ClockThứ Hai, 31/07/2017 08:19

Bắt đầu từ văn hóa giao thông

TTH - Đề xuất xây dựng TP. Huế không có tiếng còi xe đưa ra đã nhận được sự quan tâm từ dư luận trong thời gian qua.

Theo chúng tôi, nếu triển khai thành công sẽ góp phần hiệu quả trong xây dựng một thành phố “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”; đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đang diễn ra phức tạp trong nội đô hiện nay.

Ở một số quốc gia trên thế giới cũng đã tồn tại nhiều thành phố không có tiếng còi như thị trấn Nordic tại Giethoorn (Hà Lan) người dân thường đi lại bằng thuyền; hay TP. Vauban nằm ở phía nam nước Đức được xây dựng trên mô hình thành phố tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Các công trình đều sử dụng năng lượng mặt trời. Phương tiện giao thông chủ yếu là đi bộ hoặc xe đạp. Đặc biệt mới đây, Chính phủ Nepal quyết định cấm sử dụng còi trong lúc tham gia giao thông, nhất là lúc kẹt đường; ngoại trừ một số trường hợp khẩn cấp như cứu thương, cứu hỏa hoặc xe cảnh sát ở thủ đô Kathmandu, nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm tiếng ồn nơi đây…

Tại TP. Huế, quy định về cấm sử dụng còi hơi trong thành phố hay hạn chế xe tải trọng lớn vào thành phố giờ cao điểm đã được áp dụng từ lâu. Luật Giao thông đường bộ cũng nghiêm cấm sử dụng còi từ 22 giờ đêm đến 5 giờ sáng trong đô thị và khu đông dân cư. Điều này cho thấy, tiếng còi xe là 2 mặt của vấn đề. Bên cạnh sự hỗ trợ giúp người điều khiển phương tiện cảnh báo người và các phương tiện di chuyển chậm ở phía trước nhường đường để tiếp tục lưu thông, thì tiếng còi cũng gây phiền toái đối với môi trường chung. Đã có trường hợp tiếng còi ô tô làm người điều khiển xe đạp, xe máy giật mình chếnh choáng bị tai nạn. Người điều khiển phương tiện bình thường trên đường cũng không ít lần bực mình vì phải nhường đường cho một phương tiện rất vu vơ, bởi tiếng còi cứ inh ỏi đằng sau, trong lúc tại vị trí nhường đường không đảm bảo an toàn… Chung quy, việc người điều khiển phương tiện phải sử dụng còi đa phần xuất phát từ việc phóng nhanh vượt ẩu, muốn “qua mặt” người khác trên đường. Từ đây đã kéo theo nhiều hệ lụy. Tôi đã rất bất bình chứng kiến hai thanh niên điều khiển xe máy bóp còi inh ỏi phóng như bay vào cửa Quảng Đức, suýt tông phải đoàn du khách đang băng qua đường, lại còn dừng lại chửi bới du khách. Chủ nhân của một thành phố du lịch mà thái độ như thế thì thật đáng buồn...

Có 2 phương pháp để xây dựng thành phố không có tiếng còi. Một là, cấm toàn bộ phương tiện cơ giới vào thành phố, chỉ sử dụng xe đạp, bộ hành; hai là, quy định người điều khiển phương tiện không sử dụng còi. Từ thực tế xem ra, phương pháp thứ hai khả thi hơn. Để đạt được, đòi hỏi một sự nỗ lực rất lớn từ chính quyền và sự đồng thuận của người dân. Ngoài sự tuyên truyền, vận động và chế tài, hạ tầng giao thông cũng phải đảm bảo; có vỉa hè cho người đi bộ, có biển báo giới hạn tốc độ, có làn đường dành riêng cho mỗi loại phương tiện; để “đường ai nấy đi” thì sẽ hạn chế đáng kể việc sử dụng còi của các phương tiện; từ đó, từng bước hình thành thói quen không sử dụng còi khi điều khiển phương tiện trong thành phố, mang lại lợi ích thiết thực như đã phân tích.

Đặng Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầu tư gần 152 tỷ đồng xây dựng tuyến đường đô thị mới La Sơn

Sáng 6/4, lãnh đạo huyện Phú Lộc thông tin, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, huyện Phú Lộc đang triển khai xây dựng dự án (DA) tuyến đường đô thị mới La Sơn (Lộc Sơn) với kinh phí gần 152 tỷ đồng. DA giao trách nhiệm cho BQL Đầu tư Xây dựng khu vực huyện Phú Lộc làm chủ đầu tư.

Đầu tư gần 152 tỷ đồng xây dựng tuyến đường đô thị mới La Sơn
Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa

Phương hướng phát triển lĩnh vực văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa của Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt chỉ rõ: Xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc văn hoá Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu về văn hoá, lịch sử, con người Huế.

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa

TIN MỚI

Return to top