ClockThứ Tư, 27/05/2015 16:06

Bao giờ nhà nông hết loay hoay? - Kỳ 1: Nhiều nguyên nhân

TTH - Nông dân Thừa Thiên Huế đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước lúa rớt giá. Họ rất cần sự chung tay, hỗ trợ trong việc tiêu thụ sản phẩm để hướng đến sản xuất hiệu quả và bền vững.

Đóng lúa vào bao

Theo Sở NNPTNT, tổng sản lượng lúa chất lượng cao trên địa bàn tỉnh mỗi năm khoảng 50 ngàn tấn, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người dân vẫn ưa chuộng, sử dụng một lượng lớn sản phẩm gạo Quảng Trị, gạo Thái Lan..., trong khi các loại gạo này giá cao hơn nhiều so với các loại gạo trên địa bàn tỉnh.

“Được mùa mất giá, được giá mất mùa” có lẽ là điệp khúc cũ đối với nông dân. Giá lúa mấy năm trước dẫu có thấp, nhưng theo người nông dân vẫn chưa đến nỗi. Mấy vụ trước, giá lúa Khang dân mỗi kg từ 6.500 đồng trở lên, còn các loại 4B, TH5, HT1, hay một số giống chất lượng cao, như Hương cốm 4, Bắc thơm 7... thì cao hơn, từ 8 ngàn đến 10 ngàn đồng/kg. Mức giá trên, theo tính toán của nông dân, nếu bình quân mỗi sào đạt 3 tạ đến 3,5 tạ cũng có lãi từ 900 ngàn đồng trở lên... Vụ đông xuân này, trong khi nông dân chưa hết vui trước mùa vụ bội thu, thì lại “nỗi niềm” khi giá lúa rớt gần chạm đáy. Mỗi kg lúa loại Khang dân chỉ 5.300 đồng, có nơi chỉ 5 ngàn đồng, thậm chí còn thấp hơn.

Đầu tư nhiều, lãi chẳng bao nhiêu

Ông Trần Công Chước ở Sơn Công, phường Hương Vân (TX Hương Trà) làm phép tính nhẩm: “Trồng mỗi sào lúa phải chi phí 300 ngàn đồng mua phân bón, 100 ngàn đồng thuê cày đất, 200 ngàn đồng trả công gieo cấy, 200 ngàn thuê gặt, rồi cả loạt chi phí mua giống, thuốc bảo vệ thực vật, thủy lợi phí... tổng cộng đến 1,2 triệu đồng. Mỗi sào lúa thu hoạch hơn 3 tạ, với giá như hiện nay chỉ bán được chừng 1,5 triệu đồng, lãi không quá 300 ngàn đồng, chưa kể công chăm sóc gần bốn tháng”. 

Ông Trần Bá Ngoạn cùng địa phương nói: “Thiệt thòi lớn nhất đối với nông dân là đầu ra sản phẩm không ổn định, giá cả thấp bênh. Sản phẩm làm ra lâu nay chủ yếu bán cho các lái buôn ở làng. Họ mua với giá bao nhiêu thì bán bấy nhiêu, chẳng có hợp đồng, hay ràng buộc nào cả. Nông dân biết giá thấp cũng phải cắn răng mà bán, nếu không thì lấy tiền đâu ra để chi phí sản xuất vụ sau”. Các thương lái buôn ở làng cũng chịu nhiều sức ép từ các thương lái lớn, giữa họ cũng chẳng có hợp đồng giá cả, chỉ trao đổi, thỏa thuận bằng miệng. Bà Đặng Thị Ẩn, một trong những lái buôn ở xã Hương Phong (TX Hương Trà) nan giải: “Chúng tôi thường mua lúa nợ của bà con về xay xát, sau đó bán cho các lái buôn lớn ở chợ Đông Ba. Vì không có hợp đồng, hay ràng buộc nào nên họ hô giá bao nhiêu chúng tôi bán bấy nhiều. Có khi giá quá thấp cũng phải bán để có tiền trả nợ cho bà con”.

