ClockChủ Nhật, 10/12/2017 07:22

Bão trong tách trà & bão mạng

TTH - Vụ ồn ào “cải tiến tiếng Việt” vừa tạo nên một cơn bão trên mạng xã hội mà có lẽ người đưa ra câu chuyện này cũng không ngờ đến.

Những chuyện nóng như thế cũng đã từng xảy ra. Cái khác là bây giờ có mạng xã hội, mà cụ thể là facebook, nên chuyện gì ai cũng biết, ai cũng có thể bày tỏ thái độ đồng tình hay phản đối. Đó là một bước tiến của xã hội. Nhưng khi sự tự do bày tỏ đó bị sử dụng một cách tùy tiện, thì nó rất dễ trở thành “vũ khí” làm tổn thương nhau.

“Mọi cải tiến (tiếng Việt) theo kiểu của ông Bùi Hiền tuy có khuấy động dư luận, nhưng cũng như bao đề xuất tương tự, chỉ là - nói như một thành ngữ phương Tây - cơn bão trong tách trà, sẽ mau chóng qua đi và hoàn toàn không để lại dấu vết gì”. Nhà ngôn ngữ học Hoàng Dũng (ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) nhận định như thế về nghiên cứu của PGS.TS. Bùi Hiền cũng như cuộc tranh luận về nó ầm ào như một cơn bão.

Thật ra, công trình cải tiến tiếng Việt của ông Hiền đã công bố từ hai tháng trước (9/2017) tại một hội thảo của Trường đại học Quy Nhơn, và không tạo ra một tranh luận nào đáng kể. Nhưng khi lên mạng xã hội thì nó đã thành bão.

Phần lớn ý kiến là phản đối, thậm chí công kích, chế giễu, và “dùng những từ ngữ xấu xí nhất để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt” như nhận xét của tác giả Phúc An trên báo Trí Thức Trẻ. Có nhiều ý kiến bảo vệ ông Hiền, và cũng có những ý kiến không tán thành ông Hiền, nhưng không chấp nhận cách phản ứng “quá đáng” của những người “chống” ông Hiền. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, đề xuất của ông Hiền là không khả thi, nhưng đừng vì vậy mà phản ứng thái quá với người đề xuất, vì ở góc độ khoa học, đề xuất này là hoàn toàn bình thường. “Từ một ý tưởng, dư luận lại thổi phồng câu chuyện lên quá mức” - ông Quốc nói.

Suy cho cùng, quyền được đồng tình hay phản đối “tiếng Việt của ông Hiền” của nhiều người cũng bình đẳng như quyền tự do học thuật của mọi công dân, trong đó có ông Hiền. Khoa học mà không được tự do khám phá thì làm sao phát minh ra cái mới, và đâu phải khám phá nào cũng mang lại cái mới. Vì vậy, khoa học luôn cần phản biện thì mới đảm bảo kết quả nghiên cứu đó đủ điều kiện để ứng dụng vào cuộc sống. Nghiên cứu cải tiến tiếng Việt của PGS. TS. Bùi Hiền vì thế cũng cần phản biện thì mới có thể đánh giá được giá trị cũng như tính khả thi của nó. Nhưng phải là phản biện khoa học, với tinh thần tôn trọng sự khác biệt, tranh luận có văn hóa, thái độ khách quan nhưng không vô tâm, quyết liệt nhưng không tàn nhẫn. Rất tiếc là trong rất nhiều ý kiến phản đối, có không ít “gạch đá” ném ra một cách cay nghiệt.

Sau một tuần gào thét, cơn bão mang tên “tiếng Việt ông Hiền” đã qua đi, nhưng dù là “cơn bão trong tách trà” thì nó vẫn để lại không ít tổn hại cho môi trường học thuật. Từ nay, giới nghiên cứu khoa học ở Việt Nam sẽ dè dặt hơn trước thái độ cực đoan đến mức nghiệt ngã của dư luận.

“Chúng ta đang sử dụng quyền tự do bày tỏ ý kiến của mình một cách tùy tiện như thế nào và đang đối xử thiếu suy nghĩ ra sao với những ý kiến khác biệt?”. Câu hỏi đó do một sinh viên và cũng là một “cư dân mạng” đặt ra ngay trên mạng. Một câu hỏi khiến cho tất cả những ai đang tự do bày tỏ chính kiến của mình trên mạng xã hội phải giật mình!

MINH ĐĂNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Động đất và bão gây thiệt hại bảo hiểm 95 tỷ USD vào năm 2023

Hãng tin CNA dẫn thông tin từ công ty tái bảo hiểm Munich Re cho biết, động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, cũng như bão ở Mỹ và nhiều thảm hoạ thiên nhiên khác đã gây ra thiệt hại về chi phí bảo hiểm ước tính lên đến 95 tỷ USD vào năm 2023. Tuy có giảm so với các năm trước, song vẫn cao hơn mức trung bình dài hạn.

Động đất và bão gây thiệt hại bảo hiểm 95 tỷ USD vào năm 2023

TIN MỚI

Return to top