ClockThứ Sáu, 15/09/2017 13:56

Bảo vệ tư liệu, hiện vật

TTH - Lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật quý, các bảo tàng, thư viện luôn nâng cao cảnh giác với “bà hỏa” với tinh thần phòng là chính.

Diễn tập PCCC ở Thư viện Tổng hợp tỉnh

Tập ứng phó với cháy

Mới đây, Thư viện Tổng hợp tỉnh phối hợp với Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) tỉnh tổ chức buổi thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại thư viện. Đám cháy xuất hiện tại tầng 4 thuộc trụ sở thư viện rồi lan rộng là tình huống giả định được đưa ra. Khi phát hiện cháy, lực lượng tại chỗ đã hô hoán, báo động, tổ chức thoát nạn, gọi điện cho lực lượng PCCC chuyên nghiệp, đồng thời sử dụng dụng cụ sẵn có như bình chữa cháy xách tay, các phương tiện khác để ngăn đám cháy lan rộng.

Nhận được tin báo, Cảnh sát PCCC huy động xe, cùng cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng đến khu vực cháy tổ chức trinh sát tìm gốc lửa và triển khai cần vươn chữa cháy… Sau 30 phút, đám cháy đã được khống chế và dập tắt hoàn toàn, đảm bảo an toàn về người và tài sản. Trước đó, lực lượng Cảnh sát PCCC đã hướng dẫn kỹ năng sử dụng các trang thiết bị chữa cháy hiện có tại đơn vị cho viên chức và người lao động của thư viện.

Ông Hoàng Phước, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Thư viện Tổng hợp tỉnh cho hay, buổi thực tập giúp cho lực lượng PCCC của đơn vị xử lý các tình huống sát với thực tế trong việc cứu người, cứu tài sản, hướng dẫn thoát nạn, chữa cháy khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Đây cũng là dịp giúp cho lực lượng PCCC tại chỗ nắm bắt một số kỹ năng về nghiệp vụ phòng, chống cháy nổ, sử dụng linh hoạt các trang thiết bị chữa cháy hiện có tại đơn vị. Đồng thời, vận dụng các kỹ năng này vào thực tế nhằm ứng cứu kịp thời khi có tình huống cháy, nổ xảy ra.

Vẫn "phòng là chính"

Lưu trữ sách, tư liệu rất dễ bắt lửa, Thư viện Tổng hợp tỉnh là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Chỉ cần một chút sơ suất, những kho sách, tư liệu nhanh chóng hóa tro bụi. Bởi vậy, dù từ trước đến nay chưa hề xảy ra đám cháy nào nhưng cán bộ, viên chức và người lao động của Thư viện Tổng hợp luôn nâng cao cảnh giác.

Ông Đỗ Hữu Hà, Giám đốc Thư viện Tổng hợp tỉnh cho biết: “Thư viện lưu trữ toàn đồ giấy nên rất dễ cháy, vì thế, trong công tác PCCC, chúng tôi luôn có ý thức phòng là chính. Thư viện tuyệt đối cấm hút thuốc lá ở các kho sách, nhắc nhở nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn bộ viên chức, người lao động cùng bạn đọc trong mùa nắng nóng”. Ngoài việc thành lập Ban PCCC, xây dựng các kế hoạch PCCC, Thư viện Tổng hợp cũng đã mua bảo hiểm cháy nổ toàn bộ kho sách, tăng cường các phương tiện phục vụ chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy, sửa chữa lại máy bơm nước, chú trọng công tác tuyên truyền nêu cao hiểu biết, ý thức và trách nhiệm của cá nhân, bạn đọc khi đến học tập, công tác tại đơn vị.

Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế có hệ thống PCCC khá chuẩn. Năm nay, bảo tàng vừa mới đầu tư trang bị lại toàn bộ hệ thống PCCC, báo cháy, máy nổ, vòi phun nước, đồng thời lên kế hoạch để sắp tới tổ chức diễn tập, thử vận hành hệ thống PCCC. Bà Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng cho biết: “Dù chưa bao giờ xảy ra cháy nhưng đơn vị chúng tôi luôn cảnh giác cao độ. Bảo tàng đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên tham gia công tác PCCC, thường xuyên cử cán bộ tham gia các lớp huấn luyện PCCC, xem trọng công tác bảo quản, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy...”. Ở hai di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở 112 Mai Thúc Loan, TP. Huế và Dương Nổ, công tác PCCC thường xuyên được kiểm tra. Đồng thời trang bị hệ thống phun sương tạo ẩm trên mái bởi ngôi nhà được làm từ vật liệu tranh, tre. 

Với Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, mặc dù đã trang bị hệ thống báo cháy để hỗ trợ cho công tác PCCC nhưng viên chức, người lao động nơi đây không hề chủ quan, vì nếu không phòng tránh, chỉ cần để xảy ra cháy nổ là bao nhiêu tác phẩm giá trị của danh họa Lê Bá Đảng để lại cho Huế mất hết. Bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị cho rằng: “Hệ thống PCCC là phương tiện hỗ trợ nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người. Tôi vẫn luôn nhắc nhở anh em như vậy để luôn nâng cao cảnh giác, ý thức trách nhiệm của mình trong mỗi hành động nhỏ như không hút thuốc lá, tắt cầu giao điện và các thiết bị tiêu thụ điện khác trước khi ra khỏi phòng nhằm tránh nguy cơ cháy, nổ có thể xảy ra”.

Mỗi hiện vật được trưng bày ở bảo tàng đều mang sức sống, hơi thở của một thời anh dũng, là minh chứng cho một phần lịch sử của dân tộc. Nếu mất đi bất kỳ hiện vật nào cũng sẽ là những mất mát không thể lấy lại được. Để phòng chống cháy nổ, bảo đảm an toàn cho tư liệu, hiện vật, Sở Văn hóa và Thể thao đã chỉ đạo các bảo tàng, hệ thống di tích trang bị các phương tiện PCCC, tập huấn PCCC cho đội ngũ người lao động, có phương án phối hợp với lực lượng PCCC, nhân dân, chính quyền địa phương trong tình huống xảy ra sự cố. Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho hay: “Sở Văn hóa và Thể thao thường xuyên kiểm tra công tác này, đồng thời trang cấp thêm hệ thống PCCC cho các bảo tàng, lắp đặt thêm hệ thống ống nước... Ngoài ra, các đơn vị phải chủ động mời cơ quan chuyên môn để tập huấn, diễn tập các phương án”.

Tuy vậy, do nguồn kinh phí không cho phép nên các bảo tàng, thư viện chưa thể phối hợp với cơ quan PCCC chuyên trách tổ chức tập huấn định kỳ, thường xuyên hàng năm cho viên chức, người lao động, trong khi đây là yêu cầu cần thiết để người lao động có thể chủ động, không lúng túng khi xảy ra hỏa hoạn.

Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp hội nông dân (HND), hội viên, nông dân (HVND) kết hợp triển khai phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” nhằm nâng cao nhận thức của HVND trong bảo vệ môi trường đô thị, nông thôn “xanh - sạch - đẹp”.

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường
Di chuyển hàng ngàn hiện vật về nơi mới

Hàng chục ngàn hiện vật với rất nhiều chất liệu, kích thước thuộc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đang được đóng gói một cách cẩn thận chuẩn bị cho việc dời về địa chỉ mới ở số 268 Điện Biên Phủ, TP. Huế.

Di chuyển hàng ngàn hiện vật về nơi mới
Giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

“Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam” là nội dung trưng bày chuyên đề do Bảo tàng Lịch sử phối hợp với Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Phòng giáo dục - Đào tạo huyện Quảng Điền tổ chức tại Trường THCS Ngô Thế Lân sáng 14/3.

Giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Return to top