ClockThứ Ba, 12/04/2022 06:45

Báo Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn trong dòng chảy báo chí Cách mạng Việt Nam ở Thừa Thiên Huế

TTH - LTS: Hôm nay (12/4), tại TP. Huế diễn ra Hội thảo khoa học “Vai trò chủ đạo của Tuần báo Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn trong Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936-1939) ở Thừa Thiên Huế”, Báo Thừa Thiên Huế trân trọng giới thiệu bài viết của ông Hoàng Khánh Hùng, UVTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về vai trò của tuần báo này trong dòng chảy báo chí Cách mạng Việt Nam.

Nhành Lúa với những ưu việt trong hoạt động báo chíPhát huy giá trị của báo Nhành Lúa và Kinh tế Tân vănĐóng góp của tập thể báo Nhành Lúa và báo Kinh tế Tân văn

Thành viên các báo sau cuộc họp ngày 23/1/1937 tại Hội Quảng tri để chuẩn bị cho Hội nghị Báo giới Trung kỳ do Nhành Lúa hiệu triệu. Ảnh: lưu trữ tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Là trung tâm của chế độ thực dân phong kiến, nơi tập trung cao nhất sự cấu kết giữa thực dân Pháp và phong kiến Nam triều, báo chí ở Thừa Thiên Huế ra đời muộn hơn so với báo chí ở Sài Gòn và Hà Nội; tuy nhiên, khi xuất hiện thì báo chí ở Thừa Thiên Huế đã sớm gây được tiếng vang trên diễn đàn báo chí cả nước.

Sau khi Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên thành lập (tháng 4/1930), đến tháng 7/1930, Tỉnh ủy đã cho xuất báo Con đường đấu tranh và tờ Học trò của Sinh hội Đỏ. Trong lúc phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh diễn ra mạnh mẽ, Thị ủy Thuận Hóa cho xuất bản hai tờ báo Lao khổ và Tổng Công hội nhằm phổ biến rộng rãi tin tức đấu tranh cách mạng. Cuối năm 1930 - đầu năm 1931, Xứ ủy Trung Kỳ cho ra đời 4 tờ báo Công Nông Binh, Vô Sản, Chỉ đạo và Tin tranh đấu... để tuyên truyền cho các chủ trương, chính sách của Xứ ủy Trung Kỳ.

Báo Nhành Lúa, cơ quan Xứ ủy Trung kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương, Báo được biên tập ở Huế, phát hành tại Hà Nội, toàn quốc và Pháp. Ảnh: Tư liệu 

Sau cao trào cách mạng 1930 - 1931, thực dân Pháp tiến hành khủng bố trắng, hàng loạt cán bộ, đảng viên bị bắt, bị kết án và giam cầm. Do đó, việc xuất bản báo chí cách mạng ở Thừa Thiên Huế cũng tạm ngưng. Sau một khoảng thời gian đấu tranh, phong trào cách mạng ở Thừa Thiên Huế những năm 1933 - 1935 dần dần được khôi phục. Bên cạnh đó, Mặt trận Bình dân Pháp giành thắng lợi trong cuộc Tổng tuyển cử vào tháng 5/1936 và lên nắm quyền đã thực hiện một số chính sách tiến bộ ở các nước thuộc địa. Trước tình hình thế giới có nhiều biến chuyển, Đảng ta chuyển hướng sang đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, tạo nên cao trào cách mạng 1936 - 1939.

Tháng 8/1936, đồng chí Nguyễn Chí Diểu và các đồng chí trong tổ chức cộng sản ở Thừa Thiên Huế đã tổ chức một cuộc họp tại hiệu sách Hương Giang để bàn biện pháp chống lại các thủ đoạn xảo quyệt của kẻ thù và đề ra những chủ trương mới, tổ chức Đông Dương Đại hội tại Trung Kỳ, mở rộng khả năng hoạt động hợp pháp. Tại cuộc họp, các đại biểu đã cử đồng chí Hải Triều đặc trách tuyên truyền trên báo chí. Ngày 7/6/1936, tại Viện Dân biểu Trung Kỳ, đại diện các nhà báo miền Trung đã tổ chức Hội nghị thông qua những yêu sách đòi Khâm sứ Trung Kỳ phải thực hiện những quyền tự do dân chủ trên các lĩnh vực; trong đó, có quyền tự do ngôn luận. Đó là cơ sở để báo chí cách mạng ở Thừa Thiên Huế phát triển mạnh mẽ, chiếm lĩnh trận địa báo chí công khai; trong đó, Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn là hai tờ báo cách mạng tiêu biểu của báo chí xuất bản ở Thừa Thiên Huế giai đoạn 1936 - 1939.

