ClockThứ Ba, 04/07/2017 14:01

“Bảo hiểm” sức khỏe trọn đời

TTH - Tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin, đúng độ tuổi là phương cách tối ưu bảo vệ con người sống khỏe mạnh trọn đời.

Tiêm chủng cho trẻ ở Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh

Hiệu quả từ vắc xin

PGS.TS. Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng (YTDP) tỉnh, nhận định: “Vắc xin bảo vệ cuộc sống thông qua tiêm chủng. Tiêm chủng là một trong những can thiệp y tế thành công, hiệu quả nhất trên thế giới giúp ngăn ngừa từ 2 - 3 triệu ca tử vong mỗi năm. Nhờ tiêm chủng, nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được thanh toán, loại trừ”.

Từ năm 1985, Thừa Thiên Huế triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) 6 loại vắc xin phòng một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em, như: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và sởi. Gần 32 năm qua, TCMR miễn phí trên địa bàn luôn duy trì với tỷ lệ hơn 90% trẻ tham gia. Hiệu quả mang lại khá rõ như, tỷ lệ trẻ mắc nhiều bệnh nhiễm khuẩn có vắc xin dự phòng giảm hàng chục đến hàng trăm lần; nhiều bệnh không có ca tử vong từ sau năm 2005 và đã đạt được các mục tiêu cam kết quốc tế là thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000; loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005.

Những năm gần đây, chương trình TCMR trên địa bàn phát triển mạnh. Hàng năm, Trung tâm xây dựng kế hoạch thực hiện công tác tiêm chủng; đồng thời tổ chức tập huấn, đào tạo cán bộ y tế các tuyến về kỹ năng quản lý, tổ chức, thực hành tiêm chủng, quản lý dây chuyền lạnh và quy định sử dụng vắc xin trong phòng, điều trị bệnh. Trước đây, chương trình TCMR thường triển khai vào ngày 25 hằng tháng, gần đây theo quy định mới của Bộ Y tế, Thừa Thiên Huế triển khai tiêm chủng tùy vào tình hình thực tế ở địa phương. Tại mỗi điểm tiêm chủng, trong 1 buổi tiêm chỉ tiêm cho 50 trẻ và có ít nhất 2 cán bộ y tế phụ trách được cấp chứng chỉ an toàn tiêm chủng; trong đó, 1 cán bộ  khám, tư vấn trước tiêm và 1 cán bộ tiêm.

Bên cạnh TCMR, Thừa Thiên Huế triển khai các loại vắc xin dịch vụ 5 trong 1 (phòng 5 bệnh: bạch cầu, uốn ván, ho gà, viêm não do vi trùng HiB, và bại liệt), 6 trong 1 (bạch cầu, uốn ván, ho gà, viêm não do vi trùng HiB, viêm gan B và bại liệt); vắc xin viêm não mô cầu; triển khai chương trình sởi-rubella cho lứa tuổi thanh thiếu niên; tiêm phòng vắc xin rotavin miễn phí cho trẻ vùng sâu, vùng xa; tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh... đã góp phần hạn chế mắc các bệnh truyền nhiễm...

Tiêm chủng để phòng bệnh

Từ 1/5/2017, Thừa Thiên Huế sử dụng hệ thống phần mềm tiêm chủng quốc gia để quản lý hoạt động tiêm chủng. Hệ thống này giúp ngành y tế quản lý tiêm chủng trọn đời cho mọi người dân từ khi sinh ra theo mã số cá nhân (ID), từ đó tăng sức đề kháng, chống lại một số bệnh nguy hiểm, tránh những nguy cơ nhiễm bệnh, cơ thể khỏe mạnh. Trước khi đưa vào hoạt động, Trung tâm YTDP tỉnh tổ chức tập huấn về kỹ năng sử dụng phần mềm cho cán bộ tuyến tỉnh, đến cán bộ y tế ở 152 xã phường, thị trấn trên địa bàn. Đến nay, gần 100% trẻ được sử dụng hệ thống phần mềm quốc gia này.

