ClockThứ Năm, 12/01/2017 08:52

Bảo tồn cổ vật người Cơ Tu

TTH - Người Cơ Tu ở vùng núi Nam Đông vẫn còn giữ những vật dụng được xem là cổ vật quý hiếm. Những ai sở hữu đều bảo rằng, nó đã từng “di cư” qua khắp các bản làng…

Gắn với tập tục

Trong đời sống văn hóa của đồng bào Cơ Tu, mỗi vật dụng dù là nhỏ nhất đều mang trong mình một vai trò trong đời sống. Trải qua bao biến thiên của thời gian, và nhiều lần di cư, người Cơ Tu ở Nam Đông vẫn giữ cho mình cốt cách riêng biệt. Tôi hỏi già làng Trần Xuân Huy (96 tuổi, thôn 6, xã Thượng Nhật) rằng, tại sao người Cơ Tu ở Nam Đông lại khác với đồng bào Cơ Tu huyện miền núi A Lưới? Già Huy thẳng thắn, dù cùng dân tộc Cơ Tu nhưng do sống ở các vị trí địa lý khác nhau nên đời sống văn hóa, tập tục, thậm chí ngôn ngữ cũng khác nhau. Nhưng về bản sắc văn hóa, người Cơ Tu tại Nam Đông vẫn còn lưu giữ những luật tục từ xa xưa.

Những đồ vật có tuổi thọ cao được đồng bao Cơ Tu trân quý

Cuộc trò chuyện bên bếp lửa, già bảo rằng, ngày xưa người Cơ Tu đi rừng ngoài chuẩn bị nhu yếu phẩm cần thiết thường mang theo chiếc nồi đồng nhỏ để nấu cơm. Khi đồng bào tiếp cận được với văn hóa hiện đại thì nét văn hóa này dần biến mất. “Cái chi có tuổi thọ càng cao thì càng cổ, càng quý. Nồi đồng nấu cơm của đồng bào ngày xưa gắn bó mật thiết với đời sống thường ngày chừ không có nữa, nó trở thành cổ vật. Chừ chỉ người Quảng Nam có thôi, ở Nam Đông rất hiếm. Đi rừng chừ cũng không còn nồi đồng để mang theo nữa. Muốn mua loại đó phải tốn mấy chục triệu đồng”, già Huy thở dài.

Theo già Huy, những năm 70 của thế kỉ trước, người Cơ Tu từ xứ Quảng di dân ra vùng đất Nam Đông, A Lưới. Vì thế, cổ vật theo cư dân “di cư” khắp các bản làng. Bây giờ, già Huy là một trong rất ít người Cơ Tu tại Nam Đông còn lưu giữ những vật dụng ngày xưa được liệt vào dạng “bảo vật”. Đề cập chuyện này, nét mặt già chuyển sắc, muốn giấu đi những thứ thuộc về quá khứ. Đến khi tôi lật giở những hình ảnh cũ trong một lần chếnh choáng say men rượu đoác cùng già chừng vài năm trước, già mới mở lòng, giới thiệu những cổ vật vẫn còn lưu giữ, nào là pờ rả tà tôi (một loại mã não quý hiếm), abu (một chiếc lọ nhỏ bằng gốm sứ), a un… thậm chí có một mẫu ngà voi ngắn to bằng ngón tay trỏ, đánh dấu quá trình săn bắt của người Cơ Tu non thế kỷ trước. “Những thứ này đều “di cư” từ vùng đất Quảng Nam sang. Chiếc abu đã có tuổi đời gần 100 năm. Lúc trước nếu sang làng khác tìm kiếm bạn tình, chỉ cần đeo abu thì “hiên ngang” vào làng bạn mà không sợ điều chi. Những thứ này chỉ có già làng hay người giàu có mới có thể sở hữu”, già Huy tiết lộ.

Chiếc bình giớ ngông lưu giữ qua nhiều thế hệ

Khi giới thiệu đến chiếc bình nhỏ dáng tựa chiếc bầu mà đồng bào gọi là giớ ngông, trên đó có hình ảnh của những nhà thờ xưa của người Cơ Tu thì già Huy nói rằng, trong các luật tục của người Cơ Tu, tục chia phần bao giờ cũng được đồng bào quý trọng. Người Cơ Tu sống theo hình thức cộng đồng, cùng nhau săn bắt, ăn cùng nhà, chăn nuôi cùng chỗ nên đòi hỏi tinh thần đoàn kết cao, thậm chí nét văn hóa này được xem như tài sản quý báu của bản làng. “Trước đây, ai săn được con heo, bẫy được con nai thì mang về nhà gươl chia cho dân làng cùng ăn. Khi chia phần xong, cùng nhau sinh hoạt ở nhà gươl, rượu được rót vào giớ ngông, chuyền tay nhau cùng uống, thể hiện tinh thần đoàn kết của người dân thôn bản. Chiếc giớ ngông này là do cha tui để lại, nó gắn bó với gia đình tui qua nhiều mùa lễ hội. Tóm lại, mỗi vật dụng đều gắn với một tập tục nhất định”.

