ClockThứ Bảy, 11/02/2017 14:43

Bạo lực gia tăng: Biểu hiện của sự xuống cấp về đạo đức ứng xử

Cách giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực xảy ra phổ biến, ngay cả những nơi có thiết chế văn hóa làng xã chặt chẽ

Thời gian gần đây, ở nhiều nơi trên cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn, gây bất an và bức xúc cho xã hội. Đây là biểu hiện sự xuống cấp về đạo đức, ứng xử, văn hóa của xã hội do mặt trái của kinh tế thị trường. Trong khi đó, việc thực thi pháp luật để xử lý các vụ việc này lại chưa nghiêm.

Hành vi phản cảm cướp lộc ở chùa Hương

Trên mạng xã hội thời gian gần đây đăng tải nhiều hình ảnh, video clip về các vụ bạo lực như: vụ hai bố con ông Nguyễn Bá Nhu ở Chương Mỹ, Hà Nội lao vào hành hung ông Hoàng Tiến Vin, 62 tuổi, là thương binh sau va chạm giao thông; hình ảnh một cụ già bị ngã và ngất do bị nhóm thanh niên gạt chiếc gậy của cụ sau va chạm giữa hai bên tại khu vực Thiên Trù, Chùa Hương (Hà  Nội)...

Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế, chỉ riêng trong dịp Tết vừa qua, các bệnh viện toàn quốc đã tiếp nhận hơn 5.600 trường hợp đến khám, cấp cứu do đánh nhau, làm hàng chục người chết. Hiện tượng lứa tuổi thanh, thiếu niên sử dụng bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn trong đời sống xảy ra ngày càng thường xuyên hơn. Ngay các nữ sinh lâu nay vẫn được coi là ngoan, hiền cũng đánh nhau, rồi quay video clip tung lên mạng xã hội...

Bà Ngô Thị Thu Dung, chuyên gia tâm lý giáo dục- Trường Đại học Hòa Bình cho rằng, nhiều gia đình “khoán trắng” việc giáo dục đạo đức, văn hóa của con em mình cho nhà trường, cho xã hội. Trường học chỉ chú trọng dạy kiến thức, mà chưa coi trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa và các kỹ năng ứng xử trong đời sống cho học sinh.

Bà Ngô Thị Thu Dung nói: “Giáo dục nhà trường cũng là vấn đề. Chúng ta giáo dục đạo đức cho các em, nhưng chúng ta giáo dục các em nói nhiều hơn là hành, nói hay, nói đúng nhưng chưa hành được. Đặc biệt là chúng ta chưa tạo ra niềm tin cho các em đối với những giá trị mà ta đang tạo dựng. Cho nên khi ra cuộc sống, các em ứng xử với nhau bằng bạo lực, bởi vì các em chưa đủ sức tin vào và chưa có hành vi, thói quen ứng xử như thế, thì làm sao ra đời có thể ứng xử một cách lịch sự được. Trong giới trẻ hiện hay niềm tin vào hệ giá trị mới rất là yếu, nền tảng đạo đức hiện nay chúng ta cũng chưa xây dựng những hệ giá trị một cách rõ ràng”.

Các vụ dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn không chỉ xảy ra ở thành phố lớn mà còn xảy ra ở cả vùng nông thôn- nơi có những thiết chế đạo đức, văn hóa làng, xã chặt chẽ, trở thành những phong tục, tập quán từ lâu đời và người dân trong cộng đồng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Người dân đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn thay vì chọn cách nói chuyện, hòa giải, nhưng lại sẵn sàng hợp sức với nhau để đánh những người nghi là trộm chó.

