ClockThứ Ba, 04/05/2021 14:36

Bảo tồn, phát huy thể thao truyền thống từ cộng đồng

TTH - Các môn thể thao dân tộc truyền thống ở A Lưới đang dần được khôi phục, duy trì và phát triển, không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần, mà còn phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Áo dài truyền thống trong lễ khai giảng ở Trường trung cấp Thể dục Thể thao

Hình thành các đội thi đấu ở cơ sở

Để chuẩn bị cho hội thi các môn thể thao truyền thống huyện A Lưới được tổ chức sắp tới, các đội, nhóm môn bắn nỏ, đẩy gậy, chạy cà kheo... ở xã A Ngo thời gian này thi đua hăng say rèn luyện.

Vận động viên Hồ Thị Tường, một nữ dân quân dày dặn kinh nghiệm thi đấu môn bắn nỏ của xã A Ngo chia sẻ: Bắn nỏ là môn thể thao cần tâm lý bình tĩnh, quan trọng nhất là lúc lẫy cò, phải tập trung, nín thở, ngắm chuẩn xác và chắc tay. Vận động viên còn phải tính toán đến cả sức gió khi thi đấu…

Tại một điểm luyện tập khác, các vận động viên môn đẩy gậy đang dốc hết sức luyện tập các tư thế đặt điểm tựa đầu gậy, phòng thủ và căng gậy. Vận động viên Ngô Viết Khánh, đội thi đấu đẩy gậy xã A Ngo chia sẻ, anh rất thích môn đẩy gậy nên cứ mỗi lần có hội thi anh lại đăng ký tham gia. Mỗi tuần anh đều dành thời gian luyện tập để sẵn sàng cho các giải đấu.

Chủ tịch UBND xã A Ngo, ông Nguyễn Đức cho biết, địa phương đã thúc đẩy các hoạt động tập luyện, giao lưu thể dục thể thao (TDTT) ở các môn truyền thống như bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, chạy cà kheo... giữa các thôn, bản. Qua đó, tuyển chọn các vận động viên xuất sắc, hình thành các đội tuyển thi đấu các môn thể thao truyền thống tại địa phương.

Bảo tồn và phát huy

Với đặc thù là huyện có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng các địa phương của A Lưới đã linh hoạt, vận động người dân đóng góp xây dựng sân bãi phục vụ tập luyện, giao lưu thi đấu thường xuyên. Nhờ vậy, hoạt động TDTT đã trở thành nếp sinh hoạt truyền thống.

Theo ông Hồ Văn Ngoan, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện A Lưới, bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện các sân tập TDTT từ cấp thôn, bản, các địa phương trên địa bàn huyện đã tạo điều kiện, hỗ trợ để các đội, câu lạc bộ thể thao dân tộc ra đời và duy trì hoạt động thường xuyên. Hàng chục đội, CLB các môn bóng chuyền, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co... tích cực luyện tập và giao lưu thi đấu, đã tạo nên phong trào TDTT sôi động trên địa bàn huyện.

Cùng đó, UBND huyện A Lưới có cơ chế hỗ trợ để nhân rộng các CLB thể thao dân tộc, xây dựng đội ngũ VĐV các môn thể thao dân tộc ngay từ cơ sở, tổ chức các giải đấu cấp xã, huyện hằng năm để các VĐV có điều kiện được giao lưu, học hỏi. Đây cũng là giải pháp hiệu quả để bảo tồn, phát huy các môn thể thao dân tộc, các giá trị văn hóa truyền thống và phong trào TDTT trong đồng bào các dân tộc thiểu số.

Già làng Hồ Văn Đoan, 80 tuổi, dân tộc Tà Ôi ở thôn Pâr Nghi, xã A Ngo bày tỏ mong muốn các môn thể thao truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số luôn được gìn giữ, phát huy. “Các hội thi thể thao của đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên được tổ chức sẽ là điều kiện tốt để bồi dưỡng những vận động viên trẻ trở thành các “nghệ nhân” bảo tồn giá trị văn hóa thể thao của dân tộc mình”, già Đoan kỳ vọng.

Công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực tài trợ cho các hoạt động thể thao truyền thống cũng cần được sự quan tâm nhiều hơn từ các ngành, các cấp của huyện và các doanh nghiệp ở A Lưới. Đây có thể xem là cách “giữ lửa” cho phong trào phát triển các môn thể thao truyền thống; đồng thời, cũng để thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trách nhiệm vì cộng đồng

Tuổi trẻ công an toàn tỉnh đã có những hành động, việc làm ý nghĩa hướng về cộng đồng.

Trách nhiệm vì cộng đồng
Tiếp lửa truyền thống cho chiến sĩ mới

Chiều 14/3, đoàn công tác của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh do Đại tá Phạm Tùng Lâm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh làm trưởng đoàn đã đến thăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Huấn luyện- Cơ động và nói chuyện truyền thống với 115 chiến sĩ mới (CSM) đang được huấn luyện tại đơn vị.

Tiếp lửa truyền thống cho chiến sĩ mới
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn

Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho ra mắt cuốn sách: Giá trị văn hóa thời Nguyễn, gồm 23 bài viết với 380 trang. Các bài viết đã nhìn nhận một cách toàn diện, khách quan, mang tính chất tổng kết nghiên cứu di sản Cố đô Huế, góp phần làm rõ giá trị văn hóa truyền thống và bản sắc văn hóa Huế.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn
Cộng đồng chung tay giảm thiểu rác thải nhựa

Những chuyển biến gần đây cho thấy, vấn đề hạn chế rác thải nhựa đang được các cấp, các ngành và người dân vào cuộc. Đây là điểm nhấn đáng chú ý trong bối cảnh phong trào "Ngày Chủ nhật xanh" đang được triển khai mạnh mẽ.

Cộng đồng chung tay giảm thiểu rác thải nhựa

TIN MỚI

Return to top