Lý giải giá lúa thấp như hiện nay, ông Trần Quang Phước, Trưởng phòng Trồng trọt - Chăn nuôi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT)  trăn trở. Lâu nay, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có doanh nghiệp lớn nào đứng ra hợp đồng bao tiêu sản phẩm tại chỗ cho nông dân. Vì qua nhiều khâu trung gian nên giá thành tại chỗ thấp là điều tất yếu. Một nguyên nhân nữa là, nguồn lúa gạo ở Việt Nam rất dồi dào nên sản phẩn của nông dân trên địa bàn tỉnh khó bán ra các tỉnh khác. Giá gạo của Việt Nam trên thị trường quốc tế hiện nay cũng thấp. Việc xuất khẩu gạo ở nước ta đang ngày càng khó khăn, do các nước đối tác (nhập khẩu gạo Việt Nam) cũng đang mở rộng quy mô diện tích sản xuất lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực, hạn chế lệ thuộc vào nhập khẩu...

Chất lượng thấp = giá thấp

Ngoài yếu tố nguồn cung dồi dào, một điều cần phải thừa nhận là nguồn sản phẩm lúa gạo ở nước ta nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng vẫn còn thấp. Nhiều năm qua, tỉnh cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng lúa gạo. Nhưng điều dễ nhận thấy, phần lớn các mô hình giống lúa chất lượng cao chỉ dừng lại ở mức độ thí điểm, khảo nghiệm. Một số giống lúa chất lượng khá cao như TH5, HT1, Iri352 cũng chỉ chừng 4.500 ha mỗi vụ, chiếm khoảng 20%. Còn các loại giống chất lượng cao Bắc thơm 7, Hương cốm 4, SV181, Thiên ưu 8... mới chỉ thí điểm một vài vụ, chưa mở rộng diện tích trên địa bàn toàn tỉnh.

Ông Phạm Dũng ở phường Thủy Lương (TX Hương Thủy) nói: “Xem ti vi, đọc báo có nghe nhiều về các giống chất lượng cao, tôi cũng muốn gieo trồng thử, nhưng không biết mua giống ở đâu, phương thức canh tác, kỹ thuật chăm sóc như thế nào cũng chưa hiểu rõ”. Dẫu chưa thể sản xuất được giống lúa chất lượng cao, nhưng với tư duy, suy nghĩ khá tiến bộ như ông Phạm Dũng là điều đáng ghi nhận. Phần lớn nông dân hiện nay vẫn còn nặng tâm lý muốn trồng các giống lúa đạt năng suất cao, thiếu quan tâm đến vấn đề chất lượng sản phẩm mang tính hàng hóa. Có người nghĩ rằng trồng lúa chất lượng thì sản phẩm không biết bán cho ai, ở đâu? Trong khi trồng các giống lúa truyền thống, tuy giá thấp nhưng vẫn bán được. Đó chính là những lý do khiến nông dân chỉ quanh quẩn với các giống Khang dân, 4B, Xi23, Xi21...

Mỗi vụ lúa, trên địa bàn tỉnh gieo trồng từ 26 ngàn đến gần 28 ngàn ha, trong đó các giống lúa tạo ra sản phẩm chất lượng thấp chiếm 22-23 ngàn ha; trong đó lúa Khang dân chất lượng thấp nhất lại chiếm phần lớn diện tích. Lúa gạo của nông dân làm ra lâu nay chủ yếu dự trữ làm nguồn lương thực cho gia đình, một phần bán ra thị trường phục vụ chế biến làm thức ăn chăn nuôi. Chất lượng sản phẩm thấp nên giá thấp là điều tất yếu.

Kỳ 2: “Bốn nhà” vào cuộc - Giải pháp căn cơ

Bài, ảnh: Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Trước những chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị liên quan đã có nhiều hoạt động phối hợp tăng cường kiểm tra các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng. Theo đó, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước đã dần thu hẹp.

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Tăng cung để hạ nhiệt giá vàng

3.400 lượng vàng đã trúng thầu trong phiên đấu thầu vàng đầu tiên sau 11 năm tạm ngừng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ghi nhận trên thị trường, giá vàng đã giảm khá mạnh do ảnh hưởng từ thị trường thế giới cũng như thông tin về đấu thầu vàng miếng thành công.

Tăng cung để hạ nhiệt giá vàng
Return to top