ClockThứ Năm, 02/01/2020 13:49

Bảo vệ cái đúng, chống cái sai nhằm tăng cường sức mạnh của Đảng

TTH - Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 35-CT/TW ngày 30/5/2019 “Về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”. Trong đó đã chỉ rõ: “Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh”.

Chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp: công tác nhân sự được đặt lên hàng đầuChủ động nắm bắt dư luận xã hội, góp phần thành công vào Đại hội Đảng các cấp

Nguyên tắc phê bình, tự phê bình bị xem nhẹ

Nghị quyết Trung ương 4  (khóa XI) đã nêu: “Một số nơi có tình trạng những việc làm đúng, gương người tốt không được đề cao, bảo vệ; những sai sót, vi phạm không được phê phán, xử lý nghiêm minh”. Tình trạng đó đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, cần phải chấn chỉnh nhằm bảo vệ lẽ phải, tăng cường sức mạnh của Đảng.

Trong cơ quan, công sở, những gương tích cực không được bảo vệ, vô tình làm biến dạng, tạo ra lực cản trì trệ trong từng tổ chức, kẻ xấu lợi dụng để lộng hành, làm sai lệch những quy chuẩn công tác, đạo đức công vụ. Đó sẽ là một trong những nguyên nhân chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ. Nhìn bề ngoài có vẻ mọi người quan hệ với nhau bình thường nhưng chỉ là hình thức, “bằng mặt nhưng không bằng lòng”, ngấm ngầm nghi kỵ, phe cánh, tìm sơ hở để đấu đá, hạ bệ lẫn nhau. Một bộ phận cán bộ lại có biểu hiện bỏ mặc, không có chính kiến, không dám đấu tranh phê bình, thiếu bản lĩnh vì sợ ảnh hưởng đến bản thân là hiện tượng không chuẩn mực.

Tình trạng nêu trên do nhiều nguyên nhân, nhưng mấu chốt là nguyên tắc phê bình, tự phê bình bị xem nhẹ; kỷ cương, kỷ luật thiếu nghiêm minh; công tác xây dựng Đảng còn nhiều yếu kém. Trong sinh hoạt một số tổ chức cơ sở Đảng còn đơn điệu, hình thức, hiệu quả giáo dục không cao. Tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm chậm khắc phục; tham nhũng, lãng phí còn xảy ra nghiêm trọng. Nhiều tổ chức cơ sở năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu bị giảm sút; có nơi bị tê liệt nghiêm trọng. Những nguyên nhân đó đã làm cho đúng-sai trong mọi hoạt động chưa được phân định rõ ràng, dẫn tới sai phạm ngày càng trầm trọng. Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra tại Tỉnh ủy Đồng Nai đã phát hiện nhiều cán bộ lãnh đạo trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy có nhiều sai phạm nghiêm trọng. Trong một nhiệm kỳ có 5 cán bộ thường vụ bị kỷ luật, 2 thường vụ bị cách chức và đều là Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (cũng đã bị miễn nhiệm). Một số tổ chức Đảng cấp Trung ương đã bị cảnh cáo gần đây như Khánh Hòa, Đồng Nai và một số cơ quan cấp Bộ là ví dụ như thế. Nguyên nhân được cho là do để vi phạm kéo dài, đấu tranh chống những hành vi sai trái, bảo vệ cái đúng không được thực hiện nghiêm túc.

Người đứng đầu cần phải công tâm, khách quan

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ 1 trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên, đó là: “Thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”. Và chỉ rõ nguyên nhân là: “Chưa chú trọng lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”. Tình trạng này không ngăn chặn sẽ là nguy cơ lan rộng ra các tầng lớp, tạo nên hiệu ứng tiêu cực trong quan hệ xã hội.

Dự báo được hệ quả của tình trạng đó, Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh. Hội nghị Trung ương 8  (khóa XII) ban hành “Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” đã nêu rõ: “Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh”. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1847/QĐ-TTg phê duyệt Đề án văn hóa công vụ. Trong đó yêu cầu “Lãnh đạo, quản lý không được duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, phải tôn trọng lắng nghe ý kiến cấp dưới”. Đây được xem là một trong những tiêu chí, những việc cần làm ngay của tổ chức cơ sở Đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên. Đồng thời, yêu cầu phải có biện pháp chủ động phòng ngừa, phê phán thái độ thờ ơ với cái đúng, vô cảm, lạnh lùng trước những sai phạm, khuyết điểm.

Muốn làm được điều đó thì trách nhiệm thuộc về cấp ủy và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị xã hội. Người đứng đầu phải thực sự nêu gương, chống bệnh quan liêu, cửa quyền, thực hành dân chủ thực sự. Chủ động phát hiện điển hình tiên tiến, nhân tố mới, những việc làm tích cực nhằm tạo ra sức sống lan tỏa trong từng tổ chức, mở rộng ra toàn xã hội. Phát huy dân chủ gắn với kỷ cương, kỷ luật để làm chỗ dựa cho đấu tranh phê phán cái xấu, làm cho cái xấu không có đất lộng hành. Việc đáng khen phải kịp thời khen thưởng; những tồn tại, khuyết điểm phải được kiểm điểm đến nơi đến chốn, xử lý nghiêm minh; những biểu hiện không dám đấu tranh cần được giáo dục, nhắc nhở. Người đứng đầu cần phải công tâm, khách quan, phân biệt đúng - sai rõ ràng, thật - giả phân minh trên tinh thần vì lợi ích chung. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phê bình, tự phê bình trong sinh hoạt của đảng, đoàn thể.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top