ClockThứ Hai, 20/06/2022 14:55

Bảo vệ thành quả chống dịch

Nếu như các đợt tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 mũi 1, mũi 2, mũi 3; nhiều điểm tiêm chủng bị quá tải thì giai đoạn tiêm mũi 4 này trở nên thưa thớt; mặc dù, nguồn vắc- xin ngừa COVID-19 hiện nay rất dồi dào.

Nguồn vắc-xin ngừa COVID-19 được đảm bảo minh chứng cho sự thành công của chiến lược “Ngoại giao vắc-xin” nói riêng và nỗ lực đảm bảo nguồn vắc-xin ngừa COVID-19 cho toàn dân nói chung của Chính phủ.

Việt Nam hiện đã bước qua giai đoạn căng thẳng trong phòng, chống dịch COVID-19; dịch bệnh đã được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội cơ bản bình thường trở lại; nhất là nền kinh tế được phục hồi ấn tượng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao… Có được kết quả đó nhờ cùng với sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương… thì vai trò của việc tăng tốc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 đã rất quan trọng trong miễn dịch cộng đồng.

Số liệu tổng hợp gần đây cho thấy, cả nước đã tiêm được hơn 224 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19, với tỷ lệ bao phủ liều cơ bản ở người từ 12 tuổi trở lên đạt gần 100%; tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 ở người từ 18 tuổi trở lên đạt 63,9%... Riêng trên địa bàn tỉnh, đã thực hiện tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 100% mũi 1; 99% mũi 2; 51% mũi 3 và 1,5% mũi 4.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, số lượng vắc-xin ngừa COVID-19 đủ để sử dụng tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đủ điều kiện tiêm chủng và đủ để sử dụng tiêm 2 liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 6 này.

Điều đáng nói ở đây là, tỷ lệ người tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 mũi 4 hiện vẫn rất thấp (riêng tại Thừa Thiên Huế mới đạt khoảng 1,5%); trong khi hiệu quả bảo vệ của vắc-xin ở các mũi trước đang suy giảm theo thời gian.

Nguyên nhân khiến người dân không “mặn mà” với mũi 4 được ngành chúc năng nhận định, do tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 và mũi 3 khá cao, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có xu hướng lắng xuống, chủng Omicron gây ra triệu chứng có phần nhẹ hơn trước; từ đó, tạo tâm lý chủ quan trong người dân… Ngoài những nguyên nhân này, theo chúng tôi còn một nguyên nhân nữa khiến người dân ngại tiêm mũi 4, bởi lo lắng những tác dụng phụ mà hậu vắc-xin ngừa COVID-19 mang lại, nên cần có một giải thích khoa học để đả thông tư tưởng trong Nhân dân.

Theo Bộ Y tế, virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể. Hiện Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng, có thể xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Điều lo lắng hiện nay, dịch COVID-19 đang có dấu hiệu gia tăng trở lại tại một số nước ở châu Âu, châu Á và Việt Nam chúng ta cũng không ngoại lệ.

Thực tế cho thấy, hiệu quả bảo vệ của vắc-xin đã được khẳng định; vấn đề hiện nay là tiếp tục đẩy mạnh bao phủ vắc-xin ngừa COVID-19 trong toàn dân, kể cả mũi nhắc lại. Việc tổ chức tiêm bổ sung và mũi nhắc lại trong thời điểm hiện nay chắc sẽ không còn căng thẳng, áp lực như giai đoạn trước đây, khi dịch bệnh đang diễn biến nguy hiểm. Song vẫn rất cần sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành trong tuyên truyền, giải thích và vận động, để duy trì hiệu quả bảo vệ của vắc-xin, trong điều kiện dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới.

Đặng Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ vững thành quả, phòng ngừa sốt rét quay trở lại

Mặc dù được công nhận là địa phương đạt “Loại trừ sốt rét” cuối năm 2022, song tại Thừa Thiên Huế vẫn xuất hiện ca sốt rét ngoại lai trong 2 năm qua. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục duy trì các biện pháp phòng ngừa căn bệnh này từ các tuyến theo quy định của Bộ Y tế.

Giữ vững thành quả, phòng ngừa sốt rét quay trở lại
Nông dân tham gia bảo vệ môi trường

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp hội nông dân (HND), hội viên, nông dân (HVND) kết hợp triển khai phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” nhằm nâng cao nhận thức của HVND trong bảo vệ môi trường đô thị, nông thôn “xanh - sạch - đẹp”.

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường
Return to top