ClockThứ Năm, 17/11/2016 07:38

Bảo hiểm tiền gửi: Lãng quên quyền lợi khách hàng

TTH - Theo quy định, các tổ chức tín dụng có trách nhiệm tuyên truyền, giải thích về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) cho khách hàng. Tuy nhiên, gần như chưa có khách hàng nào được tư vấn về chính sách này.

Việc tuyên truyền, giải thích các chính sách về BHTG chưa được ngân hàng chú trọng

Mù mờ về BHTG

Trong vai khách hàng, chúng tôi đến Ngân hàng TMCP B. trên địa bàn để hỏi về BHTG, tuy nhiên, nhân viên ngân hàng này giải thích, việc này liên quan trực tiếp giữa ngân hàng với BHTG Việt Nam, không liên quan đến khách hàng. Nếu có rủi ro, BHTG Việt Nam sẽ chi trả cho từng khách hàng cụ thể. Tuy thế, mức tối đa chỉ 50 triệu đồng/khách hàng, dù số tiền gửi tiết kiệm ngân hàng của khách hàng có thể lên đến hàng tỷ đồng. Nhân viên này cũng không quên trấn an khách hàng, trường hợp rủi ro như vừa nêu chỉ có thể xảy ra với các tổ chức tín dụng nước ngoài, trong nước rất hiếm.

Tiếp cận một khách hàng vừa gửi tiết kiệm hàng trăm triệu đồng, chị này cho hay không được giải thích cũng như chưa từng nghe qua về bảo hiểm tiền gửi. Giao dịch giữa chị và ngân hàng đơn thuần chỉ là gửi tiền, điền đầy đủ thông tin và cầm sổ tiết kiệm ra về. Đây gần như là tình trạng chung đối với các khách hàng có tiền gửi tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Vì lý do đó, mới đây BHTG Việt Nam - Chi nhánh khu vực Bắc Trung bộ tổ chức hội nghị tuyên truyền về chính sách BHTG. Giám đốc chi nhánh, ông Trần Văn Lam cho rằng, dù Luật BHTG đã có từ lâu và việc áp dụng vào cuộc sống, mà cụ thể là đối với các tổ chức tín dụng (kể cả ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước, quỹ tín dụng Nhân dân, công ty tài chính) đều bắt buộc phải chấp hành, song công tác tuyên truyền còn bỏ ngỏ. Khá nhiều tổ chức tín dụng chưa hoặc không tuyên truyền cho khách hàng những lợi ích thiết thực từ chính sách này. Cụ thể, mỗi khách hàng có mức gửi tối đa 50 triệu đồng ở các tổ chức tín dụng, nếu các tổ chức tín dụng phá sản, khách hàng sẽ được BHTG Việt Nam bồi thường 50 triệu đồng.

Phòng Truyền thông của BHTG Việt Nam cho hay, khu vực Bắc Trung bộ dù chưa xảy ra trường hợp phá sản, song, luật mới đã có quy định, sắp tới Nhà nước sẽ không bao cấp cho các tổ chức tín dụng với hình thức mua lại với giá 0 đồng đối với các tổ chức tín dụng làm ăn thua lỗ mà sẽ cho phá sản. Theo đó, nếu không có BHTG, khách hàng sẽ trắng tay. Hiện, BHTG Việt Nam đã chi trả cho 39 trường hợp trên toàn quốc đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Khách hàng cần được biết rõ về BHTG

Nâng cao hạn mức chi trả

Tính đến cuối tháng 12/2015, tổng nguồn vốn hoạt động của BHTG Việt Nam là 26,6 tỷ đồng, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2014. Vốn điều lệ cũng tăng từ 1.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng. BHTG Việt Nam đang theo dõi hơn 3 triệu tỷ đồng tiền gửi của khách hàng tại 1.252 tổ chức tín dụng trên cả nước.

Địa bàn Thừa Thiên Huế có 24 ngân hàng thương mại, 1 ngân hàng chính sách xã hội, 1 chi nhánh ngân hàng phát triển, 7 quỹ tín dụng nhân dân và 4 công ty tài chính. Qua theo dõi của BHTG Việt Nam, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đều đóng phí BHTG đầy đủ, đúng kỳ hạn, với mức đóng bằng 0,15%/năm trên tổng số dư tiền gửi bình quân được bảo hiểm.

Khu vực Bắc Trung bộ chưa xảy ra trường hợp tổ chức tín dụng mất khả năng chi trả hay phá sản, do đó, BHTG Việt Nam chưa chi trả trường hợp nào. Tuy thế, trên địa bàn Thừa Thiên Huế đã có các trường hợp tổ chức tín dụng đặt trong diện kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng TMCP Đông Á - Chi nhánh Huế và gần đây là Quỹ tín dụng Nhân dân Thuận Hòa. Cả hai tổ chức tín dụng này sau khi Ngân hàng Nhà nước đặt vào diện kiểm soát đặc biệt đã duy trì hoạt động bình thường và chưa xảy ra trường hợp làm ảnh hưởng đến tiền gửi của khách hàng. Song, điều đó một lần nữa cho thấy, công tác tuyên truyền về chính sách BHTG cần được đẩy mạnh để người dân yên tâm khi gửi tiền tại các tổ chức tín dụng.

