ClockThứ Ba, 27/11/2018 06:45

Bảo tồn Vũng Mệ

TTH - Thành lập năm 2011 với hơn 40 ha mặt nước, khu bảo tồn nguồn lợi thủy sản (NLTS) Vũng Mệ (xã Quảng Lợi, Quảng Điền) được bảo vệ nghiêm ngặt tạo môi trường cho thủy sản sinh sôi.

Lồng ghép bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nướcThành lập Khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai:Bảo tồn nhưng phải kết hợp phát triển sinh kếGiải quyết thách thức cho đầm phá Tam Giang - Cầu Hai

 Khu vực bảo tồn Vũng Mệ

Tái tạo nguồn lợi thủy sản

Trước nạn khai thác thủy sản mang tính hủy diệt, cách đây hơn 7 năm, Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với xã Quảng Lợi thành lập khu bảo tồn thủy sản Vũng Mệ. Từ khi thành lập đến nay, với các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt, NLTS tại Vũng Mệ ngày càng sinh sôi, có dấu hiệu phục hồi tích cực. Các loại cá có giá trị kinh tế như dìa, mú, rô, cua tự nhiên, bống thệ…xuất hiện dồi dào.

Ông Phạm Đinh ở thôn Hà Công xởi lởi: “Các nghề hủy diệt môi trường, hủy diệt NLTS giờ đây không còn, nạn đánh bắt trộm ít xuất hiện so với trước. Đây là điều kiện để NLTS trên phá Tam Giang được tái tạo, phục hồi trở lại. Vài năm trở lại đây, ngư dân đánh bắt mỗi ngày 5-10kg tôm, cá là chuyện thường. Giá các loại thủy sản tự nhiên tương đối cao nên bình quân mỗi hộ có thu nhập trung bình khoảng 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/ngày”.

Chi hội trưởng Nghề cá Hà Công, ông Hồ Trúc cho rằng, việc thành lập khu bảo vệ NLTS Vũng Mệ như một “cuộc cách mạng” bảo tồn, phát huy đa dạng sinh học trên vùng đầm phá Tam Giang.

Từ khi thành lập, hệ thống nò sáo được giải tỏa, hạn chế số lượng nhằm khơi thông dòng chảy, môi trường thông thoáng cho thủy sản sinh sôi. Từ 273 trộ nò sáo, nay trên địa phận đầm phá Vũng Mệ chỉ còn trên dưới 80 trộ. Các nghề đánh bắt hủy diệt NLTS như xung điện, lừ, lưới mắt nhỏ trái phép…bị nghiêm cấm tuyệt đối.

Ban chấp hành chi hội phối hợp với người dân tăng cường tuần tra, giám sát trên vùng đầm phá, đẩy đuổi và bắt giữ nhiều đối tượng đánh bắt trái phép. Các chi hội trên địa bàn xã Quảng Lợi bắt giữ, đề xuất xử phạt hành chính hàng chục vụ vi phạm khai thác trong khu bảo vệ NLTS Vũng Mệ, tịch thu nhiều phương tiện, thiết bị khai thác. Các biện pháp ngăn chặn, xử lý “cứng rắn” đã hạn chế tối đa nạn đánh bắt trộm, khai thác NLTS trái phép ở Vũng Mệ.

Xã hội hóa công tác bảo vệ

Theo ông Hồ Trúc, mô hình “trộ chuôm” ở Vũng Mệ ngày càng phát triển là hướng đi hợp lý trong quá trình bảo tồn, phát triển NLTS trên vùng đầm phá Tam Giang. Các “trộ chuôm” chính là nơi bãi đáp, trú ngụ, sinh sôi của các loài thủy sản, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cho ngư dân. Sau khi thu hoạch, ngư dân chỉ bắt những loại thủy sản lớn, còn những con nhỏ thả lại chuôm để tiếp tục sinh sôi. Mỗi “trộ chuôm” thường sau gần một năm mới thu hoạch có thể cho thu nhập từ vài chục triệu đồng trở lên.

Ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi thông tin, từ khi thành lập khu bảo vệ NLTS Vũng Mệ, chính quyền địa phương xúc tiến thành lập 3 chi hội nghề cá để quản lý, bảo vệ, gồm các chi hội nghề cá: Hà Công, Ngư Mỹ Thạnh và Hà Lạc. Đối tượng hưởng lợi từ khu bảo vệ thủy sản Vũng Mệ chính là người dân nên công tác bảo vệ, tuần tra, giám sát đều được xã hội hóa, được sự tham gia tích cực từ người dân. Ngoài việc tuần tra, giám sát theo định kỳ hàng tuần, hàng tháng còn tổ chức đột xuất vào ban đêm đều có sự vào cuộc của bà con.

Trước yêu cầu nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ Vũng Mệ nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, NLTS, ngày 15/11, Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với xã Quảng Lợi tổ chức hội thảo xây dựng phương án hoạt động khai thác và bảo vệ NLTS có hiệu quả trên vùng đầm phá Tam Giang cho các chi hội nghề cá Ngư Mỹ Thạnh và Hà Công. Hội thảo đã bàn các biện pháp sắp xếp, quy hoạch hợp lý các trộ nò sáo và trộ chuôm, nuôi cá lồng, đánh bắt bằng nghề lừ... Các chi hội, người dân sẽ được các cấp, ngành hỗ trợ mua sắm các phương tiện, dụng cụ tuần tra, bảo vệ, siết chặt hơn nữa các biện pháp, ngư cụ đánh bắt thủy sản tại Vũng Mệ.

15 chi hội nghề cá chưa có thuyền máy  

“Ngoài khu bảo vệ NLTS Vũng Mệ, trên địa bàn huyện còn có thêm các khu bảo vệ NLTS: Cồn Máy Bay (Quảng Ngạn), Doi Trộ Kèn (Sịa) và An Xuân (Quảng An) được giao cho 17 chi hội nghề cá quản lý, bảo vệ. Trong 17 chi hội nghề cá chỉ có 2 chi hội được trang cấp 2 thuyền máy, các chi hội còn lại vẫn sử dụng thuyền đánh bắt của ngư dân để tuần tra, giám sát, cần được hỗ trợ thuyền, trang thiết bị đảm bảo công tác bảo vệ, bảo tồn NLTS”, bà Trần Thị Thanh Nhã, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền kiến nghị.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

“Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam” là nội dung trưng bày chuyên đề do Bảo tàng Lịch sử phối hợp với Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Phòng giáo dục - Đào tạo huyện Quảng Điền tổ chức tại Trường THCS Ngô Thế Lân sáng 14/3.

Giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn

Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho ra mắt cuốn sách: Giá trị văn hóa thời Nguyễn, gồm 23 bài viết với 380 trang. Các bài viết đã nhìn nhận một cách toàn diện, khách quan, mang tính chất tổng kết nghiên cứu di sản Cố đô Huế, góp phần làm rõ giá trị văn hóa truyền thống và bản sắc văn hóa Huế.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn
Return to top