nên nan giải, cả về số lượng lẫn chất lượng (đầu vào).

Nhắc đến ĐH Tổng hợp Huế trước đây với những ngành đào tạo có tiếng về khoa học cơ bản, như toán, lý, hoá, nhiều người không khỏi tiếc nuối về một thời hoàng kim...

Sinh viên thực hành thí nghiệm tại Khoa Hoá, Trường ĐH Khoa học Huế

PGS.TS.Nguyễn Văn Tận, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học nhớ lại: “Trước đây, ngành khoa học cơ bản được Nhà nước rất chú trọng. Sinh viên khi vào trường rất tự hào là sinh viên ĐH Tổng hợp Huế. Cái tên ĐH Tổng hợp Huế đã trở thành “thương hiệu” lan toả không chỉ ở khu vực miền Trung mà cả nước, là 1 trong 3 trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn cho cả nước. Thực tế cũng chứng minh, sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp đã phát huy năng lực ở hầu khắp các lĩnh vực”.

Theo PGS.TS.Phan Nhật Tĩnh, Trưởng Khoa Toán, Trường ĐH Khoa học Huế, 5-10 năm đầu sau giải phóng, ở Việt Nam chỉ có 4 trường ĐH tổng hợp đào tạo theo mô hình Liên Xô. “Đầu vào hồi đó rất mạnh. Toàn khu vực miền Trung học sinh giỏi có ước mơ thành nhà khoa học đều thi vào ĐH Tổng hợp Huế nên điểm trúng tuyển rất cao - trên 20 điểm. Thí sinh thi rớt Tổng hợp mới qua Sư phạm Huế. Bây giờ thì ngược lại, rớt Sư phạm mới qua học ĐH Khoa học. Điểm tuyển giảm xuống mấy lần chỉ còn ngang sàn 4-5 năm nay rồi”, PGS.Tĩnh nói. 

“Bói” không ra người giỏi

Nếu như trước đây có rất nhiều học sinh giỏi chọn thi vào toán, lý, hoá và phải đậu điểm rất cao mới được trúng tuyển vào những ngành này thì những năm trở lại đây, số thí sinh đăng ký thi tuyển vào đây chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chẳng thế mà PGS.Tận bảo: “Nhiều người bây giờ nói đùa: Ngày xưa toán học là ông hoàng, bây giờ toán học là... ô sin!”

Ngày càng hiếm thí sinh chọn thi vào các ngành khoa học cơ bản (Trong ảnh: thí sinh ra về tại điểm thi Trường đại học Khoa học - Đại học Huế trong kỳ thi tuyển sinh đại học 2014)

TS.Võ Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Huế cho biết, cách đây hơn 3 năm, các ngành khoa học cơ bản của trường có khi không tuyển được thí sinh nào. Theo số liệu thống kê của trường về số lượng thí sinh trúng tuyển nhập học năm nay, nhóm ngành toán và Thống kê, gồm ngành Toán ứng dụng và Toán học tuyển 120 chỉ tiêu nhưng chỉ có 4 thí sinh trúng tuyển NV1 ngành Toán ứng dụng và chỉ có 2 thí sinh đến nhập học! Ngành Toán học khá hơn nhưng vẫn không kém phần bi đát: chỉ có 14 thí sinh trúng tuyển và 6 thí sinh đến nhập học. Phải tuyển NV2, hai ngành này mới có thêm 99 thí sinh. Ở ngành Vật lý, trong lần gọi nhập học đợt 1 chỉ có 7/10 thí sinh trúng tuyển NV1 đến nhập học. Nhà trường gọi tới 128 chỉ tiêu NV2, ngành này mới có thêm 41 thí sinh.

“Gần đây, tình trạng khó tuyển có đỡ hơn nhưng phải nhờ vào tuyển NV2 - TS.Tùng cho hay - Những thí sinh không vào được NV1 các ngành Y, Luật,... mới chuyển sang đăng ký NV2 vào các ngành Toán, Lý, Hoá của trường. Vì số lượng thí sinh đăng ký vào NV2 nhiều nên nếu như điểm chuẩn các ngành này ở NV1 rất thấp - chỉ bằng hoặc trên sàn một chút thì sang NV2 trường phải nâng điểm chuẩn lên. Ví dụ ngành Vật lý, Toán học NV1: 13 điểm sang NV2 nâng lên 15,5...”. Cũng theo TS.Tùng, không phải tất cả những thí sinh đăng ký và trúng tuyển NV2 đều vào học mà chỉ nhóm sinh viên có điểm từ 15-20 là vào, nhóm thí sinh trên 20 điểm sẽ đi trường khác và những ngành “hot” hơn.