Rõ ràng, việc nâng cao nhận thức cho người dân, khách hàng về chính sách BHTG là cần thiết, song nhiều ý kiến cho rằng, với hạn mức chi trả như hiện nay, rất nhiều khách hàng gần như không quan tâm, nhất là đối với những khách hàng gửi tiền hàng chục tỷ đồng. Nếu tổ chức tín dụng phá sản, con số đền bù chỉ 50 triệu đồng không thấm vào đâu so với số tiền gửi của khách hàng. Hơn nữa, hoạt động thu phí, chứng nhận… và các giao dịch khác lâu nay chỉ giữa các tổ chức tín dụng với BHTG Việt Nam. Khách hàng gần như không biết đến các giao dịch này. Có chăng chỉ là chứng nhận được một số ngân hàng treo ở địa điểm giao dịch, nhưng cũng rất ít người quan tâm. Đây cũng là nguyên nhân khiến một số tổ chức tín dụng chưa chú trọng công tác tuyên truyền về BHTG.

Trở lại với hạn mức chi trả BHTG khi có rủi ro, phía BHTG Việt Nam cho biết đang đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nâng hạn mức chi trả lên 200 triệu đồng/khách hàng nhằm củng cố niềm tin của khách hàng cũng như góp phần tích cực vào việc tái cơ cấu đối với các tổ chức tín dụng yếu kém, song, hiện đề nghị này chưa được chấp nhận.

Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho hay, sẽ tăng cường công tác tuyên tuyền đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn, nhất là các quỹ tín dụng Nhân dân nhằm đưa các chính sách liên quan BHTG đến với người dân một cách hiệu quả nhất. Cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này còn triển khai các hoạt động liên quan để kịp thời kiểm tra, chấn chỉnh, nhắc nhở những tồn tại. Qua thanh kiểm tra định kỳ, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh đã có những chấn chỉnh đối với một số quỹ tín dụng Nhân dân trên địa bàn chưa làm tốt công tác chuyên môn và các hoạt động khác, trong đó có việc thực hiện chưa tốt công tác tuyên truyền, giải thích về BHTG…

Còn đơn thuần là quan hệ giữa ngân hàng với bảo hiểm tiền gửi

Ông B, Giám đốc một ngân hàng thương mại trên địa bàn thẳng thắn: “Lý do nhiều ngân hàng chưa quan tâm đến việc tuyên truyền, giải thích các chính sách BHTG là bởi đây còn đơn thuần là mối quan hệ giữa ngân hàng với bảo hiểm. Phí bảo hiểm do ngân hàng đóng. Khách hàng không phải đóng các loại phí này nên gần như chưa khách hàng nào quan tâm đến BHTG, dù khi xảy ra rủi ro, khách hàng là người trực tiếp hưởng lợi”.

Lãnh đạo một tổ chức tín dụng khác thì cho rằng, do mức hỗ trợ, chi trả khi xảy ra sự cố phá sản còn thấp và chỉ một mức là 50 triệu đồng chung cho tất cả khách hàng có mức tiền gửi thấp nhất từ 50 triệu đồng nên các tổ chức tín dụng cũng như khách hàng chưa thật sự quan tâm về BHTG. Hơn nữa, trên cả nước chưa từng xảy ra tình trạng phá sản của các tổ chức tín dụng. Những ngân hàng làm ăn thua lỗ hầu hết đều được Nhà nước mua lại. Các quyền lợi liên quan của khách hàng đều được đảm bảo nên BHTG vẫn chưa trở thành mối quan tâm của khách hàng cũng như các tổ chức tín dụng.

Bài, ảnh: TÂM HUỆ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Châu Á-Thái Bình Dương thiệt hại kinh tế 65 tỷ USD do các thảm họa tự nhiên

Aon, công ty dịch vụ chuyên nghiệp hàng đầu thế giới, vừa công bố Báo cáo Khí hậu và Thảm họa năm 2024, trong đó xác định các xu hướng thiên tai và khí hậu trên toàn cầu và ở châu Á-Thái Bình Dương, giúp các doanh nghiệp đưa ra quyết định tốt hơn nhằm quản lý sự biến động và tăng cường khả năng phục hồi.

Châu Á-Thái Bình Dương thiệt hại kinh tế 65 tỷ USD do các thảm họa tự nhiên
“Chìa khóa” phát triển người tham gia bảo hiểm

Truyền thông được xem là “chìa khóa” trong công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) nên BHXH tỉnh không ngừng thay đổi, đa dạng hóa cả về nội dung lẫn hình thức tuyên truyền nhằm lan tỏa chính sách BH đến với người dân để người dân hiểu và chủ động tham gia.

“Chìa khóa” phát triển người tham gia bảo hiểm
Truyền thông, vận động ủng hộ thẻ bảo hiểm

Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với các phương thức truyền thông, vận động của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, nhiều doanh nghiệp đã ủng hộ hàng trăm triệu đồng để trao sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Truyền thông, vận động ủng hộ thẻ bảo hiểm
Tạo đột phá trong cải cách chính sách bảo hiểm

Sau hơn 5 năm triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (gọi tắt là Nghị quyết 28), vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp cũng như nhận thức của người dân trên địa bàn tỉnh về chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) ngày càng nâng cao, góp phần gia tăng số người tự nguyện tham gia các loại hình bảo hiểm.

Tạo đột phá trong cải cách chính sách bảo hiểm

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top