ClockThứ Sáu, 11/03/2016 17:54

Bắt đầu “mùa” ly hương

TTH.VN - Hết tháng Giêng, nhiều thanh niên trong độ tuổi lao động ở Vinh Xuân (Phú Vang) lũ lượt kéo nhau mưu sinh nơi xứ người. Làng biển trở nên vắng lặng, những con đường bê tông trải dài hun hút cũng thưa bóng người qua lại.

Biển vắng

Mấy hôm nay trời thuận, gia đình ông Võ Văn Lúc (57 tuổi, thôn Xuân Thiên Hạ) tranh thủ sửa lại chiếc thuyền nhỏ cùng ngư lưới cụ chuẩn bị cho chuyến đánh bắt gần bờ. Có mặt tại bãi biển Vinh Xuân, chúng tôi quả thực bất ngờ bởi trên bãi cát dài chỉ lưa thưa dăm bảy chiếc thuyền và độc chiếc thuyền gia đình ông Lúc có sẵn ngư lưới cụ.

Mùa cá, mùa mực đã bắt đầu, thế nhưng, những chiếc thuyền nhỏ vẫn “im bặt” trên bãi cát trắng. Trò chuyện, ông Lúc thở dài: “Thời buổi ni có ai đi biển nữa mô chú, nghề biển cực nhọc, bà con bán thuyền, bán máy hết. Lúc trước, thuyền đánh bắt gần bờ còn trang bị máy D24 nhưng nay thu nhỏ thuyền máy thành thuyền chèo, đánh bắt độ 1 cây số mà lui thôi. Vì thế, toàn xã còn vài chiếc thuyền nhưng chẳng ai trang bị máy”.

Tuy là địa phương ven biển nhưng số lượng thuyền đánh bắt ở Vinh Xuân rất ít

Chỉ tay về phía đứa con đang kéo lưới rùng vào thuyền, ông Lúc bảo, những đứa học sinh như nó, nhà nào có hoàn cảnh khó khăn thường cho nghỉ học đi làm ăn xa, người vào Nam, kẻ ra Bắc để mưu sinh khiến cho làng xóm trở nên hiu quạnh, lớp trẻ vì thế chẳng ai theo nghề biển. Những người có kinh nghiệm đi biển đa số đã già, thế hệ sau thấy cực nên chẳng tiếp nối, ra biển còn bị say sóng nói gì đến đánh bắt cá. Hỏi lý do vì sao như thế? ông Lúc phân trần: “Học ra trường không có việc làm, trong khi đi các tỉnh thành khác làm nghề thu nhập lại cao hơn. Vì thế, ở Vinh Xuân, nhiều thanh niên bỏ xứ mưu sinh”.

Nỗi trầm tư của lão ngư Võ Văn Lập (78 tuổi, thôn Xuân Thiên Hạ) khiến cho ai cũng phải chạnh lòng. Ông lấy nghề đi biển làm kế sinh nhai, nuôi sống cả gia đình từ bao đời. Thế hệ của ông đánh bắt cá, tôm nhờ kinh nghiệm và niềm đam mê. Nay, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ bà con vươn khơi bám biển, dù ông thấy vui nhưng lòng vẫn mang một nỗi buồn khó tả. “Ở các xã khác như Vinh Thanh, Phú Thuận, bà con ngư dân được Nhà nước hỗ trợ để làm nghề. Nhưng ở Vinh Xuân, dù Nhà nước hỗ trợ vốn, xăng dầu nhưng chẳng ai dám nhận. Đánh bắt phải có tổ, đội liên kết, hỗ trợ nhau. Bây giờ, không nhiều người làm thì ai dám nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước. Trước đây, ở Vinh Xuân, các thôn như: Khánh Mỹ, Xuân Thiên Thượng, Xuân Thiên Hạ có nhiều bà con đi biển nhưng nay bỏ hết rồi”, ông Lập trăn trở.

