ClockThứ Ba, 12/09/2017 05:46

Bảo tồn vùng cửa sông Ô Lâu

TTH - Nguồn tài nguyên đa dạng sinh học (ĐDSH), quý hiếm ở vùng cửa sông Ô Lâu đang dần mai một, rất cần sự chung tay phục hồi, bảo vệ của cộng đồng.

 Khu vực đập Cửa Lác, nơi một thời có nhiều loài chim cư trú

Thiếu vắng các loài quý hiếm

Sinh ra và lớn lên bên bờ phá Tam Giang, ông Lê Văn Nam (70 tuổi) ở xã Quảng Thái (Quảng Điền) một thời chứng kiến sự “phồn thịnh” của nguồn tài nguyên tại vùng cửa Lác. Theo lời ông Nam, thời còn trai trẻ, vùng đập cửa Lác còn hoang sơ, chưa có nhiều sự tác động của con người nên vẫn còn tồn lưu nhiều giá trị sinh học. Hai bên đập, cây cỏ lác mọc um tùm, cao quá đầu người. Vùng đầm phá quanh đập cửa Lác có nhiều loài rong tảo... Đây chính là điều kiện ưu đãi, nơi quần tụ nhiều loài thủy sinh, chim quý hiếm.

Ông Nam không nhớ cụ thể có bao nhiêu loài chim bản địa, di trú ở đây, nhưng vẫn còn nhớ những cái tên mà giờ đây khi nhắc đến có vẻ “xa lạ”, như sâm cầm, móng két,... Số lượng các loài chim quý này tuy không nhiều nhưng người dân thường bắt gặp mỗi khi ra đồng. Còn các loài gà nước, cò, vạc thì vô số, mỗi lần chúng đến tìm kiếm thức ăn, hay trú ngụ thì vùng vửa Lác thường phủ một màu trắng xóa.

Du khách tham quan vùng cửa Lác

Các loài thủy sản có giá trị kinh tế như cá mú, chình, lươn đồng, kình, bống thệ... sinh sôi. Mỗi trộ nò, ngư dân có thể thu về hàng chục ký đến cả tạ cá.

Bão, lũ hằng năm cộng với sự tác động của con người khiến nhiều loài thủy sinh, chim quý ở vùng cửa Lác giờ đây hầu như không còn, hoặc rất hiếm. Mỗi khi nhắc đến loài sâm cầm, móng két, ông Nam nuối tiếc: “Hơn mười năm nay rồi, người dân không còn được nhìn thấy các loài chim quý nữa. Vạc, cò một thời “trắng xóa” đồng giờ cũng còn rất ít. Các loại thủy sản như cua đồng, bống thệ, cá diếc... cũng rất hiếm.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Quảng Điền, ông Lê Mến thông tin, một thời, tại vùng cửa sông Ô Lâu quần tụ nhiều loài chim quý hiếm. Cuộc khảo sát của các chuyên gia trong và ngoài nước cách đây 20 năm, cho thấy có đến gần 60 loài chim, trong đó đầu vàng, móng két, sâm cầm, chắt chân đỏ, già đẫy, ngỗng trời... chiếm số lượng lớn đến hàng ngàn con. Chim già đẫy thuộc loài quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và 22 loài khác nằm trong diện bảo vệ nghiêm ngặt của châu Âu. Từ hơn 10 năm nay, các loài chim quý hiếm này rất ít khi xuất hiện tại vùng cửa sông Ô Lâu, đập cửa Lác.

Sự “ra đi” của các loài chim là điều tất yếu khi những tài nguyên được xem như “tổ ấm” của chúng bị phá vỡ do người dân khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Những tán nhô trong lùm bụi tạo nên bởi các loài tre, nứa, keo, tra, mưng hoa đỏ, sến nước, bòng bong, sậy điệp bánh bò... được xem là nơi lý tưởng cho các loài chim trú ngụ giờ đây không còn. Một số loài thực vật từng là bãi đáp cho các loài chim đến tìm kiếm thức ăn như cỏ chát, cỏ mần trầu, cỏ chỉ sống thành bãi, cói, lục bình trên mặt nước... giờ đây rất khan hiếm.

Làm gì để bảo tồn?

Theo nghiên cứu của nhóm tư vấn Trường đại học Khoa học Huế, khu vực cửa sông Ô Lâu thuộc vùng bãi bồi và mặt nước nối từ sông Ô Lâu với hệ đầm phá Tam Giang- Cầu Hai. Khu vực này có sự pha trộn giữa nguồn nước ngọt và nước lợ, trong đó phần lớn thời gian trong năm là nước ngọt.

Sông Ô Lâu bắt nguồn từ núi cao 1.000m ở phía tây huyện Phong Điền, dài 69km, lưu vực 746km2... thường ngập nước về mùa mưa, mùa khô hạn vẫn có độ ẩm cao nên thuận lợi cho sự phát triển của thảm thực vật và động thực vật thủy sinh nước ngọt. Đây còn là khu vực có nhiều đặc trưng của vùng ngập nước, nơi tiếp giáp giữa sông và đầm phá với nhiều cồn nổi là điểm cư trú lý tưởng cho nhiều loài chim nước, nhất là chim di cư.

