ClockThứ Tư, 24/03/2021 06:30

Bảo vệ rừng, động vật hoang dã từ ý thức người dân

TTH - Tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong đấu tranh phòng, chống nạn phá rừng, săn bắt động vật hoang dã (ĐVHD).

Phát hiện 36 loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng ở Trung LàoGiải cứu động vật hoang dã trong dịp tếtTái thả 107 cá thể động vật hoang dã về rừng

Vọoc Chà Vá chân nâu tại Vườn Quốc gia Bạch Mã. Ảnh: Đăng Tuyên

Ngày 20/3, nhận được tin báo của một người dân trú tại phường Xuân Phú (TP. Huế) có một ĐVHD tại một nhà dân, Hạt Kiểm lâm (HKL) TP. Huế tiến hành kiểm tra, xác minh và tổ chức tiếp nhận cá thể động vật này. HKL TP. Huế xác nhận, cá thể động vật rừng này là loài cầy bạc má (tên khoa học Melogale moschata). HKL TP. Huế đang xác lập quyền sở hữu toàn dân và phối hợp với các đơn vị liên quan sẽ thả cá thể cầy nói trên về môi trường tự nhiên trong một vài ngày đến.

Còn nhớ giữa cuối năm trước, nhận được tin báo của Hoàng Thị Phương Thảo ở đường Nguyễn Khoa Chiêm (TP. Huế) có một cá thể rùa nghi săn bắt, rao bán trái phép, cán bộ HKL TP. Huế đã đến hiện trường giải cứu kịp thời. Sau khi kiểm tra, nghiên cứu, HKL TP. Huế xác định cá thể rùa sa nhân có tên khoa học “coura mouhoti”. Đây là loài động vật quý hiếm, có giá trị khoa học được liệt kê vào danh sách những loài nguy cấp, đang bị đe dọa của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc Tế (IUCN). HKL TP. Huế tiến hành chăm sóc cá thể rùa cho đến khi sức khỏe đảm bảo và thả về môi trường tự nhiên.

Kiểm lâm viên Trương Cảm thuộc Vườn Quốc gia Bạch Mã cho rằng, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống nạn phá rừng, săn bắt ĐVHD. Trong số nhiều vụ giải cứu các cá thể ĐVHD có sự phát hiện, tố giác của người dân. Sự phối hợp của người dân cùng với chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng kiểm lâm, ban ngành chức năng đã tiếp nhận, chăm sóc, tái thả ĐVHD về môi trường tự nhiên một cách an toàn.

Thông qua việc tố giác, gần đây, lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Bạch Mã tiếp nhận cứu hộ, chăm sóc và tái thả 106 cá thể ĐVHD vào rừng tự nhiên, tăng 98 cá thể so với cùng kỳ năm trước. Nhiều vụ vi phạm đã xử lý hành chính, khởi tố hình sự.

Thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên

Cuối năm 2020, thông qua tin báo, tố giác của người dân, lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh bắt giữ xe ô tô tải đang vận chuyển 17 phách gỗ trái phép tại huyện A Lưới. Qua đấu tranh, Trần Hữu Huy (sinh năm 1987), trú tại xã Phú Vinh, huyện A Lưới thừa nhận toàn bộ hành vi vi phạm của mình, tạo cơ sở thuận lợi cho ngành chức năng xử lý vi phạm và răn đe.

Cũng từ tin báo của quần chúng Nhân dân, cùng thời điểm lực lượng chức năng ngăn chặn kịp thời một ô tô do tài xế Lê Phong (39 tuổi) thường trú tại xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình điều khiển, có hành vi vận chuyển gỗ trái phép. Tiến hành kiểm tra, các lực lượng phát hiện trên xe có 37 phách gỗ không chứng minh nguồn gốc hợp pháp và xử lý theo quy định của pháp luật.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chi cục trưởng Chi cục KL tỉnh, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn đánh giá, trên đây chỉ là số ít trong số hàng trăm vụ vi phạm khai thác, săn bắt, vận chuyên gỗ, ĐVHD trái phép trong thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh, do quần chúng nhân dân tố giác, phối hợp với cơ quan chức năng xử lý vi phạm. Xác định tố giác, giải quyết tố giác có vai trò quan trọng trong phòng chống lâm tặc, hằng năm, ngành kiểm lâm phối hợp với ngành vũ trang, các địa phương, cơ quan chức năng tổ chức các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động này.

Trên cơ sở tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm, cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, xác minh và xác định có dấu hiệu tội phạm hay không để quyết định việc khởi tố, hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Cơ quan KL được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, tuy nhiên lực lượng KL chưa được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này. Để làm tốt công tác này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng KL và cơ quan cảnh sát điều tra, viện kiểm sát.

Thông qua hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, các ban ngành nêu rõ những khó khăn, vướng mắc và hiến kế giải pháp hiệu quả trong công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và ĐVHD. Thời gian đến, Chi cục KL xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ngành chức năng, cử cán bộ giàu kinh nghiệm đến từ cơ quan cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức tập huấn, truyền đạt kinh nghiệm, quyền hạn, nâng cao kỹ năng tiếp nhận thông tin tố giác, giải quyết tố giác một cách nhanh chóng, kịp thời, đúng người đúng tội cho lực lượng KL trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện vọng chung của cả cộng đồng xứ Huế. Nó đã đi vào đời sống và đang dần tạo thành thói quen tự giác nơi mỗi thành viên…

Buồn vui chuyện… rác
Nông dân tham gia bảo vệ môi trường

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp hội nông dân (HND), hội viên, nông dân (HVND) kết hợp triển khai phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” nhằm nâng cao nhận thức của HVND trong bảo vệ môi trường đô thị, nông thôn “xanh - sạch - đẹp”.

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường
Phát động Chiến dịch hành động vì động vật hoang dã

Sáng 16/3, UBND TP. Huế phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Ban Quản lý dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (viết tắt là VFBC)” và Đơn vị thực hiện Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học WWF-Việt Nam tổ chức lễ phát động Chiến dịch hành động vì động vật hoang dã.

Phát động Chiến dịch hành động vì động vật hoang dã
Return to top