Nhớ về nguồn cội

Rời biển Vinh Xuân, chúng tôi dạo quanh một vòng khắp các con đường liên thôn, liên xã. Đập vào mắt, các con đường trải dài được bê tông hóa đến khắp các ngõ hẻm. Thế nhưng, hai bên những con hẻm phẳng phiu đó, nhiều ngôi nhà chốt cửa then cài, cảm giác hiu quạnh lạ thường. “Mấy bữa Tết ở làng đông đúc lắm. Thanh niên khắp nơi đổ về ăn Tết. Bây giờ, thanh niên đi làm ăn xa hết rồi”, một người dân ở làng Xuân Thiên Thượng mở lời sau khi nghe chúng tôi thắc mắc.

Nhiều lao động ở Vinh Xuân mưu sinh ở xứ người bằng nghề mộc

Theo thống kê của UBND xã Vinh Xuân, toàn xã trong độ tuổi lạo động khoảng 4.500 người. Trong đó, lao động ở độ tuổi thanh niên khoảng 1.100 người chủ yếu ở các ngành nghề như, may, thợ mộc và xây dựng. “Ở Vinh Xuân, thanh niên đi làm ăn xa trong độ tuổi lao động chiếm 70-75%. Thanh niên nếu không theo con đường học hành đa số rời làng mưu sinh ở các tỉnh, thành bằng các nghề như, mộc, xây dựng, may mặc.

Đối với nguồn lao động tại địa phương nói thiếu cũng đúng, nói đủ cũng không sai. Địa phương sản xuất nông nghiệp là chính với diện tích lúa vào khoảng 204ha, nuôi trồng thủy hải sản 102ha. Lao động nông nghiệp chủ yếu 40 tuổi trở lên. Tuy ở đây các ngành nghề như thợ nề, thợ mộc công mỗi ngày khoảng 300.000 đồng nhưng thanh niên vẫn đi làm ăn ở các nơi khác”, Ông Nguyễn Đồng, Chủ tịch UBND xã Vinh Xuân cho biết.

Giải thích về việc tuy là xã ven biển nhưng lao động theo nghề biển chỉ đếm trên đầu ngón tay, ông Đồng nói gọn: “Vinh Xuân là xã ven biển nhưng không có truyền thống đi biển, không có truyền thống cha truyền con nối như các địa phương ven biển khác”.

Mặc dù ly hương, nhưng những thanh niên, người lao động ở Vinh Xuân luôn hướng về nguồn cội. Các con đường được bê tông hóa, những công trình văn hóa, đường dây, bóng đèn điện đều có sự đóng góp của những con người nơi đất khách quê người.

“Người dân Vinh Xuân đi làm ăn xa mỗi năm về 3 lần chính là ngày tảo mộ, mùng 5/5 (AL) và dịp Tết. Bên cạnh đó, mỗi lần làng, xã có lễ hội lớn, hay dòng tộc có sự kiện quan trọng thì bà con khắp nơi dù bận công việc gì cũng trở về quê để tham gia. Những lúc như thế xóm làng đông đủ. Các công trình phúc lợi như: Nhà văn hóa, công trình điện đường ở tất cả các thôn đều được các thanh niên làm ăn xã đóng góp”, ông Đồng chia sẻ.

Lê Thọ

 

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát huy thế mạnh đầm phá, ven biển, nâng cao đời sống người dân

Chiều 29/5, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đã có buổi làm việc với Đảng ủy xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang về tình hình triển khai và tổ chức thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, công tác giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Phát huy thế mạnh đầm phá, ven biển, nâng cao đời sống người dân
Trao tặng 200 suất quà tổng trị giá 80 triệu đồng

Chiều 11/10, tại Trường THPT Xinh Xuân, xã Vinh Xuân (Phú Vang), Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam tổ chức trao tặng 200 suất quà, mỗi suất trị giá 400 nghìn đồng (bằng nhu yếu phẩm) cho 200 hộ gia đình trên địa bàn xã, có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi cơn bão số 4. Đến dự có ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy.

Trao tặng 200 suất quà tổng trị giá 80 triệu đồng
Sau cơn bão

Gió tinh khôi từ dòng Hương thoảng lên, khiến vòm lá khẽ lao xao ngày mới.

Sau cơn bão
Return to top