ClockChủ Nhật, 10/04/2016 18:53

Bảo vệ rừng ngập mặn

TTH - Trồng rừng ngập mặn ven biển, đầm phá để bảo vệ môi trường sinh thái, khu dân cư, nuôi trồng thủy sản đang được các ban ngành quan tâm. Song, quá trình trồng rừng cần gắn với quản lý, bảo vệ nhằm phát huy hiệu quả.

Thiếu quan tâm bảo vệ

Xã Hương Phong (TX Hương Trà) nằm cuối hạ lưu sông Hương, gần cửa biển Thuận An nên chịu nhiều tác động của bão, lũ và triều cường. Việc trồng rừng ngập mặn góp phần tạo vành đai phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái, khu dân cư, nuôi trồng thủy sản. Mấy năm gần đây, xã Hương Phong được các ban ngành triển khai trồng nhiều diện tích rừng ngập mặn tại các khu vực ven biển, đầm phá trên địa bàn. Tuy nhiên do chưa có sự quan tâm trong công tác quản lý, bảo vệ một cách hiệu quả nên cây không phát triển, nhiều diện tích bị chết do gia súc ăn, dẫm đạp.

Trồng rừng ngập mặn ở rú Chá

Ông Trần Viết Én, Chủ tịch UBND xã Hương Phong thừa nhận, sau khi hoàn tất công tác trồng rừng, các đơn vị lâm nghiệp bàn giao cho địa phương quản lý. Chính quyền địa phương cũng đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức trong việc chung tay bảo vệ rừng. Tuy nhiên, một bộ phận người dân còn thiếu ý thức đã thả rông trâu, bò, dê vào rừng, dẫm đạp, ăn cây cối nên cây không phát triển, không phát huy tác dụng như mục tiêu đặt ra.

Nâng cao ý thức của người dân

Mới đây, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đầu tư hàng tỷ đồng trồng rừng ngập mặn mở rộng diện tích rú Chá trên địa bàn thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong. Việc mở rộng diện tích rú Chá nhằm tạo “bức bình phong” rộng lớn bảo vệ khu dân cư, mùa màng cho Nhân dân trong mùa bão, lũ, kết hợp phát triển khu du lịch sinh thái. Tại đây, đã trồng mới 10 ngàn cây đước, bần, dừa nước với diện tích 4,6 ha.

Rút kinh nghiệm từ những năm trước, sau khi hoàn tất trồng cây, Chi cục Kiểm lâm dựng lưới chắn bao quanh khu vực rừng trồng nhằm ngăn chặn gia súc vào dẫm đạp, ăn cây.

Chủ tịch UBND xã Hương Phong cho rằng, việc che chắn bằng lưới cũng chỉ là giải pháp tạm thời, chưa thật sự tối ưu. Điều quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng phụ thuộc vào ý thức của người dân. Để nâng cao ý thức người dân trong ngày ra quân trồng rừng, chính quyền địa phương kết hợp tuyên truyền, vận động người dân tham gia trồng và bảo vệ rừng, không được chăn thả gia súc vào khu vực rừng trồng, nếu phát hiện trâu, bò vào rừng cần báo ngay đến chính quyền địa phương. Cán bộ thôn, xã thường xuyên kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện các trường hợp để gia súc vào rừng sẽ bị phạt nặng.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có khoảng 30 ha rừng ngập mặn tự nhiên, tập trung ở Phú Lộc, Phú Vang, Hương TràGân đây, Hội Khoa học Kỹ thuật lâm nghiệp tỉnh đã nghiên cứu sản xuất hơn 30 ngàn cây đước, vẹn, mắm, sú, bần…    Ông Phạm Ngọc Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết,  chi cục vừa trồng mới 50 ha rừng ngập mặn tại các cửa sông, cửa biển, ven phá Tam Giang. Sắp đến sẽ trồng mới 200 ngàn cây ngập mặn phân tán trong các khu vực ao nuôi trồng thủy sản, hạ triều và dọc bờ phá, bờ đầm, bờ biển… Sau khi trồng rừng sẽ bàn giao cho các địa phương quản lý, bảo vệ. Chính quyền địa phương cần có biện pháp tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, tham gia bảo vệ rừng; có quy định, quy chế và chế tài xử lý vi phạm.

Tỉnh đã có dự án trồng rừng ngập mặn ven biển, đầm phá giai đoạn 2015-2020 với tổng kinh phí đầu tư 110 tỷ đồng để trồng mới 290 ha trong đó 160 ha ngập mặn và 130 ha ngập ngọt. Dự án được triển khai từ năm 2015, đến nay đã trồng được 50 ha.

Bài, ảnh: Hoàng thế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp hội nông dân (HND), hội viên, nông dân (HVND) kết hợp triển khai phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” nhằm nâng cao nhận thức của HVND trong bảo vệ môi trường đô thị, nông thôn “xanh - sạch - đẹp”.

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường
Không chủ quan với rét đậm, rét hại

Dự báo đợt rét đậm, rét hại có thể kéo dài “xuyên tết”, mấy ngày nay lực lượng cán bộ chăn nuôi-thú y đến tận cơ sở, hướng dẫn người dân chủ động bảo vệ an toàn cho đàn gia súc, gia cầm (GSGC) nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm cho dịp Tết Cổ truyền.

Không chủ quan với rét đậm, rét hại
Return to top