ClockChủ Nhật, 25/10/2015 16:54

Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Peabody ở Đại học Yale

TTH - Bảo tàng đại học ở xứ người
 
 Cổ vật Ai Cập trong Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Peabody

 Tôi có nhiều dịp viếng thăm một số trường đại học nước ngoài và thấy rằng phần lớn các trường đại học đều có bảo tàng riêng của mình, cho dù trường đó không mở ngành đào tạo trong lĩnh vực bảo tàng. Bảo tàng trong trường đại học không phải là phòng truyền thống của nhà trường, mà là nơi trưng bày các sưu tập hiện vật về lịch sử, tự nhiên, văn hóa, mỹ thuật của quốc gia và nhân loại. Đây cũng là một trong những yếu tố tạo nên thanh danh của nhà trường.

Nhiều trường đại học ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Pháp, Anh, Mỹ… mà tôi từng ghé thăm, sở hữu những bảo tàng danh giá với những bộ sưu tập hiện vật cực kỳ giá trị, cả giá trị văn hóa, giá trị lịch sử, giá trị khoa học lẫn giá trị kinh tế. Chẳng hạn, Bảo tàng Đại học Eewha (Hàn Quốc) là nơi lưu giữ nhiều cổ vật gốm sứ được công nhận là quốc bảo của Hàn Quốc; Bảo tàng Đại học Dongguk (Hàn Quốc) là nơi sở hữu nhiều tác phẩm mỹ thuật cổ, đặc biệt là tượng và tranh Phật giáo, trong đó có nhiều hiện vật được công nhận là quốc bảo; Bảo tàng Đại học Freie (Đức) có nhiều tác phẩm mỹ thuật của các danh họa châu Âu thời Phục hưng và là một trong những điểm tham quan hấp dẫn ở Berlin…
Phần lớn hiện vật trong những bảo tàng này là do nhà trường bỏ tiền để sưu tầm, hoặc do các tổ chức và cá nhân hiến tặng. Ngoài ra, nhiều trường đại học có khoa Lịch sử và Khảo cổ học thì hiện vật cũng được thu thập và trưng bày thông qua hoạt động nghiên cứu, sưu tầm và khai quật khảo cổ học của giảng viên và sinh viên trong trường. Tất cả giảng viên, sinh viên, nhân viên của trường, cũng như các học giả khách mời của trường đều được miễn phí khi đến tham quan, nghiên cứu tại các bảo tàng đại học. Họ cũng là những tình nguyện viên làm việc bán thời gian trong bảo tàng, bên cạnh đội ngũ quản lý, giám tuyển (curator) và nhân viên do nhà trường tuyển dụng và bổ nhiệm.
Đại học Yale và Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Peabody

Giáp phục của Samurai trong triển lãm chuyên đề Samurai và văn hóa Nhật Bản thời thái bình

 
Đại học Yale là trường đại học tư thục danh tiếng ở Mỹ. Được thành lập vào năm 1701 tại New Haven (Connecticut), Yale là một trong những đại học lâu đời nhất nước Mỹ, chỉ sau Đại học Harvard (thành lập năm 1636) và Đại học William & Mary (thành lập vào năm 1693). Yale là đại học thành viên của Ivy League (8 đại học danh tiếng ở vùng đông bắc nước Mỹ) và được xếp hạng 2/20 đại học hàng đầu của nước Mỹ hiện nay.
Đại học Yale sở hữu 2 bảo tàng, cũng có lịch sử lâu đời và danh giá không thua kém ngôi trường này: Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Peabody (The Peabody Museum of Natural History) và Bảo tàng nghệ thuật Đại học Yale (The Yale University Art Gallery). Hai bảo tàng này là hai “tác phẩm” hoàn hảo mà Đại học Yale “tặng” cho “cộng đồng học thuật” của Yale, cho công dân ở New Haven và du khách đến thăm thành phố này.
Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Peabody là một trong những bảo tàng lâu đời nhất, lớn nhất và phong phú hiện vật nhất trong các bảo tàng lịch sử tự nhiên thuộc các trường đại học trên thế giới. Bảo tàng do nhà từ thiện George Peabody thành lập vào năm 1866, theo ý nguyện của người cháu trai của ông là nhà cổ sinh vật học lỗi lạc Othniel Charles Marsh. Lúc đầu bảo tàng tọa lạc ở một vị trí khác trong khuôn viên của Đại học Yale, đến năm 1925 thì được chuyển đến vị trí hiện tại (170 đại lộ Whiney, New Haven).
Bảo tàng hiện có gần 100 nhân viên làm việc, chưa kể các tình nguyện viên là sinh viên và thành viên nghiên cứu của bảo tàng, thường làm việc vào cuối tuần và những khi bảo tàng tổ chức những sự kiện trọng đại. Ngoài tòa nhà trưng bày chính gồm 3 tầng, bảo tàng còn có hệ thống kho lưu trữ 12 triệu hiện vật và 3 khu phức hợp gồm các phòng thí nghiệm và cơ sở bảo quản, phục chế hiện vật. Ngoài ra bảo tàng còn có các chi nhánh ở Long Island Sound và ở Horse Island nằm trong quần đảo Thimble Islands ở Branford (Connecticut).

