ClockThứ Sáu, 21/12/2012 05:20

Bao giờ thôi rình rập?

TTH - Hoạt động chạy tàu vẫn đảm bảo hành trình, mặc cho tai nạn giao thông đường sắt (TNGTĐS) cứ song song tồn tại. Hạ tầng giao thông đường sắt, đặc biệt những vị trí nguy hiểm, một năm qua vẫn chưa được cải thiện là bao.

Khoảng 19 giờ ngày 4/11, tại đường ngang xóm Gióng thuộc phường An Tây (Huế) xảy ra một vụ TNGTĐS kinh hoàng. Chiếc ô tô 7 chỗ ngồi khi ngang qua đường sắt nơi đây bị tàu SE7 chạy từ Nam ra hất văng hơn 150m, hư hỏng nặng. Tuy không có thiệt hại về người nhưng vụ TN gây ùn tắc giao thông trên QL1A, đoạn gần với đường ngang hơn 90 phút. Trước đó, rất nhiều người dân phải bỏ mạng tại đường ngang này...

Tai nạn giao thông đường sắt tại các vị trí đường ngang vẫn đang rình rập

Hơn 1 tháng sau khi xảy ra vụ TN, chúng tôi trở lại vị trí đường ngang nguy hiểm này, hiện trạng vẫn không thay đổi. Chỉ được trồng thêm 2 trụ tiêu phía bên xóm Gióng để khống chế tô tô. Đây là một trong những vị trí đường ngang nguy hiểm nhất. Từ QL1A, muốn băng qua đường ngang thì phải lấy đà lên 1 con dốc cao chạy song song với đường ray xe lửa, rồi bất ngờ rẽ phải vượt qua đường sắt; đoạn ngang qua đường sắt thì cao gồ, lởm chởm đá. Nếu từ xóm Gióng băng qua đường sắt cũng phải lên 1 con dốc cao, rẽ trái, đối diện ngược chiều với luồng phương tiện trên QL1A, có dải phân cách cứng ngăn cách. Điều đáng nói là, đường ngang xóm Gióng chỉ cách đường ngang có gác chắn trường Âu Lạc về phía bắc chừng 1 km. Tại sao không rào hẳn đi để mở một con đường gom đến gác chắn trường Âu Lạc? Cách về phía Nam chừng 2 km còn có cầu vượt Thủy Dương. Tuy đã có cầu vượt nhưng dưới cầu vượt vẫn tồn tại một đường ngang dân sinh. Người và phương tiện cứ chọn đường ngang dân sinh này để đi, cầu vượt không phát huy hiệu quả. Nguyên nhân do đường gom lên cầu vượt không được đầu tư thuận lợi cho người và phương tiện lên xuống.

Theo báo cáo cáo của Công ty TNHH 1TV Quản lý đường sắt Bình Trị Thiên, từ tháng 1 đến đầu tháng 12/2012, trên địa bàn xảy ra 7 vụ TNGTĐS, song trong thực tế còn lớn hơn rất nhiều. Trong lúc chúng tôi đang thực hiện bài viết này thì tại đường ngang Trần Quang Diệu phường Phú Bài, lại xảy ra một vụ TNGTĐS nữa; mà nguyên nhân là địa hình giao cắt không bằng phẳng, phương tiện đường bộ bị kẹt cứng giữa đường ray, bị tàu SE1 hất văng 50m.

Hầu hết các vụ TNGTĐS đều xảy ra ở các đường ngang không có gác chắn, địa hình phức tạp, không bằng phẳng, lại khuất tầm nhìn. Trong năm 2012, Công ty TNHH 1TV Quản lý đường sắt Bình Trị Thiên đã tiến hành một số hoạt động quản lý, bảo trì kết cấu cơ sở hạ tầng đường sắt ngang qua địa bàn như sửa chữa 15km đường sắt, thay ray, tà vẹt ở một số đoạn trên tuyến; sửa chữa khẩn cấp 3 cầu đường sắt và sửa chữa lớn 3 cầu đường sắt khác... đảm bảo cho tàu chạy êm thuận đạt 80km/h... Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo ATGTĐS đối với người và phương tiện bộ hành, đặc biệt là tại các vị trí đường ngang dân sinh vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Chúng tôi nhiều lần đăng ký làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH 1TV Quản lý đường sắt Bình Trị Thiên nhưng đều bị bảo vệ của công ty này cản trở. Mặc dầu đã điện thoại liên hệ trước với ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Giám đốc hẹn chiều 12/12 đến trao đổi thông tin nhưng khi đến thì bảo vệ bảo Ban Giám đốc bận họp. Sáng 13/12, chúng tôi trở lại dự định thông qua văn phòng đăng ký một buổi làm việc cụ thể với đại diện lãnh đạo công ty nhưng cũng bị bảo vệ ở đây chặn ngang cổng bảo văn phòng giờ đây không có ai cả. “Tôi bảo vệ mà bảo ông không nghe à”(!)...

Theo ông Trần Bá Trung, Thường trực Ban ATGT Thừa Thiên Huế thì để hạn chế TNGTĐS phải nên khảo sát lại toàn bộ hệ thống đường ngang. Ngoài việc rào chắn lại một số đường ngang không cần thiết; những đường ngang còn lại phải bảo đảm êm thuận. Những đường ngang chưa có gác chắn thì phải bổ sung đèn tín hiệu, loa cảnh báo; những đường ngang đã có thiết bị cảnh báo rồi, nếu thấy lưu lượng người và phương tiện đường bộ tham gia giao thông đông thì nên nâng cấp thành có gác chắn. Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống đường gom, thiết lập hàng rào, hộ lang ngăn cách giữa các đường gom qua các khu dân cư đông đúc như ở thành phố Huế, thị xã Hương Thủy...

Đề nghị này cũng đã được đưa ra từ nhiều năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện là bao! Mong rằng, cùng với sự đảm bảo êm thuận, tốc độ chạy tàu thì việc đảm bảo ATGTĐS tại các vị trí đường ngang, vị trí nguy hiểm cần phải được tính tới để bảo vệ tính mạng cho người và phương tiện bộ hành, góp phần kiềm chế TNGT trên địa bàn.

Đặng Thành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

Mặt bằng thi công Dự án (DA) đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương chưa giải phóng hoàn toàn, mới chỉ đủ để triển khai phần cầu. Chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm đáp ứng tiến độ thi công DA.

Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương
Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam

Theo các quy hoạch chiến lược của tỉnh, huyện Phú Lộc trở thành cụm động lực tăng trưởng phía nam; trong đó xã Lộc Sơn nằm cửa ngõ phía bắc huyện đang phấn đấu trở thành đô thị loại V, góp phần quan trọng cho sự thành công trên.

Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam
Return to top