Hình ảnh học sinh nữ đánh nhau lột quần áo không còn hiếm trên mạng xã hội

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, qua những vụ việc này cũng phản ánh một sự thực là những mối quan hệ xã hội ở nhiều nơi đang không bình thường và có biểu hiện của sự xuống cấp, suy thoái về đạo đức, văn hóa. Nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế, các giá trị về đạo đức và văn hóa truyền thống không phù hợp đang dần mất đi. Những giá trị mới đang được du nhập, nhưng chưa tạo được hệ thống các chuẩn mực về đạo đức và văn hóa ứng xử trong xã hội. Ông Dương Trung Quốc phân tích: “Đạo đức chính là quan hệ ứng xử của một cá thể đối với cộng đồng của mình, được quy định bởi rất nhiều chuẩn mực để có thể thấy đúng, thấy sai, thấy tốt, thấy xấu.

Chúng ta đang ở trong thời đại mà sự chuyển đổi diễn ra theo hướng là cái cũ thì bị phá đi, mà cái mới thì chưa được xây dựng, và chính vì thế nó không có chuẩn. Những yếu tố mới mà ta hay nhắc đến yếu tố thị trường, bản thân nền kinh tế thị trường chẳng có tội tình gì ở đây cả. Nhưng thị trường tức là mọi chuẩn mực dựa trên những định lượng bằng vật chất, nó làm mất đi phần nào giá trị tinh thần, thì tự nhiên nó tạo ra những sự thiếu chuẩn mực, thậm chí hỗn loạn chuẩn mực”.

Ở góc độ tâm lý xã hội, hiện nay, quan niệm sống của nhiều người dân đã có sự thay đổi, đề cao lợi ích cá nhân mà không đặt lợi ích của cộng đồng lên trước. Khi thấy lợi ích cá nhân của mình bị ảnh hưởng thì rất dễ nổi nóng và sẵn sàng dành lại công bằng cho chính mình bằng mọi giá, kể cả vi phạm pháp luật.

Nhiều giá trị đạo đức, văn hóa, phù hợp và chưa phù hợp được lan truyền nhanh qua mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng, khiến sự mâu thuẫn về quan điểm sống giữa các thế hệ ngày càng lớn, rất dễ dẫn đến những xung đột, ứng xử không phù hợp giữa các cá nhân trong cuộc sống thường ngày. Không ít người còn ủng hộ việc giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Trong khi đó, việc thực thi các quy định của pháp luật đối với các hành vi chưa đúng chuẩn mực còn chưa nghiêm, có sự nể nang, né tránh, thiếu công bằng... đã dẫn đến tâm lý người dân coi thường pháp luật và giải quyết mâu thuẫn theo kiểu “tự xử”. Vì vậy, để răn đe các vụ việc dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn thì biện pháp hữu hiệu nhất là bằng pháp luật.

Bà Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nêu ý kiến: “Ý thức pháp luật của người Việt Nam có thể nói là yếu, nếu cứ để tình trạng như thế này xảy ra thì những vụ va chạm càng ngày càng trầm trọng hơn dẫn đến những vụ án lớn, chứ không phải đơn giản là nhưng vụ va chạm nữa. Và barie để chắn chúng ta không vượt vòng để làm những việc như vậy chính là pháp luật. Do vậy, những điều luật cũng phải chặt chẽ hơn rất nhiều, đồng thời những người thi hành pháp luật cũng nên nghiêm túc hơn, công bằng hơn với tất cả mọi người thì dần dần mọi sự sẽ được điều chỉnh”.

Chỉ vì va quệt giao thông, thương binh Hoàng Tiến Vin (62 tuổi ở Chương Mỹ) bị quây đánh hội đồng.

Trong khi các giải pháp về giáo dục, xây dựng các thiết chế văn hóa, các hệ giá trị đạo đức mới... phải có quá trình để người dân tiếp nhận và thực hiện thì giải pháp điều chỉnh các hành vi vi phạm bằng chế tài pháp luật có thể thực hiện được ngay.

Pháp luật cũng là yếu tố chuẩn mực cao nhất, giá trị quan trọng nhất mà mọi người dân phải tuân theo. Cơ quan chức năng xử lý nghiêm túc, kịp thời, đúng người, đúng tội, không nể nang, né tránh thì mới đủ sức răn đe và từ đó góp phần điều chỉnh hành vi ứng xử của các cá nhân trong đời sống hàng ngày.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top