Hiện nay, nhiều bệnh có thể gây thành dịch đã có vắc xin phòng. Chương trình TCMR dành cho trẻ đang triển khai một số loại vắc xin, như: BCG (phòng bệnh lao), viêm gan B mũi tiêm cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh, vắc xin “5 trong 1” DPT-VGB-Hib (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não mủ do vi khuẩn Hid), boPV và IPV (phòng bệnh bại liệt), sởi. Trẻ 12 - 18 tháng tuổi được tiêm thêm vắc xin viêm não Nhật Bản, DPT (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván), sởi- rubella. Bên cạnh đó, chương trình tiêm chủng dịch vụ, ngoài vắc xin phòng các bệnh còn có các loại vắc xin phòng bệnh khác, như thuỷ đậu, cúm, quai bị...

Gần đây công tác tiêm chủng vắc xin trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ khá cao. Năm 2016, trẻ em dưới 1 tuổi tiêm các loại vắc xin, đạt tỷ lệ 98,76%; trong đó TCMR đạt 98,37%; trẻ 18 tháng tuổi tiêm vắc xin DPT mũi 4 đạt tỷ lệ 97,71%; viêm não Nhật Bản đạt hơn 97%..., vượt chỉ tiêu đề ra. Kết quả này nhờ công tác tuyên truyền tiêm chủng được đẩy mạnh, tạo nhận thức cao của hầu hết người dân. Bên cạnh đó, các điểm tiêm được bố trí  từ tỉnh đến cơ sở tạo thuận lợi cho người dân đưa trẻ đến tiêm. Hằng năm, cán bộ chuyên trách tiêm phòng được tập huấn kỹ năng đều đặn. Đến nay toàn tỉnh có 181 điểm chủng; trong đó có 17 điểm tiêm vắc xin dịch vụ. Các điểm tiêm có đầy đủ cơ sở vật chất, có hệ thống chuyền lạnh bảo quản vắc xin theo quy định.

Khó khăn hiện nay trên địa bàn là tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sau sinh trong vòng 24 giờ tại các BV chỉ đạt 70% do tâm lý lo ngại tai biến của nhiều phụ huynh. Theo PGS. TS. Nguyễn Đình Sơn, việc không cho trẻ tiêm phòng là rất nguy hiểm, dù trẻ mới sinh ra có khả năng miễn dịch do nhận được các kháng thể từ mẹ. Tuy nhiên, khả năng này chỉ kéo dài khoảng 1 năm. Sau đó, trẻ không còn nhận được kháng thể từ mẹ và dễ bị nhiễm các bệnh; trong đó có các bệnh có thể phòng tránh được bằng vắc xin. Thực tế trong số các trường hợp mắc những bệnh truyền nhiễm, như ho gà, thuỷ đậu, sởi, quai bị... hầu hết rơi vào lứa tuổi trẻ chưa đủ tháng tiêm phòng và mẹ của trẻ chưa từng bị mắc bệnh, nên kháng thể truyền cho con yếu; trẻ chưa tiêm phòng hoặc tiêm chưa đầy đủ mũi....

“Việc tiêm chủng không chỉ giúp phòng bệnh cho trẻ mà còn bảo vệ sức khoẻ cho cả cộng đồng. Tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin phù hợp theo lứa tuổi sẽ tạo cho cơ thể trẻ sức đề kháng tốt để ngăn ngừa những tác nhân gây bệnh”, PGS.TS. Nguyễn Đình Sơn nói.

Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiêm chủng mở rộng năm 2024: Đảm bảo nguồn vắc-xin

Trong đợt tiêm đầu năm 2024, các vắc-xin phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em và bà mẹ mang thai đã được phân bổ về cơ sở. Nhiều phụ huynh vùng nông thôn vui mừng vì không phải tốn kém, vất vả lên thành phố tiêm dịch vụ các mũi còn thiếu trong năm 2023.

Tiêm chủng mở rộng năm 2024 Đảm bảo nguồn vắc-xin

TIN MỚI

Return to top