Vào giữa tháng 9/1936, Chính phủ của Mặt trận Bình dân Pháp thông báo cử “Đặc sứ” Godart sang Đông Dương vào đầu năm 1937. Được tin này, đồng chí Nguyễn Chí Diểu cùng với Hải Triều và nhóm những người cộng sản hoạt động công khai, hợp pháp tích cực chuẩn bị kế hoạch đón Godart. Để các biện pháp tuyên truyền có hiệu quả, những người cộng sản ở Huế chủ trương phải có tờ báo trong tay. Chủ trương này được Xứ ủy Trung Kỳ nhất trí và chỉ đạo chọn những người cảm tình Đảng làm đơn đứng tên xin phép ra báo tư nhân. Thông qua ông Nguyễn Xuân Lữ đứng tên, những người cộng sản ở Huế đã xin phép toàn quyền Đông Dương ra báo Nhành Lúa làm vũ khí đấu tranh.

Trụ sở Nhành Lúa còn là địa điểm hoạt động của những người cộng sản gặp gỡ, định hướng tuyên truyền, bồi dưỡng lý luận cho những thanh niên yêu nước, giàu nhiệt huyết cách mạng, khao khát tìm đường chống thực dân Pháp và phong kiến nhà Nguyễn, trong số đó có đồng chí Nguyễn Vịnh. Để tránh được tai mắt của mật thám và người của Nam triều, Nhành Lúa được biên tập tại Huế rồi chuyển ra ấn loát ở Hà Nội. Nhành Lúa phản ánh thực trạng mọi mặt đời sống của xã hội cũng như kêu gọi các tầng lớp Nhân dân đoàn kết đòi lại những quyền lợi thiết thực của mình. Dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, nhằm thực hiện cuộc vận động dân chủ rộng rãi trong các giới, thu thập nguyện vọng của quần chúng Nhân dân gửi lên phái bộ của chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp, Nhành Lúa đã mở đợt tuyên truyền những chủ trương của Đảng, kêu gọi, định hướng các biện pháp chuẩn bị đón “Đặc sứ” Godart để đưa Dân nguyện.

Do đường lối đấu tranh chính trị mạnh mẽ, Nhành Lúa số 9 vừa phát hành, Toàn quyền Đông Dương và Thượng thư Bộ lại của chính quyền Nam triều đã cùng ra lệnh cấm chỉ hoạt động. Mặc dù báo bị cấm xuất bản, nhưng tòa soạn vẫn hoạt động. Ngày 27/3/1937, Hội nghị báo giới Trung Kỳ vẫn diễn ra như đã định. Theo sự chỉ đạo của Đảng, ông Hồ Cát, một người cảm tình cộng sản đã đứng tên xin ra báo Kinh tế Tân văn dưới vai trò người sáng lập. Mặc dù nội dung xin phép ra tuần báo viết thuần túy về kinh tế, nhưng thực chất bên trong Kinh tế Tân văn là cơ quan ngôn luận của cách mạng, tờ báo chiến đấu của những người cộng sản ở Huế. Báo Kinh tế Tân văn ra số đầu tiên vào ngày 9/1/1937, trước báo Nhành Lúa 1 tuần.

Sau khi ra “Số đặc biệt”, tòa soạn “vướng mắc” về “nhân sự” và tài chính, Ban Biên tập đành “án binh bất động” chờ thời cơ. Thực chất là sự chuẩn bị cho một cơ quan ngôn luận hợp pháp của những người hoạt động cộng sản dự phòng để cần thiết đối phó với tình huống xấu có thể xảy ra trong quá trình Nhành Lúa tổ chức đấu tranh. Sau khi Nhành Lúa bị đóng cửa, những người cộng sản chủ trương tiếp tục dùng Kinh tế Tân văn làm công cụ đấu tranh. Những nội dung, bài viết của Kinh tế Tân văn đã có tác động sâu sắc đến nhiều tầng lớp trong xã hội. Ngày 24/4/1937, viện cớ in sai tiêu chí xin phép, Kinh tế Tân văn bị nhà cầm quyền ra lệnh đình bản. Không còn báo chí trong tay làm vũ khí đấu tranh hợp pháp, Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Thừa Thiên thống nhất thương lượng với ông Phan Khôi mua lại bản quyền tờ Sông Hương để ra báo hợp pháp mà không phải xin phép chính quyền.

