ClockThứ Năm, 12/11/2015 09:30

Bao giờ mới thực thi ?

TTH - Việc có quá ít các chương trình biểu diễn nghệ thuật (CTBDNT) từ hiện đại đến truyền thống vào ban đêm ở Huế để phục vụ nhu cầu khách du lịch đã được nhắc đến rất nhiều. Theo tìm hiểu của chúng tôi, vấn đề kinh phí tổ chức là vướng mắc lớn nhất dẫn đến thiếu các CTBDNT. Nhà nước sẽ không thể “bao cấp” mãi các CTBDNT, trong khi đó, chỉ có thể kêu gọi các nghệ sĩ đến biểu diễn một, hai buổi, còn biểu diễn lâu dài mà không có thù lao là rất khó.

Một tiết mục nghệ thuật của Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế.

Cần có lộ trình

Nhà thơ Võ Quê tâm sự: “Ca Huế thính phòng đã trải qua hơn hai năm hoạt động, dù các nghệ sĩ đến đây chẳng có “chút” thù lao nào, thậm chí còn tốn thêm kinh phí may trang phục, xăng xe… mà vẫn tham gia biểu diễn đều đặn là vì sự đam mê và tâm huyết. Đôi lúc các nghệ sĩ như chúng tôi biểu diễn không vì tiền mà cần sự yêu mến của khán giả, công nhận của xã hội. Mấy mươi năm lặn lộn với nghệ thuật, sống và tồn tại cùng nghệ thuật nên các nghệ sĩ như chúng tôi luôn “nặng lòng” muốn mang nghệ thuật truyền thống (NTTT) đến với công chúng. Cũng phải công nhận rằng, nhờ Bảo tàng Văn hóa Huế đã hỗ trợ địa điểm tổ chức lý tưởng như vậy mới giúp chúng tôi có thêm động lực để tiếp tục biểu diễn”.

Nếu không có một kế hoạch nào ngay từ bây giờ thì trong nay mai các nghệ sĩ tâm huyết sẽ già đi, không đủ sức để cống hiến nữa thì liệu một chương trình như ca Huế thính phòng còn được tổ chức. Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Sân khấu nhận định: “Việc XHH, kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp đứng ra tổ chức các CTBDNT được xem là biện pháp khả thi và mang tính lâu dài nhất. Thực tế, XHH các CTBDNT ở nhiều địa phương khác như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được thực hiện nhiều năm qua và cho thấy hiệu quả cao. Tuy nhiên, nói XHH thì nghe thật dễ nhưng khi thực hiện thì không hề đơn giản, cần có một lộ trình, phải có cơ chế và chính sách cụ thể”.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thanh, muốn XHH các CTBDNT, đặc biệt là NTTT thì trước hết xem xét và khảo sát lực lượng tham gia bao gồm các nghệ sĩ, quần chúng Nhân dân trên địa phương… đối với loại hình đó như thế nào, có quan tâm và thưởng thức NTTT hay không?. Cần tuyên truyền và giáo dục để đưa các loại hình nghệ thuật đến gần hơn với quần chúng Nhân dân. Đồng thời, Nhà nước có những hỗ trợ ban đầu để các hoạt động biểu diễn đó “manh nha”, tức là phải có một nội lực ban đầu, khi đó, những người có tâm huyết thấy rằng Nhà nước đã quan tâm nhiều rồi nhưng chưa phát huy được thì họ mới “nhảy” vào để cùng Nhà nước thực hiện.

Xác định công - tư

 “Ở TP Hồ Chí Minh, XHH các CTBDNT được thực hiện hiệu quả là vì khi cá nhân và doanh nghiệp đầu tư kinh phí để tổ chức thì sẽ thu lại lợi nhuận bằng việc bán vé. Còn ở Huế, nhìn từ thực tế, việc bán vé sẽ không dễ, trừ việc biểu diễn phục vụ các tour du lịch. Vì vậy, theo tôi, XHH các CTBDNT truyền thống thì cần giao nhiệm vụ cho một cơ quan Nhà nước cụ thể để thực hiện, cơ quan này sẽ đứng ra kêu gọi, đàm phán lợi ích giữa các bên nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp. Nếu đưa ra chính sách XHH rồi để cho các cá nhân và doanh nghiệp này “tự bơi” thì rất khó để thực hiện”, ông Nguyễn Văn Thanh phân tích.

Những ý tưởng xây dựng các CTBDNT ở Huế đã được rất nhiều cá nhân và doanh nghiệp lữ hành tính tới để triển khai với mục đích tạo ra một địa điểm phục vụ du khách. Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Huetourist cho biết: “Huetourist đã nhiều lần lên kế hoạch xây dựng một điểm biểu diễn nghệ thuật, tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất là công - tư nhập nhằng đã khiến chúng tôi không thể thực hiện được. Bây giờ cái gì cũng dựa vào yếu tố tài chính, “đồng tiền đi liền khúc ruột” mà. Một doanh nghiệp lữ hành như chúng tôi luôn xác định trách nhiệm khi đầu tư, sau đó nhiều hay ít phải có quyền lợi trong đó thì yếu tố lâu dài mới xuất hiện. Vì vậy, các bên liên quan cần ngồi lại, bàn bạc để xác định rõ vấn đề công - tư. Từ đó, có hướng đi hiệu quả, quan trọng là đáp ứng yêu cầu về lợi ích giữa các bên. Nếu làm được đều này, các CTBDNT truyền thống, ca nhạc trẻ... mới có tuổi thọ của nó”.

Nhiều nghệ sĩ cho biết, hiện nay ở Huế vẫn có những người thật sự tâm huyết với nghệ thuật và có điều kiện kinh tế đứng ra tổ chức các chương trình tạo sân chơi cho giới văn nghệ sĩ, qua đó, phục vụ nhu cầu thưởng thức của công chúng. Tuy nhiên, một trở ngại lớn làm tinh thần và phong trào này đi xuống là khán giả không mấy mặn mà, quan tâm để đến xem dù biểu diễn miễn phí. Vì những chương trình như thế này khán giả là yếu tố quan trọng nhất.

Đức Quang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao, đưa vào vận hành 20 xe đạp điện GCOO tại lăng Gia Long

Ngày 15/4, Công ty TNHH Gbike (Viet PM) phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế thực hiện Lễ bàn giao và đưa vào vận hành 20 xe đạp điện GCOO tại Lăng Gia Long. Đồng thời, chuyển giao công nghệ, cung cấp các dịch vụ phụ trợ như ứng dụng công nghệ chia sẻ xe đạp GCOO, sạc điện và bảo trì xe đạp điện.

Bàn giao, đưa vào vận hành 20 xe đạp điện GCOO tại lăng Gia Long
Đến bảo tàng để thêm yêu văn hóa truyền thống

Bảo tàng Mỹ thuật Huế không chỉ là không gian trưng bày các triển lãm thu hút công chúng tham quan, mà những năm qua, nơi này đã trở thành điểm đến như một trường học trải nghiệm cho các em học sinh. Không chỉ hiểu thêm về nghệ thuật như hội họa, sắp đặt…, các em còn được nhập vai để cho ra tác phẩm theo cách của riêng mình.

Đến bảo tàng để thêm yêu văn hóa truyền thống
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Return to top