ClockThứ Sáu, 18/09/2015 19:07

Bảo tồn sinh cảnh liên kết vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai

TTH - Việc Bộ Tài nguyên và Môi trường chọn Tam Giang - Cầu Hai thực hiện dự án “Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết” là cơ hội và động lực thúc đẩy hoạt động bảo tồn vùng đất ngập nước trên địa bàn tỉnh.

Mới đây, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường và Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (BCA) (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã xây dựng dự án “Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết” nhằm thiết lập 2 khu bảo tồn đất ngập nước mới là Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên Huế) và khu bảo tồn đất ngập nước Thái Thụy (Thái Bình). Mục tiêu của việc thiết lập khu bảo tồn đất ngập nước trên nhằm nâng cao năng lực quản lý cấp tỉnh, đảm bảo lồng ghép các khu bảo tồn đất ngập nước và sinh cảnh đất ngập nước liên kết hiệu quả hơn. Dự án được triển khai từ năm 2015 đến 2018, do Quỹ Môi trường toàn cầu thông qua UNDP tài trợ, với tổng kinh phí hơn 18 triệu USD. Trong đó, vốn ODA hơn 3,18 triệu USD; vốn đối ứng của Thừa Thiên Huế hơn 2,9 triệu USD, tỉnh Thái Bình hơn 6,44 triệu USD và vốn đồng tài trợ hơn 5,5 triệu USD.

Cửa sông Ô Lâu thuộc hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là nơi tập trung nhiều loài chim nước và chim di cư
Tam Giang - Cầu Hai được ghi nhận có 921 loài đang sinh sống, bao gồm 287 loài thực vật phù du và 223 loài cá. Nơi đây còn là khu vực sinh sống quan trọng cho các loài cá nội địa, trên biển cũng như các loài chim, với 73 loài chim nước, trong đó có 34 loài di cư. Ngoài ra, vùng đầm phá, ven biển Thừa Thiên Huế có 7 loài cỏ biển phân bố trên khoảng 1.220 ha, trong đó đầm phá Tam Giang - Cầu Hai khoảng 1.100 ha, đầm Lập An 120 ha. Với nguồn lợi thủy sản đa dạng, phong phú, là nguồn sống và thu nhập của 2/3 dân số ở khu vực xung quanh đầm phá. Tam Giang - Cầu Hai.
Hoạt động cụ thể của dự án tại hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là khảo sát thảm cỏ biển và các loài chim tại đây. Qua đó sẽ đóng góp vào việc bảo tồn ít nhất 800 ha thềm cỏ biển trong khu đầm phá và giúp củng cố các giá trị đa dạng sinh học của khu đất ngập nước, bảo vệ các bãi đẻ cá, đàn chim di cư tại các khu vực và các thành phần khác có ý nghĩa quan trọng để duy trì sự toàn vẹn sinh thái của khu bảo tồn đất ngập nước. Dự án tập trung vào 6 xã: Quảng Thái, Quảng Lợi (Quảng Điền), Phong Chương, Điền Lộc, Điền Hòa, Điền Hải (Phong Điền) quanh khu vực cửa sông Ô Lâu - nơi sẽ trở thành một trong số những vùng lõi chính của khu bảo tồn đất ngập nước mới.
Giảm ô nhiễm, bảo vệ các khu vực sinh sản quan trọng cũng như cải thiện phương pháp đánh bắt và nuôi trồng thủy sản cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của dự án, giúp nâng cao sản xuất và tốt cho sức khỏe người dân địa phương. Do đó, sự can thiệp của dự án trong việc phát huy lồng ghép bảo tồn đất ngập nước vào trong những sinh cảnh rộng lớn hơn sẽ đem lại lợi ích to lớn về mặt kinh tế, xã hội cho rất nhiều người dân đang sinh sống trong những sinh cảnh liên kết xung quanh khu bảo tồn đất ngập nước như đầm phá Tam Giang- Cầu Hai.
Bài, ảnh: H.Thương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso

Ngày 22/3, Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo khoa học về dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh "Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso đỏ tại Phong Điền". Dự án do PGS.TS Nguyễn Văn Toản, giảng viên Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế làm chủ nhiệm.

Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso
Tắt sóng 2G: Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng

Theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đến tháng 9/2024 sẽ tắt sóng 2G trên phạm vi toàn quốc, tiến tới tắt sóng 3G những năm sau đó. Để không có người dân, khách hàng nào bị bỏ lại phía sau, cơ quan chức năng cùng các nhà mạng đã chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng.

Tắt sóng 2G Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng
Return to top