Có thể khẳng định, thời kỳ 1936 - 1939 là thời kỳ báo chí cách mạng ở Huế nói riêng và cả nước nói chung phát triển rộng khắp, tạo nên một mặt trận báo chí công khai chưa từng có trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam thời đó. Với nghệ thuật lãnh đạo tài tình, sách lược linh hoạt, nhạy bén, báo chí cách mạng giai đoạn này đã góp phần đoàn kết các lực lượng quần chúng trong một mặt trận thống nhất, đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Nằm trong dòng chảy của báo chí cách mạng Việt Nam ở Thừa Thiên Huế, báo Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn ra đời ngay giữa mảnh đất mà chủ nghĩa thực dân và phong kiến cấu kết chặt chẽ với nhau và ra sức đàn áp phong trào cách mạng, Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn thực sự là một mắt xích quan trọng trong dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam, để từ đó, trên cơ sở những bài học kinh nghiệm đã được rút ra và những kết quả đạt được trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, các cơ quan ngôn luận, báo chí của Đảng bộ tỉnh tiếp tục con đường đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương.

85 năm đã trôi qua, phát huy truyền thống của một vùng đất giàu truyền thống báo chí cách mạng, cùng với báo chí cả nước, báo chí tỉnh nhà đã có những bước trưởng thành về mọi mặt. Hoạt động báo chí đã tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng; cổ vũ, động viên các phong trào thi đua yêu nước; kịp thời phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới; tích cực đấu tranh phòng, chống các hiện tượng tiêu cực của xã hội, tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Hiện nay, quê hương, đất nước đang bước vào thời kỳ mới với khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Hòa vào khát vọng đó, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế quyết tâm xây dựng và phát triển tỉnh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

Sự nghiệp cách mạng, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đang đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang cho hoạt động báo chí. Tin tưởng rằng, với truyền thống trung thành với Đảng, gắn bó mật thiết với Nhân dân, đội ngũ những người làm báo của Đảng bộ tỉnh hôm nay sẽ ngày càng lớn mạnh, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả, là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và các cấp chính quyền đã đề ra.

ThS. Hoàng Khánh Hùng

(Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Một dấu ấn trong dòng chảy văn hóa nghệ thuật Cố đô

Cách đây 78 năm, vào tháng 9/1945, văn nghệ sĩ Huế gạt bỏ những dị biệt, kêu gọi đoàn kết tham gia thành lập Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Trung Bộ. Đó là tiền đề cho sự ra đời của Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên. Đây là tổ chức tiền thân của Liên hiệp các Hội Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) Thừa Thiên Huế ngày nay và mở đầu một thời kỳ mới, mở ra một dòng chảy VHNT cách mạng liên tục trên vùng đất văn hóa Huế.

Một dấu ấn trong dòng chảy văn hóa nghệ thuật Cố đô
Không nên để sự việc kéo dài

Một cống thoát nước ở xã Vinh An (Phú Vang) đã tồn tại gần 20 năm, nay bị bồi đất trám bít nghẽn dòng chảy, ảnh hưởng đến dân sinh. Đây là thắc mắc của ông Lương Văn Hiệu - người dân bị ảnh hưởng gửi đơn đến tòa soạn Báo Thừa Thiên Huế với mong muốn các ban, ngành chức năng quan tâm giải quyết sự việc này.

Không nên để sự việc kéo dài
Đưa nguồn thông tin chính thống thành dòng chảy chủ lưu

Thông tin mạng phát triển đáp ứng nhu cầu của công dân số, nhưng mặt trái của xu thế này là sự xuất hiện của những luồng thông tin xấu độc, gây tác động tiêu cực đến dư luận xã hội, có nguy cơ gây hại đến an ninh quốc gia.

Đưa nguồn thông tin chính thống thành dòng chảy chủ lưu
KỶ NIỆM 85 NĂM SÔNG HƯƠNG TỤC BẢN RA SỐ ĐẦU TIÊN TẠI HUẾ (19/6/1937 – 19/6/2022)
Diễn đàn cách mạng đanh thép giữa lòng kinh đô Huế

Cuối tháng 3/1937, tuần báo Nhành Lúa do Hải Triều làm Tổng Thư ký Tòa soạn bị chính quyền cai trị ra lệnh cấm phát hành, Tỉnh ủy Thừa Thiên và Xứ ủy Trung kỳ không còn báo chí trong tay để làm vũ khí đấu tranh “hợp pháp” giữa lúc các lực lượng dân chủ đang ráo riết chuẩn bị người tham gia tranh cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ. Cũng vào lúc này, tuần báo Sông Hương của ông Phan Khôi tự ngưng phát hành vì “tài chánh quẫn bách”.

Diễn đàn cách mạng đanh thép giữa lòng kinh đô Huế

TIN MỚI

Return to top