Đời sống của đồng bào Cơ Tu hiện đã có nhiều thay đổi, những tập tục có phần lạc hậu từ xa xưa dần mất đi nhưng chính nó góp phần vào việc “di cư” cổ vật của đồng bào. “Ngày trước, người này có vật quý thì mình mang trâu, bò, dê đến đến đổi. Đặc biệt, ở Quảng Nam có nhiều loại cổ vật nên ai có tài sản ngang giá đều có thể trao đổi. Ngoài ra, trong lễ cưới, nhà trai lẫn nhà gái trao nhau những lễ vật quý hiếm. Bởi rứa mà những cổ vật quý hiếm như, mã não (thể hiện quyền uy), chiêng, ché, thanh la (thể hiện sự giàu có) “di cư” khắp các bản làng”, già làng bản A Xăng (xã Thượng Long, huyện Nam Đông) Rapát Groc chia sẻ.

Nỗ lực bảo tồn

Trong một lần trò chuyện cùng ông Hồ Văn Nhũ, Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Nam Đông, tôi ngỏ ý xin một con số thống kê thật chính xác về các loại cổ vật của đồng bào Cơ Tu, ông Nhũ lắc đầu: “Cổ vật trong dân bây giờ khó thống kê lắm. Những loại quý hiếm chỉ nghe qua truyền miệng thôi. Thứ gì quý, đồng bào thường rất kỹ lưỡng, họ không cho xem”.

Mỗi cổ vật đều gắn với đời sống thường nhật của người Cơ Tu từ xa xưa

Việc vận động người dân hiến cổ vật để bảo tồn cũng lắm gian nan. Ông Hồ Văn Mão, cán bộ Văn hóa thông tin xã Thượng Long, người tâm huyết với cổ vật, văn hóa miền ngược cũng nhiều lần ngậm ngùi ra về tay trắng khi đi vận động đồng bào hiến hiện vật để lưu giữ. Lý do mà ông Mão đưa ra không chỉ liên quan đến kinh tế mà còn là niềm tin. Ông Mão chia sẻ: “Đa số những cổ vật quý đều được người dân trao đổi từ thế kỉ trước. Vì lợi ích kinh tế, nhiều loại bị bà con bán đi. Số ít còn lại được những già làng có tâm huyết với văn hóa Cơ Tu giữ lại. Cổ vật có thể bán được số tiền rất lớn nên nhiều người xem như bổn mạng. Bởi thế, tuy tuyên truyền nhưng rất khó để họ tự nguyện hiến tặng. Ngoài ra, vì giá trị cao nên chuyện bị mất cổ vật đã từng xảy ra. Do vậy, niềm tin giữa con người với nhau dần bị sụt giảm”.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Văn hóa Thông Tin huyện Nam Đông thừa nhận: “Rất khó để đồng bào tự nguyện hiến tặng cổ vật cho chính quyền. Những cổ vật quý thậm chí họ không cho xem. Cách bảo tồn duy nhất là tuyên truyền người dân nâng cao ý thức giữ gìn cổ vật, không để tình trạng mua bán cổ vật đồng bào dân tộc diễn ra. Đối với những loại quý, sẽ dùng chất liệu khác, phác thảo đúng theo hình thức bản gốc để lưu giữ nét văn hóa một thời của người Cơ Tu; giúp du khách khi nhìn thấy sẽ phần nào đó hiểu được lịch sử, văn hóa của đồng bào nơi rẻo cao. Về lâu dài, chính quyền địa phương sẽ tích cực tuyên truyền đồng bào cùng chung tay bảo tồn cổ vật”.

Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bộ Tư lệnh Quân khu 4:
Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74

Ngày 17/4, Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu 4, do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tư lệnh Quân khu làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74 Nam Đông - A Lưới.

Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74
Tuổi trẻ với sứ mệnh bảo tồn động vật hoang dã

Ngày 7/4, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) phối hợp với Trường đại học Nông Lâm (Đại học Huế) tổ chức buổi tọa đàm: Sinh viên với hành động vì động vật hoang dã.

Tuổi trẻ với sứ mệnh bảo tồn động vật hoang dã
Tìm hướng bảo tồn di sản nghệ thuật bài chòi

Sau 5 năm triển khai, Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh dù đạt nhiều thành quả nhưng vẫn đối mặt rất nhiều khó khăn. Trong đó phải kể đến môi trường diễn xướng cho loại hình di sản này vẫn chưa nhiều và có nhiều thay đổi theo chiều hướng hiện đại, chương trình quảng bá chưa rộng rãi nên chưa thu hút người tham gia…

Tìm hướng bảo tồn di sản nghệ thuật bài chòi
Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống

Là địa phương có khá nhiều nghề, nghề truyền thống (NTT) và làng nghề truyền thống (LNTT) nên để khôi phục, bảo tồn và phát triển, TP. Huế đã và đang triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.

Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống
Return to top