ClockThứ Năm, 25/01/2018 14:01
ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG Ở HƯƠNG THỦY:

Bắt đầu từ kiến tạo lòng tin

TTH - Thị xã Hương Thủy đang thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ). Khó khăn lớn nhất là người dân vẫn chưa toàn tâm tin tưởng tiềm năng giảm nghèo qua kênh này.

Đẩy mạnh xuất khẩu lao động ở Phong ĐiềnPhong Điền: Tổ chức Ngày hội việc làm – xuất khẩu lao động lần II, năm 2017Không tăng học phí, khuyến khích xuất khẩu lao độngDự báo thị trường xuất khẩu lao động

Tư vấn xuất khẩu lao động cho người dân

Năm 2010, gia đình tôi là một ví dụ cụ thể về việc người dân nghèo không dám mạo hiểm chấp nhận nợ nần để một thành viên trong gia đình tham gia XKLĐ. Thời điểm đó, “cơn dư địa chấn” từ việc 39 hộ dân xã Thủy Phù vay vốn ngân hàng chính sách, làm thủ tục XKLĐ vào thị trường Czech nhưng không thành vẫn còn “rung” rất mạnh. Chúng tôi không muốn như họ. Không vốn, lại không có niềm tin, chị em chúng tôi không ai dám vay nợ và mạo hiểm đem thằng út “bỏ chợ” XKLĐ. Cuối cùng, cậu út phải đi tỉnh khác tìm cơ hội việc làm như ý muốn. Cho đến bây giờ, mặc dù có nhu cầu XKLĐ rất cao nhưng trong suy nghĩ của nhiều người dân Thuỷ Phù, sự cố về việc XKLĐ sang CH Czech không thành, khiến các hộ dân vướng vào nợ nần vẫn hiển hiện. Gần 900 triệu đồng do các gia đình vay để làm thủ tục nay còn treo lơ lửng.

Theo bà Ngô Thị Ngọc, Chủ tịch UBND xã Thuỷ Phù, tuy người dân có nhu cầu cao về XKLĐ nhưng rất ít trong số đó chủ động kết nối với chính quyền địa phương để tìm hiểu. Họ thường tìm đến những gia đình có người đã và đang XKLĐ hiệu quả trong xã để tìm hiểu về đường đi nước bước. “Chúng tôi tích cực tuyên truyền để bà con hiểu những chính sách của Nhà nước về XKLĐ và những đơn hàng tiềm năng mà các cơ quan chức năng giới thiệu. Chúng tôi cũng nhấn mạnh, chỉ những trường hợp gặp rủi ro khi XKLĐ theo đơn hàng do chính quyền kết nối thì Nhà nước mới có thể hỗ trợ kịp thời được, nên bà con nên mạnh dạn chọn lựa những đơn hàng đã được các cơ quan Nhà nước giới thiệu. Để cải thiện niềm tin của người dân về hoạt động XKLĐ, chúng tôi kiến nghị các cấp tạo điều kiện xoá nợ cho những trường hợp trước đây đã vay để làm thủ tục đi Czech nhưng không thành”, bà Ngọc nói.  

Nhiều năm qua, Thị uỷ Hương Thủy luôn coi trọng chỉ đạo nhiệm vụ giải quyết việc làm và XKLĐ, tạo cơ hội giảm nghèo bền vững cho người dân. Năm 2014, thị xã đẩy mạnh “thêm một bước” công tác XKLĐ bằng cách tìm các đơn hàng từ những thị trường an toàn, giàu tiềm năng, đồng thời huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trong hệ thống chính trị cơ sở, đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố trở lên được nâng cao nhận thức về các chủ trương, chính sách XKLĐ và tiềm năng thoát nghèo thông qua kênh này. Họ được xác định là một “mắt xích” quan trọng, là cầu nối nói cho dân nghe và nghe dân nói những băn khoăn, lo lắng khi có nhu cầu muốn tiếp cận các đơn hàng XKLĐ.

Hoạt động XKLĐ ở thị xã Hương Thủy đang ngày càng có dấu hiệu khởi sắc. Năm 2016, trong số 1.840 lao động được giải quyết việc làm, có 118 lao động xuất khẩu. Năm 2017, Hương Thủy tiếp tục xuất khẩu được 226 lao động vào các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaisia, Angola, Hà Lan và Lào. Đáng mừng là trong số này, số lao động được xuất khẩu vào thị trường Nhật và Hàn ngày càng cao. Đây là những thị trường tiềm năng và phù hợp với thị hiếu của người dân.

Theo ông Nguyễn Thanh Minh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy, khó khăn lớn nhất của địa phương hiện nay là củng cố niềm tin và có được sự đồng thuận từ trong Nhân dân về tiềm năng giảm nghèo từ xuất khẩu lao động. Để có được sự đồng thuận ấy, thị xã Hương Thủy đã đề xuất Ngân hàng Chính sách Trung ương tạo điều kiện xoá nợ cho những hộ dân bị vướng nợ do “bể” đơn hàng đi Czech cách đây 10 năm. Đồng thời, huyện có chính sách cho mỗi trường hợp làm thủ tục đi XKLĐ được vay 50 triệu đồng làm vốn. Để người dân có sự lựa chọn tốt, địa phương cũng tích cực kết nối với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tìm kiếm với những đơn hàng an toàn để giới thiệu với người dân. Mặt khác, thêm động lực cho cán bộ cơ sở, cho người dân bằng cách tạo điều kiện để họ tiếp cận những tấm gương “người thật, việc thật” về XKLĐ có hiệu quả trong và ngoài địa phương.

“Thị xã Hương Thủy đang có nguồn vốn hỗ trợ cho người dân, có đơn hàng tiềm năng để người dân chọn lựa và có cả người tư vấn, hỗ trợ cho bà con. Để thu hút sự quan tâm của người dân, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tuyển dụng thường xuyên tổ chức các đợt tư vấn, giới thiệu XKLĐ, đồng thời nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, ông Nguyễn Thanh Minh nhấn mạnh.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng môi trường lao động an toàn

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lao động, sản xuất được doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn chủ động thực hiện nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro gây ra.

Xây dựng môi trường lao động an toàn
Giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm bền vững

Đó là chủ đề hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 15/3 do UBND tỉnh phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động Thương binh và xã hội, cùng các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp... liên quan trên địa bàn tổ chức.

Giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm bền vững
Return to top