ClockThứ Ba, 18/07/2017 08:32

“Bảo mẫu” của lưu học sinh Lào ở Huế

TTH - Không chỉ dạy tiếng Việt mà còn giúp cho sinh viên Lào cách sống, biết sẻ chia, đoàn kết... là điều mà đồng nghiệp, lãnh đạo nhận định về cô Hoàng Thị Thu Thủy, giáo viên Khoa Xã hội, Trường cao đẳng Sư phạm Huế.

Thành sự tại nhân

Tốt nghiệp Khoa Văn Trường đại học Sư phạm Huế năm 1981, Thu Thủy về công tác ở Trường cao đẳng Sư phạm Huế. Vốn yêu nghề giáo, cộng thêm niềm đam mê, cô trở thành giáo viên có “tên tuổi” được đồng nghiệp và sinh viên quý mến.

Năm 2002, thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục & Đào tạo, lãnh đạo tỉnh ký kết đào tạo nguồn nhân lực cho lưu học sinh Lào. Trường cao đẳng Sư phạm Huế được chọn, giao nhiệm vụ đào tạo tiếng Việt cho các em để có điều kiện tham gia học các ngành nghề và cô giáo Thu Thủy là một trong những giáo viên đầu tiên đảm trách. Năm đầu, trường tiếp nhận khoảng 100 học sinh đến từ các tỉnh Sêkông, Salavan, Champasac... với khoảng 4 lớp. Các em được đào tạo theo chương trình của Bộ, với yêu cầu nghe - nói - đọc - hiểu thành thạo tiếng Việt trong thời gian một năm.

Để đạt mục tiêu,  cô giáo Thu Thủy đã toàn tâm toàn ý, theo sát  chương trình và khơi gợi các em tình yêu tiếng Việt. Cô luôn tạo sự gần gũi với các em, nắm bắt từng hoàn cảnh. Mỗi khi đến lớp, cô luôn giữ không khí vui vẻ hòa đồng giữa cô - trò, thậm chí có lúc phải dùng kỹ năng “mềm” khi các em lơ đễnh. Qua mỗi chương trình học, các em tiến bộ nhanh, được Bộ Giáo dục & Đào tạo đánh giá cao..

Từ năm 2002 đến nay, Trường cao đẳng Sư phạm Huế trở thành cái nôi đào tạo tiếng Việt cho học sinh Lào với số lượng hơn 1.500 học sinh. Phần lớn các em đều đọc thông, viết thạo, giao tiếp tốt nhờ công lớn của cô giáo Thu Thủy.

Người mẹ thứ 2

Không chỉ dạy chữ, cô Thủy còn dạy cho các em kỹ năng sống, tình yêu quê hương đất nước, mối quan hệ gắn bó truyền thống của hai dân tộc Việt - Lào.  Năm 2007, khi có chủ trương bảo trợ lưu học sinh Lào, mỗi năm cô nhận từ 2 - 3 học sinh Lào làm con nuôi và xem các em như con ruột. Hàng tuần, hàng tháng, cô dõi theo chuyện ăn ở, sinh hoạt của các em. Cô hỗ trợ đồ dùng học tập, áo quần, giúp thêm những “người con” có hoàn cảnh nghèo, mồ côi những bữa ăn ngon, phù hợp sở thích. Lúc các em ốm đau, cô luôn bên cạnh chăm sóc, thuốc thang như người mẹ. Điển hình như sinh viên Kông Phu (tỉnh Salavan) khóa đầu tiên của lưu học sinh Lào tại Huế năm 2003 bị tai nạn giao thông, cô Thủy là người đầu tiên vào BV TW Huế chăm sóc, đóng các khoản phí nằm viện. Vào dịp lễ, tết, sinh nhật, cô tổ chức vui chơi, liên hoan cho các em giao lưu, tìm hiểu văn hóa, ẩm thực xứ Huế.

“Cô Thủy là điển hình trong đội ngũ giáo viên bảo trợ học sinh Lào tại Huế. Một nữ giáo viên luôn sáng tạo, tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết “truyền lửa” cho nhiều thế hệ học sinh Lào tại Huế mà ít ai làm được...” -  thầy giáo Trần Xuân Phiệt, Quản lý lưu học sinh Lào, Trường cao đẳng Sư phạm Huế.

Ngôi nhà riêng của cô luôn đày ắp tiếng cười của học sinh Lào vào mỗi dịp cuối tuần. Cô còn tổ chức những cuộc dã ngoại cho các em viếng thăm các di tích lịch sử, các danh thắng ở Huế; thăm  núi rừng ở A Lưới, Nam Đông, hoặc về các làng quê ven biển đầm phá Tam Giang - Cầu Hai... Qua những hoạt động đó, không chỉ tăng thêm kỹ năng học nói tiếng Việt mà còn giúp các em hiểu biết về văn hóa, lịch sử, phong tục Việt Nam, phong tục Huế, mối quan hệ hữu nghị đặc biệt của hai dân tộc Việt - Lào...

Cô giáo Thu Thủy chia sẻ: “Học sinh Lào rất thật thà và ngoan hiền. Mình yêu thương các em và các em đã xem mình như người mẹ”. Hiện nay, cô Thu Thủy có hàng chục “con nuôi” và hàng trăm lưu học sinh Lào luôn giữ tình cảm tốt đẹp giữa cô - trò theo giao ước “Lúc nào các em khó, có cô Thủy”. Nhiều học sinh Lào từng được cô Thủy dạy bảo nay đã trở những cán bộ giữ trọng trách quan trọng ở các tỉnh Sêkông, Salavan, Champasac...; nhiều bạn là con nuôi của cô giờ trở thành kỹ sư, bác sĩ ở vùng Nam Hạ Lào. Vào dịp lễ trọng đại, các bạn đều mời gia đình cô sang chơi hoặc gởi những lời chúc, thăm hỏi ân cần. Đó là những tình cảm mà theo cô Thủy dù có tiền bạc cũng thể mua được...

Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng môi trường nuôi dạy hạnh phúc cho trẻ yếu thế

Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, chiều 19/11, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ có buổi gặp mặt, tri ân hơn 200 người làm công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ em khuyết tật, mồ côi, hoàn cảnh khó khăn tại các cơ sở giáo dục, cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập.

Xây dựng môi trường nuôi dạy hạnh phúc cho trẻ yếu thế
Tiếp tục hỗ trợ tỉnh Sê Kông (Lào) đào tạo nguồn nhân lực

Ngày 20/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung có buổi tiếp đoàn công tác tỉnh Sê Kông, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào do đồng chí Thavon Phommalaylun, Phó tỉnh trưởng làm Trưởng đoàn nhân dịp đoàn sang dự Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số các tỉnh vùng biên giới Việt Nam - Lào, khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2019 tổ chức tại huyện A Lưới.

Tiếp tục hỗ trợ tỉnh Sê Kông Lào đào tạo nguồn nhân lực
Ba Việt của các con Lào

Lưu học sinh (LHS) Lào đang học tập tại Huế gọi các cựu chiến binh (CCB) trong Ban liên lạc (BLL) Quân tình nguyện Việt - Lào Thừa Thiên Huế là “ba” và dành tình cảm thân thương khi nói về họ. Đáp lại, các CCB cũng xem LHS là như những người con trong gia đình mình.

Ba Việt của các con Lào
Return to top