Một điểm đáng buồn nữa là, dù đa số sinh viên NV2 có chất lượng tốt hơn (vì điểm thi cao hơn) nhưng “khổ là không ổn định bởi có hiện tượng số thí sinh trúng tuyển NV2 có thể chỉ vào trường “tạm trú” 1 năm để năm sau thi lại ngành khác, trường khác. Do vậy, phải sang năm thứ hai mới biết chính xác số lượng sinh viên của ngành đó”, TS. Tùng nói. Vì vậy, cũng khá dễ hiểu khi năm ngoái cả 3 ngành Toán, Lý, Hoá có 2.100 sinh viên thì đến năm nay, 300 sinh viên đã đi và chỉ còn 1.800 sinh viên theo học. Có chuyện này là do năm ngoái số thí sinh đậu NV2 nhiều. Cụ thể, ngành Toán năm ngoái có trên 100 sinh viên, năm nay đi 30 còn lại trên 70 sinh viên; ngành Lý năm ngoái trường tuyển vào 110 thí sinh, năm nay đi bớt còn lại 70.

Là “dân” chuyên toán Quốc Học, Phó Hiệu trưởng Võ Thanh Tùng tâm sự, trước Tùng vài khoá khoảng từ năm 1996 trở về trước, vẫn còn những học sinh đam mê toán và tiếp tục đi vào con đường khoa học cơ bản để giảng dạy và nghiên cứu. Trưởng bộ môn ở khoa Toán, Lý của trường bây giờ cũng là “dân” chuyên toán, chuyên lý ra. Nhưng từ năm 1997 trở về sau, rất hiếm học sinh chuyên toán, lý tiếp tục đi theo con đường khoa học cơ bản mà hầu hết là đăng ký thi vào ĐH Kinh tế, Ngoại thương,... “Số đăng ký thi vào ngành Toán, Lý rất ít, hoặc nếu có thì chỉ vào để có cơ hội đi nước ngoài vì qua bên đó đổi ngành rất thoải mái.

Chất lượng thí sinh vào những ngành khoa học cơ bản bây giờ quá kém, “bói” không ra thí sinh giỏi, may mắn lắm thì mới có vài em tạm được. Đó là nhận định của nhiều giảng viên các khoa Toán, Lý, Hoá mà chúng tôi có dịp được hỏi. Một lãnh đạo của khoa Hóa cho biết, so với hai khoa Toán, Lý thì số lượng thí sinh đăng ký thi vào khoa Hoá khá nhất, tuy nhiên chất lượng thì “suy giảm hẳn, tuyển vẫn được nhưng chất lượng thấp. Nhiều thí sinh ở Huế nhưng “chạy” vào TP.Hồ Chí Minh thi khoa học cơ bản, vì thế “đầu vào” giảm, mà số lượng thi giảm, phạm vi hẹp lại thì chất lượng cũng giảm. Thực tế lâu nay chỉ tuyển được từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, may lắm thì có thêm Quảng Ngãi”.

Kỳ 2: Thương hiệu... đang bị “sứt mẻ”

Bài, ảnh: Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hợp tác để đào tạo nhân lực du lịch chất lượng

Sáng 20/4, Trường cao đẳng Du lịch Huế (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) làm việc, trao đổi kinh nghiệm và tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội và Trường đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.

Hợp tác để đào tạo nhân lực du lịch chất lượng
“Làm gì cũng cần có sự chuẩn bị trước”

Đó là chia sẻ của ông Võ Quang Huệ, cố vấn cấp cao của Tập đoàn Vingroup đến sinh viên, giảng viên Đại học Huế trong buổi tọa đàm “Dặm đường tôi đi: Hành trình từ BMW, Bosch đến Vinfast” do Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế tổ chức sáng 19/4.

“Làm gì cũng cần có sự chuẩn bị trước”
Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

Với mục tiêu đào tạo các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế triển khai nhiều giải pháp trong đổi mới giáo dục tiểu học (TH), giúp học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy hiên đại, phát triển các khả năng hội nhập, như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học
Return to top