ClockChủ Nhật, 31/03/2019 08:03
BẢO VỆ CẢNH QUAN VĂN HÓA LĂNG VUA GIA LONG:

Bắt đầu bằng việc đánh thức câu chuyện đồng áng...

TTH - Để làm được điều đó không còn cách nào khác là gọi nông dân xung quanh khu vực Lăng vua Gia Long trở lại ruộng đồng. Và sự trở lại ấy không nhằm mục đích lấy việc sản xuất lúa gạo làm nguồn thu nhập chính cho người dân, mà là để phát triển du lịch sinh thái. Đó là ý tưởng của dự án thí điểm “Du lịch nghiên cứu sinh thái” sẽ được triển khai tại lăng vua Gia Long.

Qua cầu khỉ

Đánh thức nguồn nước

“Du lịch nghiên cứu sinh thái” tại lăng vua Gia Long lần đầu tiên được KTS. Kawahara Susumu công bố rộng rãi vào tháng 3/2018, trong khuôn khổ hội thảo quốc tế quản lý và sử dụng bền vững cảnh quan văn hóa, hệ thống sinh thái - lịch sử tại các lăng tẩm hoàng gia triều Nguyễn và khu vực thượng nguồn sông Hương, được tổ chức tại TP. Huế. Từ đó đến nay, dự án tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung để có thể đưa ra một sản phẩm du lịch hoàn thiện.

Nghiên cứu cảnh quan văn hóa, hệ thống sinh thái - lịch sử tại các lăng tẩm hoàng gia triều Nguyễn và khu vực thượng nguồn sông Hương, các chuyên gia Nhật Bản đã nhận ra nguyên tắc phong thủy quan trọng ở các lăng tẩm hoàng gia vùng thượng nguồn. Ở đó, hệ thống nước được xây dựng như một hệ thống quản lý môi trường để thích nghi với khí hậu gió mùa. Các làng mạc và cánh đồng lúa ở khu vực này đã tồn tại nguyên thủy. Con người tham gia vào thiên nhiên thông qua quy trình lấy nước, thoát nước và sau là quản lý môi trường. Các con sông và hệ thống thủy đạo ở các lăng mộ hoàng gia hỗ trợ rất lớn cho người dân sản xuất nông nghiệp ở những ngôi làng lân cận.

Tuy nhiên, đến nay tình hình dân cư phát triển nhanh ở các khu vực lăng tẩm hoàng gia đã ảnh hưởng trực tiếp đến các di tích. Hệ thống nước không được thường xuyên bảo quản, lại thêm sự tác động từ bên ngoài nên người dân gặp khó khăn trong việc duy trì lượng nước cần thiết cho các cánh đồng. Người dân dần từ bỏ việc trồng lúa, thay thế bằng việc trồng cây công nghiệp ngắn ngày. Cây công nghiệp ngắn ngày như keo, tràm… có thể nhanh đem lại nguồn lợi kinh tế cho người dân, nhưng lại tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái vùng đệm và hệ thống nước nguyên thủy.

Đây chính là lý do KTS. Kawahara Susumu (Đại học Waseda, Nhật Bản) đề xuất dự án “Du lịch nghiên cứu sinh thái” tại lăng vua Gia Long, trong đó người dân được khuyến khích quay trở lại với ruộng đồng, trồng lúa nhằm đánh thức hệ thống dẫn, thoát nước đã từng được xây dựng để hỗ trợ nông nghiệp trong quá khứ. Theo KTS. Kawahara Susumu, lăng mộ hoàng gia tại Huế có sự chia sẻ đặc biệt về môi trường với cuộc sống của người dân. Vậy nên, để gìn giữ những di sản ấy tốt thì phải bảo vệ môi trường và truyền lại cho thế hệ sau bằng mối liên hệ với cuộc sống.

Mẹ con nhà gà cũng... làm du lịch

Làm du lịch sinh thái

Ngay khi dự án “Du lịch nghiên cứu sinh thái” ở lăng Gia Long được lên ý tưởng, các nhà hoạch định đã kêu gọi sự vào cuộc tham gia của người dân làng Định Môn (xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà), đồng thời xác định người dân chính là chủ thể. Mục tiêu của dự án nhằm giúp chủ thể tại địa phương bảo vệ, sử dụng và quản lý bền vững các tài nguyên của cảnh quan văn hóa tại khu vực các lăng tẩm hoàng gia triều Nguyễn gắn liền với khu vực thượng nguồn sông Hương, khuyến khích cộng đồng làm dịch vụ du lịch, tạo sinh kế cho người dân.

Qua 3 đợt thử nghiệm, “Du lịch nghiên cứu sinh thái” ở lăng Gia Long đã thăm dò và lấy ý kiến bổ sung cho dự án từ nhiều đối tượng khác nhau và nhận được sự ủng hộ tích cực, từ người dân, chính quyền địa phương, hướng dẫn viên, dòng khách nói tiếng Nhật, dòng khách nói tiếng Anh, đến các đơn vị lữ hành…Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và các đối tác Nhật Bản đang hoàn thiện việc lấy ý kiến góp ý các ban, ngành để hoàn thiện và đăng ký nguồn tài trợ hỗ trợ cho người dân địa phương khai thác hoạt động du lịch này trong thời gian tới.

Hành trình ngược lên thượng nguồn sông Hương, du khách của “Du lịch nghiên cứu sinh thái” được chính hướng dẫn viên là người bản địa kể những câu chuyện về cuộc sống người làng, thưởng thức những món ăn theo phong tục tập quán địa phương và thăm thú cảnh quan thiên nhiên ở khu vực đệm trước khi vào trung tâm di sản. Ông Nguyễn Hữu Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế lạc quan: Có điểm mới là vừa tham quan di tích lịch sử, vừa trải nghiệm cùng cuộc sống sinh động của người dân bản địa, chắc chắn dự án du lịch này sẽ hấp dẫn cả nguồn khách châu Âu và châu Á.

Ông Hồ Ngọc Ẩn, trưởng thôn Định Môn năng động thuộc thế hệ 8x, cũng hào hứng với dự án du lịch này. Ẩn sẵn sàng chuyển nghề, ủng hộ dự án và chung tay làm những việc có ích để bảo vệ khu vực cảnh quan di sản. “Định Môn có 150 hộ dân. Lúc đầu vận động người dân tham gia thảo luận về dự án cũng khó khăn lắm, nhưng nay đã có đến 80% người dân đón nhận tích cực và ủng hộ. Các chuyên gia Nhật Bản đã dành nhiều năm để nghiên cứu hệ thống nguồn nước ở khu vực này và chúng tôi nhận thấy được thiện chí của họ mong muốn hỗ trợ việc bảo tồn di sản. Chúng tôi mong muốn dự án sớm được triển khai thực tế để người dân thêm cơ hội việc làm và đỡ vất vả hơn”, trưởng thôn Ẩn nói.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phục hồi, cân bằng sinh thái trên sông, đầm phá

Thả con giống để tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản trên sông, đầm phá là hoạt động thiết thực được duy trì hàng năm nhằm góp phần phục hồi, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.

Phục hồi, cân bằng sinh thái trên sông, đầm phá
Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái

Với mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, khoảng 40-50% địa phương trong cả nước có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới, nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn.

Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái
Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024

Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) vừa dự báo một năm phá vỡ kỷ lục đối với lĩnh vực du lịch và lữ hành trong năm 2024, với mức đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 11,1 nghìn tỷ USD.

Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024
Return to top