ClockThứ Hai, 16/01/2023 15:31

Bất động sản “đóng băng”, doanh nghiệp xây dựng gặp khó

TTH - Thời gian qua cứ ngỡ đại dịch COVID-19 lắng xuống sẽ “đánh thức” ngành xây dựng có những tăng tốc so với trước. Thế nhưng thị trường bất động sản (BĐS) “đóng băng”; tín dụng ngân hàng thắt chặt; giá nguyên, vật liệu đầu vào biến động... khiến cho các doanh nghiệp (DN), nhà thầu xây dựng trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.

Lành mạnh hóa & phát triển bền vững thị trường bất động sảnLoại hình nhà đất nào đáng để đầu tư hiện nay?Hội Bất động sản Huế thu hút trên 200 hội viên

"Bão giá" vật liệu nhiều dự án, công trình xây dựng trên địa bàn triển khai cầm chừng

"Bão giá" chưa qua, "băng giá" BĐS xuất hiện

Thông thường giá dự báo xây dựng một công trình chi phí nguyên vật liệu chiếm khoảng 65-70%. Từ cuối năm 2021 đến nay, việc tăng giá vật liệu xây dựng đã ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu tư, hiệu quả của nhiều công trình, dự án, bào mòn lợi nhuận, đẩy DN vào tình thế rất khó khăn. Khi "bão giá" chưa qua thì BĐS "đóng băng", khiến các DN khó càng chồng khó.

Phần lớn các DN ngành xây dựng trên địa bàn tỉnh vốn nhỏ, hoạt động dựa trên vốn tạm ứng một phần của chủ đầu tư, sau là vốn vay ngân hàng, làm xong 1-2 tháng mới được quyết toán. Tuy nhiên, vừa qua tín dụng cho DN xây dựng bị hạn chế và mặt bằng lãi suất tăng dần nên nhiều DN rơi vào tình trạng thấp thỏm. Bên cạnh đó, nhu cầu xây các công trình hạ tầng, nhà cửa thời gian qua, nhất nhà ở của người dân cũng giảm so với những năm trước do chi phí "đội" lên, thậm chí có nhiều trường hợp chủ động hoãn việc xây nhà, chờ tình hình tài chính đảm bảo mới triển khai...

Anh Thái Quang Hiếu, Công ty HTA, chuyên tư vấn thiết kế xây dựng và trang trí nội thất ở TP. Huế chia sẻ, chưa có năm nào thị trường xây dựng ảm đạm như năm 2022. Hầu hết các công trình mà DN đã, đang làm trong năm nay là chuyển tiếp từ năm ngoái hoặc ký hợp đồng từ đầu năm. Càng về những tháng cuối năm, việc ký kết các hợp đồng xây dựng mới hầu như về không.

Công ty CP Quản lý đường bộ và Xây dựng công trình Thừa Thiên Huế là một trong những đơn vị xây dựng lớn của địa phương. Trước thời điểm chưa ảnh hưởng đại dịch COVID-19, DN này hàng năm đều đạt doanh thu vào tốp ngàn tỷ đồng. Thời gian gần đây, do "thấm mệt" của đại dịch, gặp "bão giá" nguyên, vật liệu, cùng với thị trường BĐS đóng băng... khiến đơn vị ảnh hưởng theo. Ông Trần Văn Hậu, Phó Giám đốc công ty này thông tin, sự suy giảm của thị trường BĐS nói chung và những khó khăn từ các đối tác cũng làm cho các kế hoạch hoạt động của đơn vị không đạt như mong muốn. Suốt thời gian dài, giá cả nguyên, vật liệu cho việc thi công liên tục tăng cao đã nâng giá thi công các công trình lên đáng kể.

Không chỉ các đơn vị, nhà thầu thi công mà đại lý, DN cung cấp vật liệu cũng trong tình trạng khan hiếm đơn hàng. Chủ một DN chuyên cung ứng vật liệu xây dựng tại TP. Huế chia sẻ, đây là giai đoạn doanh thu về cung ứng vật liệu suy giảm. Nguyên nhân là các dự án BĐS trên địa bàn tỉnh lâm vào tình trạng khó khăn chung và nhu cầu thị trường chững lại. Việc bán lẻ của DN tại các đại lý cũng như bán sỉ cho các dự án vì thế không mấy khả quan.

