ClockThứ Tư, 13/06/2018 18:25

Bảo vệ và khuyến khích công dân phản ánh tham nhũng

TTH.VN - Thảo luận tại hội trường chiều 13/6 về Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Chí Tài, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về cách thức, cơ chế, cơ quan có trách nhiệm bảo vệ để tạo điều kiện và khuyến khích công dân thực hiện quyền phản ánh tham nhũng.

Sửa luật để xây dựng Công an Nhân dân chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đạiBảo đảm chủ quyền quốc gia, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng, an ninhĐề xuất thành lập cơ quan chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhậpKỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Thảo luận 3 dự án LuậtKỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Thảo luận các vấn đề về kinh tế - xã hộiĐại biểu Quốc hội kỳ vọng vào phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 5

Đoàn chủ tịch điều hành phiên thảo luận chiều 13/6. Ảnh: Quochoi.vn

Cần thiết điều chỉnh mở rộng khu vực ngoài nhà nước

Phát biểu tại Quốc hội, Phó trưởng đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế - Nguyễn Chí Tài nhất trí với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước. Đồng thời cho rằng, đây là một nội dung bổ sung cần thiết và rất thiết thực. Thực tế công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, những vụ việc xảy ra ngoài khu vực nhà nước nhưng hậu quả lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, đến an ninh chính trị, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nhà nước phải đứng ra để xử lý hậu quả.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi trong phòng, chống tham nhũng đối với khu vực ngoài nhà nước, ông Nguyễn Chí Tài đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm các quy định về trách nhiệm phát hiện và xử lý tham nhũng đối với khu vực này.

Về các hành vi tham nhũng, dự thảo Luật quy định 12 hành vi tham nhũng, tuy nhiên các hành vi này chỉ đề cập trong khu vực nhà nước mà chưa đề cập đến các hành vi tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước. Để bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật, ông Tài đề nghị Ban soạn thảo rà soát để quy định bổ sung các hành vi tham nhũng khu vực ngoài nhà nước như: đưa hối lộ để gian lận thương mại, đưa hối lộ để dành lợi thế kinh doanh… vào dự thảo.

Tại khoản 8 quy định hành vi “đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi”,  theo đại biểu là chưa chặt chẽ. Bởi trong thực tế hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ không chỉ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn mà còn nhiều đối tượng khác. Đại biểu đề nghị nên bỏ cụm từ “được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn” và viết lại khoản này như sau: “đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi”.

Tại khoản 11, để bảo đảm tính chặt chẽ, đại biểu đề nghị bổ sung thêm hành vi “thực hiện không đúng, không đầy đủ nhiệm vụ công vụ vì vụ lợi” cũng đươc xem là hành vi tham nhũng, và viết lại khoản này như sau: “không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi”.

Khuyến khích công dân phản ánh tham nhũng

Đại biểu Nguyễn Chí Tài thảo luận tại Quốc hội chiều 13/6. Ảnh: Tấn Trọng

Về quyền phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng của công dân, ông Nguyễn Chí Tài thống nhất quy định tại Điều 5 “Công dân có quyền phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng” và “được bảo vệ theo quy định của pháp luật”, việc quy định bảo vệ công dân thực hiện quyền phản ánh, tố cáo nhằm khuyến khích, động viên để công dân thực hiện quyền của mình góp phần tích cực trong công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng. Khi thực hiện quyền tố cáo hành vi tham nhũng, công dân và người thân của họ được các cơ quan có thẩm quyền bảo vệ theo quy định của Luật Tố cáo.

Tuy nhiên, đại biểu vẫn băn khoăn, vì Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng chưa quy định cụ thể về cách thức, cơ chế thực hiện quyền được bảo vệ, cơ quan nào có trách nhiệm bảo vệ và bảo vệ như thế nào khi công dân thực hiện quyền phản ánh hành vi tham nhũng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

“Việc phản ánh hay tố cáo hành vi tham nhũng rất nguy hiểm, trong nhiều trường hợp có thể ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của công dân. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về cách thức, cơ chế, cơ quan có trách nhiệm bảo vệ để tạo điều kiện và khuyến khích công dân thực hiện quyền phản ánh hành vi tham nhũng”- Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh.

Cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng kê khai

Về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, cùng với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Điều 37 của Dự thảo quy định phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Chí Tài cho rằng, việc mở rộng như hiện nay cần cân nhắc tính khả thi, phù hợp với năng lực của cơ quan kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập; tránh gây lãng phí, hiệu quả không cao. Do vậy, đại biểu đề nghị giới hạn phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập theo hướng chỉ cần tập trung vào các đối tượng giữ vị trí có nguy cơ tham nhũng cao. Đối với cán bộ, công chức nên quy định những người có chức vụ chức vụ từ phó trưởng phòng cấp huyện trở lên; ở cấp xã nên quy định đối với cán bộ xã.

Ngoài ra, nên bổ sung thêm đối tượng kê khai là “Phó trưởng công an xã” để tương đồng và thống nhất với Công an phường và thị trấn cũng là đối tượng kê khai. Bởi vì, Chính phủ đang trình Quốc hội dự thảo Luật Công an Nhân dân sửa đổi, theo dự thảo luật được thông qua công an xã nằm trong hệ thống công an Nhân dân và được bố trí công an chính quy. Đồng thời tại khoản này, đại biểu đề nghị sửa cụm từ “người hưởng phụ cấp chức vụ tương đương” cho phù hợp với chủ trương Nghị quyết Trung ương 7 về cải cách tiền lương.

Xây dựng phương án xử lý tài sản tham nhũng

Đại biểu Nguyễn Chí Tài cho rằng, kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý (Điều 59) cần xây dựng phương án khác hợp lý, hài hòa hơn. Theo đại biểu, phương án 1 có nội dung “người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập chênh lệch…” còn nói chung chưa cụ thể, thế nào là giải trình hợp lý, dễ nảy sinh tiêu cực. Đối với Phương án 2 đưa ra “… mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm” là chưa có cơ sở thuyết phục nên không khả thi.

Ông Nguyễn Chí Tài đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi theo hướng nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh tài sản này có nguồn gốc từ hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật thì nhà nước bắt buộc phải thu hồi bởi đây là tài sản bất minh; nếu không chứng minh được thì tài sản đó là quyền sở hữu của công dân để bảo đảm phù hợp với quy định về quyền sở hữu tài sản, thu nhập theo quy định của Hiến pháp và công dân chỉ thực hiện nghĩa vụ đóng thuế theo quy định của pháp luật hiện hành.

Về phòng chống tham nhũng, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung một khoản vào Điều 65 của Dự thảo Luật để quy định trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra nếu việc thực hiện thanh tra, kiểm toán, điều tra mà không phát hiện được tham nhũng nhưng các cơ quan có thẩm quyền sau đó lại phát hiện được tham nhũng để gắn trách nhiệm cụ thể của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, giảm thiểu tình trạng bao che cho hành vi tham nhũng.

Về thực hiện minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ trong công ty đại chúng, tổ chức tín dụng (Điều 99), đại biểu Nguyễn Chí Tài đề nghị bổ sung Chủ tịch Hội đồng thành viên cũng là đối tượng bị đình chỉ việc thực hiện quyền, nghĩa vụ hoặc miễn nhiệm, bãi nhiệm tại Điểm b, Khoản 1 về xử lý hành vi vi phạm việc thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng trong công ty đại chúng, tổ chức tín dụng tại khu vực ngoài nhà nước ở Điều 120.

Việc quy định “Ban kiểm soát trong Công ty đại chúng, tổ chức tín dụng thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có chức vụ theo quy định của Khoản 2 điều này”, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét lại nội dung này. Bởi vì Trưởng ban kiểm soát là đối tượng phải kê khai, đồng thời vừa là người chịu trách nhiệm kểm soát chính việc kê khai, trong đó có việc kê khai của chỉnh bản thân mình.

Thái Bình- Hoàng Linh (ghi)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam

Sáng 23/4, Đoàn giám sát Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát liên quan đến chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam”.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam
Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông

Ngày 19/4, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội làm trưởng đoàn công tác đã khảo sát thực tế nút giao cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua địa bàn huyện Phong Điền; sau đó làm việc với UBND tỉnh về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông
Quốc hội Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế tại IPU-148

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại năm 2024 của lãnh đạo cấp cao, nhận lời mời của Chủ tịch và Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng IPU lần thứ 148 (IPU-148) và các hội nghị liên quan tại Thụy Sĩ.

Quốc hội Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế tại IPU-148
Return to top