Kimono của tầng lớp quý tộc Nhật Bản trong triển lãm chuyên đề Samurai và văn hóa Nhật Bản thời thái bình

 
Sưu tập đồ sộ và quan trọng nhất của Bảo tàng Peabody chính là sưu tập khủng long. Đây là bộ sưu tập cổ sinh vật hóa thạch lớn nhất, quy mô nhất và quan trọng nhất về khủng long tại Mỹ. Những hiện vật giá trị nhất của sưu tập khủng long được trưng bày tại Phòng trưng bày mang tên Hội trường Khủng long (Great Hall of Dinosaurs), với 3 bộ xương hóa thạch khủng long gần như hoàn chỉnh, tiêu biểu là bộ xương khủng long Brontosaurus, dài 34 m, có “tuổi đời” cách nay 150 triệu năm, do nhà cổ sinh học William H. Reed phát hiện tại Como Bluff (Wyoming) vào năm 1879. Trong Great Hall of Dinosaurs còn trưng hàng trăm xương, sọ hóa thạch của các loài khủng long Camarasaurus, Apatosaurus, Stegosaurus, Edmontosaurus, Monoclonius… và xương hóa thạch của nhiều loài động vật khổng lồ trong lòng các đại dương trên thế giới thời tiền sử do các nhà cổ sinh vật học nổi tiếng của Mỹ như Othniel Charles Marsh, R.S. Lull, George Gaylord Simpson, John Ostrom, Elisabeth Vrba, Jacques Gauthier… phát hiện và khai quật trong các thế kỷ XVIII, XIX và đầu thế kỷ XX.
Ngoài khủng long, Bảo tàng Peabody còn sở hữu và trưng bày những sưu tập hiện vật độc đáo như: hiện vật văn hóa Inca đến từ Machu Picchu (Peru); các loài chim trên thế giới và các loài vịt trời vùng đông bắc Mỹ; các loài động vật biển khổng lồ; các loại động thực vật hệ rừng nhiệt đới, ôn đới và Bắc Cực; các loài khoáng vật và đá quý của nước Mỹ và thế giới; mộ cổ và xác ướp trong các kim tự tháp ở Ai Cập.
Bảo tàng Peabody còn có phòng tương tác, nơi nuôi giữ và trưng bày nhiều loài bò sát và côn trùng còn sống, ưu tiên cho trẻ em đến tham quan và tìm hiểu cuộc sống của những loài vật này trong môi trường được tạo lập giống như môi trường tự nhiên.
Điều đáng khâm phục là phần lớn những hiện vật quý hiếm và quan trọng nhất trong Bảo tàng Peabody đều do các thế hệ giáo sư, học giả, sinh viên của Đại học Yale khám phá, khai quật, sưu tầm, thu thập và đưa về trưng bày nơi đây. Nhân vật có công lao và ảnh hưởng nhất đối với sự hình thành và phát triển của Bảo tàng Peabody là Othniel Charles Marsh, sinh viên và sau này là giáo sư cổ sinh vật học tại Đại học Yale. Chính ông là người đã vận động người chú giàu có là George Peabody đóng góp 150.000 Mỹ kim cho Đại học Yale để thành lập bảo tàng mang tên ông vào năm 1866. Othniel Charles Marsh cũng là người chủ trì hàng chục cuộc khai quật ở trong và ngoài nước Mỹ, thu thập những bộ xương khủng long khổng lồ đưa về trưng bày ở Bảo tàng Peabody.
Những giám tuyển và quản thủ của Bảo tàng Peabody phần lớn xuất thân từ các khoa, viện nghiên cứu thuộc Đại học Yale như: Khoa Sinh thái và Sinh học tiến hóa, Khoa Địa chất, Khoa Địa vật lý, Khoa Nhân chủng học. Trong khi đó những nhà hảo tâm, chủ yếu là cựu sinh viên của Đại học Yale, vẫn thường xuyên quyên góp và tài trợ kinh phí cho các hoạt động và sưu tầm hiện vật ở Bảo tàng Peabody từ 1,5 thế kỷ qua.
Tháng 10 năm nay, tôi và gia đình viếng thăm Bảo tàng Peabody. Ngoài phần trưng bày cố định, bảo tàng vừa mở phòng trưng bày chuyên đề Samurai và văn hóa Nhật Bản thời thái bình (Samurai and the Culture of Japan’s Great Peace), kéo dài đến tháng 3/2016. Triển lãm trưng bày hơn 150 hiện vật đặc sắc thuộc sở hữu của Bảo tàng lịch sử tự nhiên Peabody Museum, Bảo tàng Nghệ thuật, Bộ sưu tập Nhạc cụ và Thư viện Sterling, đều là các bộ phận trực thuộc Đại học Yale.
Điều làm tôi và du khách kinh ngạc là Đại học Yale tổ chức một cuộc triển lãm quy mô và phong phú về thời đại hoàng kim của samurai Nhật Bản, tức là trưng bày về lịch sử và văn hóa của một quốc gia cách xa nước Mỹ nhưng toàn bộ hiện vật, tư liệu phục vụ cuộc trưng bày này đều thuộc sở hữu của Đại học Yale. Triển lãm Samurai và văn hóa Nhật Bản thời thái bình giới thiệu với công chúng một thế giới bí ẩn, lạnh lùng nhưng ẩn sau đó là một nền văn hóa - mỹ thuật Nhật Bản với một vẻ đẹp sâu lắng và tinh tế, một thế giới kín đáo ở phương Đông, tuy đã biến mất nhưng vẫn mãi vang vọng trong lịch sử và văn hóa Nhật Bản.
Vậy là Peabody không đơn thuần là một bảo tàng lịch sử tự nhiên, mà còn hướng đến lịch sử và văn hóa của nhân loại. Điều này tạo cho Bảo tàng Peabody sức quyến rũ đặc biệt, nhất là đối với những ai yêu thích và trân quý những tác phẩm mà tự nhiên, vạn vật và con người đã chung tay tạo tác, cho dẫu thời gian đang dần phủ rêu phong lên lớp tường thành cổ kính của tòa bảo tàng 150 tuổi này.
Bài, ảnh: TS. Trần Đức Anh Sơn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Return to top