Cần các giải pháp tháo gỡ

Theo các chuyên gia, hiện nay thị trường BĐS đang trong giai đoạn "đóng băng", các công trình, dự án hạ tầng, nhất là dự án, công trình có quy mô lớn gặp khó khăn về tiến độ bởi các nguyên nhân khác nhau kéo theo số lượng lớn các DN, nhà thầu xây dựng bị ảnh hưởng, thậm chí thua lỗ.

Khác với các ngành nghề khác, xây dựng có số lượng lớn nhân lực làm theo thời vụ nên khi các DN gặp khó khăn tất yếu số lao động này bị ảnh hưởng theo.

BĐS là ngành đang đóng góp 11% GDP, có quan hệ hữu cơ với nhiều ngành nghề, tạo ra nhiều việc làm. Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường này gặp nhiều khó khăn, giao dịch giảm mạnh, nhiều công trình, DA đình trệ do "đói" vốn từ đầu năm. Một trong những nguyên nhân chính là tắc nghẽn dòng vốn. Điều này khiến cho nhiều DN trong ngành xây dựng đã tìm nhiều giải pháp để tồn tại. Trong số đó đã tận dụng các chính sách về phục hồi, phát triển kinh tế là tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất, nới thêm "room" tín dụng...

Trong một động thái gỡ khó cho lĩnh vực này, ngày 17/11 mới đây, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1435/QĐ-TTg thành lập tổ công tác gồm các thành viên là lãnh đạo ban ngành liên quan, như  xây dựng, ngân hàng, tài chính... Tổ công tác sẽ rà soát, hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc trong triển khai dự án BĐS cho các địa phương ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác.

Với các DN đang đứng trước các khó khăn buộc phải điều tiết mọi hoạt động của mình. Theo ông Nguyễn Đăng Bảo, Giám đốc Công ty CP Xây dựng Giao thông Thừa Thiên Huế, lĩnh vực xây dựng giao thông đơn vị đang nỗ lực rà soát tính toán kỹ để duy trì hoạt động và giữ việc làm cho người lao động. Điều quan trọng đối với đơn vị ông hiện nay là hạn chế tối đa nợ đọng từ các dự án. "Khó khăn của các DN lĩnh vực xây dựng hiện nay thì không một đơn vị nào tránh khỏi. Điều may mắn là thời gian qua công ty đã lựa chọn hoạt động xây dựng độc lập, ít tham gia liên kết, làm thầu phụ cho các đơn vị lớn trong ngành BĐS và chọn chủ đầu tư có nguồn tài chính bảo đảm thanh toán nên đã cầm cự, vượt qua trong thời điểm sóng gió này" - ông Nguyễn Đăng Bảo chia sẻ.

Bài, ảnh: Song Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chương trình Phát triển các đô thị loại II: Nhiều gói thầu “gặp khó” mặt bằng

Nhiều hạng mục công trình thuộc các gói thầu của Dự án Chương trình Phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - DA thành phần Thừa Thiên Huế (gọi tắt DA đô thị xanh) bị “đứng hình” do bế tắc hoặc gặp khó trong công tác giải phòng mặt bằng (GPMB), dẫn đến công trình chậm tiến độ kéo dài.

Chương trình Phát triển các đô thị loại II Nhiều gói thầu “gặp khó” mặt bằng
Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo

Sáng 23/4, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Huế và huyện Phong Điền khởi công xây dựng “Nhà đại đoàn kết” cho các hộ khó khăn ở Phong Điền.

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo
Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ

Phong trào đọc sách, báo tại Trung đoàn 6, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được triển khai đa dạng, giúp cán bộ, chiến sĩ học tập, nghiên cứu, tích lũy nhiều kiến thức nhằm phục vụ hiệu quả trong công tác.

Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ
Hoãn đấu thầu vàng: Doanh nghiệp không mặn mà hay đang 'nghe ngóng'?

Do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu vàng vào 10h sáng nay (ngày 22/4); đồng thời, công bố sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào sáng mai, thứ Ba, 23/4.

Hoãn đấu thầu vàng Doanh nghiệp không mặn mà hay đang nghe ngóng

TIN MỚI

Return to top