ClockThứ Sáu, 18/11/2016 22:11

Bảo vệ nguồn nước lưu vực liên vùng: “Một cây khó nên non”

TTH - Bảo vệ nguồn nước trên các lưu vực sông liên vùng như liên xã, liên huyện, liên tỉnh, thậm chí liên quốc gia không phải là mới, được bàn tới từ lâu, nhằm cùng nhau chia sẻ và sử dụng chung các nguồn nước để phục vụ nhu cầu đời sống, kinh tế và phát triển.

Các hoạt động khai thác quá mức, gây ô nhiễm nguồn nước ở thượng nguồn không chỉ ảnh hưởng mang tính cục bộ địa phương mà còn lan rộng ảnh hưởng tiêu cực đến số lượng và chất lượng nguồn nước ở hạ lưu.

Thời gian qua, dù đã huy động lực lượng từ thanh niên, nông dân đến phụ nữ trục vớt bèo trên nhánh sông chảy qua địa bàn mình, nhưng chỉ sau một thời gian, nhiều địa phương vẫn “oằn mình” vì bèo xuất hiện trở lại. Đứng trên những cây cầu, con đập băng phá Tam Giang qua các xã Vinh Phú (Phú Vang), Quảng Thái (Quảng Điền), Phong Bình, Điền Lộc (Phong Điền), có thể thấy nhiều nơi bèo phủ kín mặt nước, làm cho thuyền bè khó cập bờ, việc nuôi trồng thủy sản gặp khó…

Điểm như vậy để thấy, một phần vì bèo tây là loài thủy sinh khó diệt tận gốc, dễ sinh sôi, nhưng lý do khác là vì việc xử lý thiếu sự đồng bộ, nhất quán, mạnh ai nấy làm. Có những địa phương phía hạ nguồn diệt bèo tây rất tốt, nhưng chỉ cần phía thượng nguồn “ngó lơ” là xem như “công cốc”.

Gần đây, người dân sống 2 bên dòng sông Ô Lâu chảy qua địa phận huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) và huyện Hải Lăng (Quảng Trị) rất lo lắng và bức xúc trước việc một công ty trong ngành dệt may đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thi công đường ống xả các loại chất thải đổ ra con kênh thuộc địa phận Quảng Trị, nhưng rồi sẽ chảy về sông Ô Lâu. Người dân lo ngại khi đi vào hoạt động, công ty này không xử lý đảm bảo nước thải, chất thải thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người dân các vùng ở tỉnh Quảng Trị và xã Phong Bình (Phong Điền). Trước tình hình chung này buộc lòng phải có sự liên kết phối hợp giải quyết không chỉ giữa 2 huyện mà cần cả sự can thiệp cấp tỉnh.

Rộng hơn là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân, người dân miền Tây không còn cơ hội để “sống chung với lũ”, mưu sinh trong mùa nước nổi. Đã vào mùa lũ, nhưng ở miền Tây vẫn có những cánh đồng khô khốc. Rõ nhất là tình hình khô hạn nặng, nước nhiễm mặn vào sâu đất liền trong năm qua đã gây thiệt hại rất lớn cho nền nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Phải chờ đợi rất lâu từ việc xả đập thủy điện của các nước phía thượng nguồn sông Mê Kông, những cánh đồng khô cằn, nhiễm mặn mới được cải thiện.

Theo các nhà chuyên môn, để bảo vệ nguồn nước trên các lưu vực sông liên vùng, bên cạnh việc phân cấp nhiệm vụ đối với các đơn vị được giao quản lý, cần huy động thêm nguồn lực như: tài chính, công nghệ, cán bộ có chuyên môn và có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, dân cư. Đối với các nguồn nước chảy qua nhiều quốc gia đòi hỏi phải có sự hợp tác và chung sức để xử lý các vấn đề liên quan, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự tùy thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng.

HOÀI NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điều tiết nguồn nước ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) phối hợp với các thủy điện thượng nguồn trong quá trình xả, điều tiết nước, chỉ đạo các trạm quản lý chặt các nguồn nước trên sông. Đồng thời, các đập, cống trên đê tiếp tục thực hiện các giải pháp điều tiết nước hợp lý tránh thất thoát nước trên các trục sông chính ra đầm phá.

Điều tiết nguồn nước ứng phó hạn mặn
Nông dân tham gia bảo vệ môi trường

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp hội nông dân (HND), hội viên, nông dân (HVND) kết hợp triển khai phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” nhằm nâng cao nhận thức của HVND trong bảo vệ môi trường đô thị, nông thôn “xanh - sạch - đẹp”.

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường
Return to top