ClockThứ Năm, 28/10/2021 15:37

Bảo tồn phát huy thương hiệu nhà rường Huế

TTH.VN - Nhà rường Huế là một công trình độc đáo mang nhiều giá trị văn hóa lịch sử gắn liền với vùng đất thần kinh. Để giữ gìn, phát huy di sản này, sáng 28/10, Sở khoa học và công nghệ (KHCN) tổ chức hội thảo khoa học: "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Huế trong xây dựng thương hiệu nhà rường Huế".

TS.Hồ Thắng, Giám đốc Sở KHCN phát biểu tại hội thảo

Tác phẩm nghệ thuật

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao khẳng định, nhà rường có nhiều nơi nhưng nó là một di sản đặc trưng của Huế. Hễ nhắc đến nhà rường người ta nghĩ đến Huế. Nhà rường Huế không đơn thuần là ngôi nhà gỗ. Khi hình thành, nhà rường phải hội đủ nhiều yếu tố, bởi ngoài tính phong thủy, người ta nghĩ đến ngôi vườn có hoa lá cây xanh bao chung quanh, có thể có tường xây kiên cố hoặc hàng chè tàu tỉa gọn gàng.

Về mặt kết cấu, quan trọng nhất với ngôi nhà rường là bộ khung gỗ hay bộ giàn trò - một tổ hợp các cấu kiện cột - kèo - xuyên - trến (gọi là trếnh hay trính) - xà - đòn tay được ráp nối với nhau toàn bằng liên kết mộng, tạo bộ khung vững chắc của công trình. Kiến trúc có thể hình thành khung gian nhà 1 gian 2 chái, 3 gian 2 chái, nhà 5 gian, nhà 3 gian...

Phần kiến trúc công trình chiếm tỷ lệ khiêm tốn trong khu vườn nhưng lại một tổ hợp hoàn chỉnh với nhà chính, nhà phụ, am miếu, bình phong, cổng... theo các kiểu chữ Đinh, chữ Khẩu hay "Nội Công Ngoại Công". Thế nhưng dù kiểu nào thì tính khép kín và hướng nội của nhà rường Huế thể hiện rất rõ, trong đó ngôi nhà chính - nhà rường luôn chiếm vị trí trung tâm của mọi ý nghĩa... "Những yếu tố trên đã tạo cho nhà rường Huế nết độc đáo, có giá trị về văn hóa, nghệ thuật" - TS.Phan Thanh Hải nhấn mạnh.

TS Nguyễn Đình Hằng, Phân viện trưởng, Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế cho rằng, suốt chiều dài lịch sử, Huế thực sự là một thành phố vườn. Trong di sản nhà vườn, thành phố vườn xanh ngát này, tiền nhân đã kiến tạo nên một di sản kiến trúc - kỹ thuật - nghệ thuật - lịch sử văn hóa vô cùng đặc trưng là nhà rường xứ Huế. Xét theo phương diện lịch sử, đây là một di sản kiến trúc vật thể được tiền nhân tạo nên, gắn liền với hoàn cảnh riêng của mỗi cộng đồng, gia tộc, làng xã.

Về phương diện văn hóa, nhà rường Huế là di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt chứa đựng, gắn liền đời sống văn hóa cộng đồng với những phong tục tập quán, đời sống lễ nghi, gia giáo, gia pháp, gia phong, hương ước lệ làng, điển chế quốc gia cùng với hệ thống biểu tượng gắn liền khát vọng phồn thực, quốc thái dân an...

Nhà rường chính là không gian lưu giữ, trao quyền di sản Huế, di sản dân tộc, nổi bật vai trò chủ nhân - chủ thể di sản văn hóa ở trong ngôi nhà.

Góp phần phát triển du lịch Huế

Nhiều ý kiến trao đổi chia sẻ tại hội thảo đã nhìn nhận, nhà rường Huế là một di sản văn hóa nghệ thuật đặc trưng của Huế không nơi nào có được. Tuy vậy hiện nay nhà rường Huế đã thay đổi diện mạo rất nhiều. Nhiều nhà rường đã không còn, một số không nhỏ đã bị chia năm, xẻ bảy và thay đổi kiến trúc. Ngay trong nhiều khu nhà rường, nhà ống hiện đại đã xuất hiện, chuyển đổi thành nhà hàng, quán cà phê. Một số khác còn khá nguyên vẹn cũng đang đứng trước xu hướng đô thị hóa và nền kinh tế thị trường...

Theo TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KHCN, những năm qua, Thừa Thiên Huế đã có nhiều hoạt động, dự án triển khai với mục đích trùng tu, phục hồi nhà rường Huế; trong đó có đề án: "Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng" giai đoạn 2015-2020 và nhiều nhà vườn ở địa phương đã được hỗ trợ trùng tu, phục hồi với kinh phí gần 30 tỷ đồng. Tuy vậy, việc phát triển sản phẩm nhà vườn, gắn với bảo tồn đang gặp nhiều khó khăn khách quan và chủ quan.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đóng góp trao đổi để tìm ra các giải pháp tối ưu bảo tồn phát triển nhà rường Huế. Đó là có thể cần có một kế hoạch hành động như xây dựng đề án khảo sát thống kê lại toàn bộ các nhà rường ở địa phương hiện nay; xây dựng thương hiệu nhà rường Huế bằng hình thức chỉ dẫn địa lý cho nhà rường Huế, hoặc nhãn hiệu tập thể; hỗ trợ các chính sách đảm bảo nhà rường phát triển, như hỗ trợ tìm nguyên liệu bền vững, hỗ trợ truyền thông quảng bá, đào tạo nghề, quy hoạch mặt bằng sản xuất; xây dựng bảo tàng nhà rường Huế gắn với quảng bá sản phẩm du lịch, cũng như đưa các mô hình nhà rường có thể thương mại hóa, đưa sản phẩm ra thị trường...

TS.Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch khẳng định, việc phát triển các sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn giá trị nhà rường truyền thống Huế là cần thiết, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, góp phần phát huy giá trị các nhà rường cổ của Huế đang được trùng tu, chỉnh trang theo chính sách hỗ trợ của tỉnh. Từ đó tạo ra những điểm đến, sản phẩm mới góp phần phát triển chung cho ngành du lịch địa phương. Để đạt mục tiêu này phải có chính sách quy hoạch bảo tồn, huy động các nguồn lực, liên doanh liên kết, phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch với doanh nghiệp du lịch để xây dựng tour, tuyến du lịch sinh thái, cộng đồng gắn với tham quan, trải nghiệm nhà rường Huế...

Theo nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân, nhà rường Huế là một di sản văn hóa Huế, của văn hóa dân tộc. Nhà rường Huế với trang phục và món ăn Huế nữa là nếp sống sang trọng tiêu biểu nhất của Việt Nam. Bằng nhiều giải pháp tích cực, Huế phải giữ gìn và phát triển nhà rường cho dân tộc.

Bài, ảnh: Minh Văn

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

Sáng 16/4, Đảng ủy Quân sự tỉnh tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận (KL) số 01 của Bộ Chính trị khoá XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khoá XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và 2 năm thực hiện Nghị quyết (NQ) số 847 của Quân uỷ Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.

Tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

TIN MỚI

Return to top