Vùng bảo tồn đất ngập nước cửa sông Ô Lâu bắt đầu từ sau ngã ba sông Ô Lâu nối với đầm phá Tam Giang thuộc xã Quảng Thái (Quảng Điền) và xã Điền Hòa (Phong Điền).

Kế hoạch thành lập KBT vùng cửa sông Ô Lâu sẽ triển khai thực hiện trong giai đoạn 2017-2020 với tổng kinh phí dự kiến trên 12 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 25%, còn lại huy động từ các tổ chức tài trợ trong và ngoài nước.

Vùng cửa sông Ô Lâu còn có nhiều loài thực vật thủy sinh bậc cao sống chìm và phân bố trên, dưới đập cửa Lác, nhiều loài rong tảo... Đây là điều kiện tốt cho các loài thủy sản trú ngụ, sinh sôi.

Thống kê của của các chuyên gia cho thấy, riêng tại vùng mặt nước gần cửa Lác, xã Quảng Thái có 41 loài động vật thủy sinh và tại vùng hạ lưu sông Ô Lâu có 45 loài cá có giá trị kinh tế như dầy, chép, đối, bống, kình, diếc... và 21 loài động vật xương sống.

Tài nguyên và sự đa dạng sinh học của các loài động thực vật quý hiếm ở vùng cửa sông Ô Lâu không chỉ có tầm quan trọng đối với các nhà khoa học trong nước mà cả thế giới trong công tác bảo tồn.

Trưởng phòng TN&MT huyện Quảng Điền cho rằng, muốn bảo tồn đa dạng sinh học vùng cửa sông Ô Lâu không cách nào khác phải bắt đầu từ việc tái tạo các điều kiện sinh sống cho các loài. Hệ thực vật, lùm cây, bãi đáp dọc sông Ô Lâu, đập cửa Lác cần được phục hồi, tái tạo cho các loài chim, thủy sản cư trú, tìm kiếm thức ăn.

Vùng sản xuất, đánh bắt thủy sản phải được quy hoạch hợp lý nhằm bảo vệ nghiêm ngặt các loài chim cư trú. Hoạt động khai thác thủy sản gắn với tái tạo nguồn lợi.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh thông tin, Sở TN&MT đang triển khai quy hoạch chi tiết khu bảo tồn (KBT) đất ngập nước Tam Giang- Cầu Hai, trong đó có vùng cửa sông Ô Lâu. Các địa phương cũng đã tiến hành quy hoạch KBT khu vực cửa sông Ô Lâu với diện tích 70 ha.

Việc thành lập KBT tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư các địa phương liên quan, với tỷ lệ người dân đồng thuận đạt 77,8%. Đây là điều kiện thuận lợi trong công tác thành lập KBT cũng như hoạch định các chính sách bảo tồn vùng cửa sông Ô Lâu.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ

Làm gì để giữ gìn văn hóa Huế trong dòng chảy cuộc sống hôm nay? Đó là nỗi trăn trở của những người yêu Huế. Muốn giữ gìn, phát huy, lan tỏa thì phải chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục đối với mọi tầng lớp nhân dân, trong đó phải kể đến đối tượng học sinh – sinh viên đang học tập, sinh hoạt trong mỗi trường học.

Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ
Viện Kiểm sát Nhân dân 2 cấp: Đa dạng, linh hoạt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Với chức năng là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) hai cấp của tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; qua đó, góp phần giúp người dân hiểu biết và nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật.

Viện Kiểm sát Nhân dân 2 cấp Đa dạng, linh hoạt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
Tuổi trẻ với sứ mệnh bảo tồn động vật hoang dã

Ngày 7/4, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) phối hợp với Trường đại học Nông Lâm (Đại học Huế) tổ chức buổi tọa đàm: Sinh viên với hành động vì động vật hoang dã.

Tuổi trẻ với sứ mệnh bảo tồn động vật hoang dã
Tìm hướng bảo tồn di sản nghệ thuật bài chòi

Sau 5 năm triển khai, Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh dù đạt nhiều thành quả nhưng vẫn đối mặt rất nhiều khó khăn. Trong đó phải kể đến môi trường diễn xướng cho loại hình di sản này vẫn chưa nhiều và có nhiều thay đổi theo chiều hướng hiện đại, chương trình quảng bá chưa rộng rãi nên chưa thu hút người tham gia…

Tìm hướng bảo tồn di sản nghệ thuật bài chòi
Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống

Là địa phương có khá nhiều nghề, nghề truyền thống (NTT) và làng nghề truyền thống (LNTT) nên để khôi phục, bảo tồn và phát triển, TP. Huế đã và đang triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.

Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top