ClockThứ Sáu, 22/01/2021 07:30

Bảo vệ người già, trẻ em ngày lạnh

TTH - Khi nhiệt độ xuống thấp, người già, trẻ em và người có bệnh huyết áp là những đối tượng nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết và dễ gặp nhiều rủi ro khi nhiệt độ xuống quá thấp, rét đậm, rét hại. Người dân cần biết cách giữ ấm và phòng, chống rét cho bản thân và gia đình.

Giữ ấm trong ngày lạnh

Kiểm tra huyết áp cho người cao tuổi

Chăm con đúng cách

Hơn một tháng Huế chìm trong những đợt gió Đông lạnh giá, cũng là quãng thời gian chị Hoàng Minh Thiên (TP. Huế) phải xoay xở với đứa con trai nhỏ 7 tuổi như chiếc máy dự báo thời tiết bị lỗi. Bé con vốn có hệ hô hấp yếu nên rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết. Nhiều khi, đài khí tượng thủy văn báo không khí lạnh mới ngấp nghé biên giới phía Bắc, ở Huế cu cậu đã khục khặc ho. Mùa đông năm nay, mới qua hai ngày ho trong đợt lạnh sâu, cậu nhỏ đã bị viêm phổi, tiếng ho cũng khàn kẹt như có chèn cái còi trong cổ họng. Bác sĩ xác định bé bị viêm phổi chứ không phải chỉ viêm họng đơn giản, chị Thiên vẫn chưa hiểu mình đã “sai bài” chỗ nào khi chăm sóc con trong những ngày lạnh. “Mình giữ ấm cho con cẩn thận lắm, ăn uống cũng chú ý nữa, vậy mà cũng không tránh được con đau ốm. Sợ là trong thời gian không có mình bên cạnh, con hiếu động, chạy nhảy ra mồ hôi nhiều bị thấm ngược mà không biết cách xử lý”, người mẹ trẻ chia sẻ.

Không chỉ lo lắng cho con, chị Diệu Nhi (xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy) còn tự trách mình vì chăm con chưa đúng cách. Bé con sau mấy ngày uống thuốc mà không đỡ ho, tiếng ho còn dần trở nên khàn đặc, chị đưa con đi khám. Nhìn túi vỏ thuốc con dùng 3 ngày qua, bác sĩ mắng luôn cả mẹ: “Tôi sợ cái “bệnh” của mấy chị quá. Con ho, sốt không đưa đi khám mà cứ tự ý mua kháng sinh nặng cho con uống. Chính đây là nguyên nhân khiến con trở thành nạn nhân kháng thuốc chứ không phải đâu xa xôi”. Chị Nhi im thin thít, không dám bày tỏ vì quá lo cho con mà nóng vội.

Do sức đề kháng con non trẻ khi thời tiết chuyển rét lạnh, trẻ em là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp rất cao. Để phòng tránh các bệnh cho trẻ nói chung, cũng như các bệnh về đường hô hấp, cha mẹ phải giữ ấm đúng cách cho trẻ. Đồng thời, bổ sung cho con đầy đủ dinh dưỡng uống đủ nước có tác dụng tăng sức đề kháng cho trẻ. Theo khuyến cáo của ngành y tế, khi trẻ có các triệu chứng ho kéo dài từ 3-5 ngày, kèm theo các triệu chứng sốt, đau ngực, khó thở cần đi khám để được phát hiện và điều trị kịp thời. Với các bệnh trẻ hay mắc như sổ mũi thì có thể rửa mũi bằng nước muối sinh lý ấm, hoặc pha nước muối ấm để súc họng giúp thông thoáng đường hô hấp trên, tránh viêm mũi, họng và đường hô hấp trên; thực hiện tiêm phòng đầy đủ để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Khi trẻ có các dấu hiệu ho, khò khè, sốt cao, uống hạ sốt không đáp ứng, thở nhanh, quấy khóc, bỏ ăn…, cha mẹ cần đưa ngày trẻ đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Phòng hạ thân nhiệt ở người già

Trước tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài, thời tiết khắc nghiệt, Bộ Y tế đã có hướng dẫn những việc cần làm để người dân chủ động ứng phó. Bảo vệ sức khỏe người dân, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/thành phố và các đơn vị trực thuộc chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để kịp thời tham mưu, tuyên truyền cảnh báo và hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, chống rét và khuyến cáo người dân che chắn nhà cửa, giữ ấm cơ thể, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Do khả năng kiểm soát và điều chỉnh thân nhiệt của người cao tuổi giảm, nên trong thời tiết lạnh kéo dài người cao tuổi dễ bị tổn thương về sức khỏe. Những tổn thương dễ gặp là cảm lạnh, nhiễm cúm, viêm phổi, tăng huyết áp gây đột quỵ, cũng như dễ tái phát và tiến triển nặng các bệnh mãn tính, như: hen suyễn, viêm khớp, viêm loét dạ dày… Do đó, người cao tuổi cần được lưu ý chăm sóc các vấn đề về ăn uống, ngủ nghỉ, vận động và đặc biệt là việc giữ ấm cơ thể.

Chia sẻ giải pháp bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi ngày lạnh, TS. BS. Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Phổi Thừa Thiên Huế gợi ý phòng ngủ nghỉ, sinh hoạt của người cao tuổi nên duy trì ở mức nhiệt khoảng 24 độ C và giữ đủ độ ẩm. Người cao tuổi tránh ra ngoài và không cố tập thể dục trong thời tiết lạnh. Khi cần thiết rời khỏi nhà, cần mặc ấm, có áo khoác, đội mũ len và đeo găng tay. “Người cao tuổi cần uống 6-8 ly nước ấm một ngày, ngay cả khi không cảm thấy khát nước. Tránh uống rượu và đồ uống có chứa caffeine. Ăn thường xuyên, các bữa ăn tương đối nhẹ 5-6 lần một ngày, tránh ăn các bữa ăn thức ăn nặng và nhiều. Dùng thức uống và thực phẩm nóng giúp bảo vệ thân nhiệt. Khi ở nhà, chủ động vận động thích hợp để tăng lưu lượng máu và tăng nhiệt độ cơ thể. Trong trường hợp nghi ngờ người cao tuổi bị hạ thân nhiệ, xuất hiện lạnh, kém đáp ứng hay lú lẫn thì người thân phải gọi trợ giúp y tế ngay lập tức”, TS. BS. Lê Thanh Hải nhấn mạnh.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp hội nông dân (HND), hội viên, nông dân (HVND) kết hợp triển khai phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” nhằm nâng cao nhận thức của HVND trong bảo vệ môi trường đô thị, nông thôn “xanh - sạch - đẹp”.

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường
“Hạnh phúc cho em”

Sáng 16/3, hàng trăm phụ huynh và học sinh đã tham dự những hoạt động ý nghĩa trong chương trình “Hạnh phúc cho em” do Hội Bảo vệ Quyền trẻ em (BVQTE) tỉnh cùng Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp tổ chức.

“Hạnh phúc cho em”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top