ClockThứ Năm, 29/01/2015 15:28

Bát canh me đất

TTH - Về Huế được mấy ngày, sáng chủ nhật đi chợ Đông Ba, ngày cuối tuần bao giờ chợ cũng đông, cũng nhộn nhịp hơn ngày thường. Đi chợ, ai cũng ngạc nhiên năm nay dù đang giữa mùa mưa nhưng thức ăn Huế mình phong phú quá, chẳng bù mấy năm trước. Chợ bán khá nhiều cá cơm, loại cá hầu như chỉ dành cho người nghèo khi mà với 10 ngàn đồng có thể nấu một nồi canh cho cả nhà. Thường thì cá cơm hay có nhiều trong mùa hè, mùa đông chúng trở nên hiếm hoi, vậy mà năm nay lại khác. Đang băn khoăn không biết sẽ nấu với thức nào thì thấy ngay bên cạnh hàng cá cơm có rổ me đất đầy ắp. Vậy là nồi canh cá sẽ rất ngon, rất đúng vị.

Cây me đất hầu như không xa lạ với mọi người. Mặc dù cũng có chung tên gọi là me nhưng cây me này là thân thảo, dài lắm chỉ quá gang tay, khác với cây me thân mộc to lớn kia. Có lẽ chúng được gọi là me khi có điểm chung là chua và khác nhau là cây me thân mộc chua ở trái, còn me đất thì chua ở lá và thân. Tuy được dùng trong nấu nướng nhưng cây me không trồng mà mọc, xưa nay được các bà nội trợ dùng như một loại gia vị tạo thêm hương đặc biệt cho món ăn. Bát canh khuyết, cá cơm nấu với me trở nên ngon hơn, ăn “ngậm mà nghe” hơn.

Hình như cây me chỉ tìm nơi nào có chút đất là bám rể vươn lên. Có thể đó là kẽ nứt của vách tường, vạt đất trống trước hiên hoặc trên một chậu cây nào đó. Chỉ cần một chút đất thôi là me đâm rể mọc nhanh, vươn ra giữa khoảng không để uống chút sương chút nắng và chỉ sau mấy ngày hiện diện là ra hoa, những bông hoa li ti màu tím, màu vàng rất đẹp. Có người thích màu sắc sẽ nhìn màu hoa với chút nhìn ưu ái, có người thì thờ ơ, phải chăng vì chúng không phải là loài hoa quý? Cũng không nên trách ai làm gì khi đời sống của cây me không dài, lại là cây mọc hoang nên chẳng ai chú ý đến hoa của nó. Chỉ biết rằng cây me mỏng manh kia có đời sống rất ngắn ngủi, khi mới thấy đó rồi lại tàn lụi đó. Hình như những cơn mưa dài của xứ mình làm chúng mau hư hao rồi biến mất. Để khi từng cơn nắng ấm kéo đến thì cây me đất lại xuất hiện, hầu như me đất chỉ thích hợp với đất ẩm và thời tiết khô ráo. Như trong năm này, trời nắng dài ngày nên cây me đất cũng nhiều hơn. Chỉ những bụi me được người đời biết đến, bằng cách hái đem về nhà nấu canh hay mang ra chợ bán mới thật sự có một đời sống có ý nghĩa vì ít ra nó cũng giúp ích cho đời, khẳng định sự hiện diện của mình trên trái đất này.

Me đất bởi mang thân phận loài cây dại nên không có giá trị cao về mặt tiền bạc. Có lần vào đình Phú Xuân ở Tây Lộc, thấy sau đình cơ man nào là me, chúng mọc thật tươi tốt, bò lan cả mặt đất. Đã thấy mấy bà sau khi vào cúng đình xong ra hái me về nấu canh, trông bà nào cũng tíu tít như gặp được điều gì thật may mắn. Ở nông thôn nhiều người đi tìm hái cây me chủ yếu ngoài ruộng hoặc ở những bãi đất hoang, xong đem về bó lại rồi mang ra chợ bán. Cả rổ me to cũng chỉ vài chục ngàn đồng nhưng chứa đầy sự cần mẫn, hy vọng của người mưu sinh. Với họ, những gì đã làm được vô cùng quý giá khi chúng lại tái sinh ra tiền để mua thứ khác giúp ích cho đời sống hơn.

Ngày trước ở Huế, nơi mà người ta hay đến hái me đất là trong Đại Nội hoặc những vùng đất trên thượng thành. Bây giờ đất trống trở nên hiếm đi, cây me cũng ít có điều kiện để sinh sôi nảy nở. Me có đời sống riêng thật phong phú, thật kỳ lạ khi chỉ cần có chút đất là me bám rễ sinh trưởng ngay. Chẳng lấy gì làm lạ khi thấy cây me đất mọc chen trên mấy chậu hoa hồng, hoa mai trước sân nhà. Màu xanh của chúng hòa trong những màu xanh khác nên ít ai chú ý. Chỉ có những người đi hái me mới tìm ra cây me đất giữa bạt ngàn cây cỏ. Những bó me đất được mang ra chợ để những bà nội trợ đem chúng về hiện diện trên bàn ăn. Thật lý thú khi từ bao giờ, người ta đã biết kết hợp me với một loại thức ăn nào đó. Như cá cơm hay khuyết mà không nấu với me thì không thể nào ngon được. Cứ như một công thức có sẵn, hễ mùa nào có cá cơm hay con khuyết thì chợ xuất hiện cây me đất ngay. Đúng là mùa nào thức nấy. Đặc biệt các bà nội trợ đi chợ còn bày cho nhau cách chế biến những món ăn mới như canh hến nấu me hoặc me nấu với thịt bò... Họ tấm tắc là ngon nhức răng. Nghe thế, ai cũng muốn làm thử để biết hương vị đó như thế nào.

Bát canh cá cơm nấu trong mùa đông khiến ai nấy đều háo hức. Mùi lá me ngào ngạt, mùi cá cơm thoang thoảng. Đôi lúc chỉ là những món ăn rẻ tiền nhưng được chế biến công kỹ, đúng vị lại bằng cả tấm lòng thì chắc hẳn là ngon không gì sánh được.

Võ Ngọc Lan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top