Thế giới

Bất đồng vẫn chồng chất trong ngày cuối cùng của Hội nghị COP21

ClockThứ Bảy, 12/12/2015 15:55
TTH.VN - Mặc dù trải qua một đêm đàm phán, Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) chưa đi tới thỏa thuận cuối cùng.

Theo nhiều nhà quan sát, cản trở lớn trong việc đi đến một thỏa thuận cuối cùng vẫn là những vấn đề then chốt, trong đó có đóng góp tài chính giữa các nước và mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất.

Trong phiên họp kín kéo dài suốt đêm qua, nhiều nước như Trung Quốc và các quốc gia dầu mỏ vùng Vịnh đã tỏ ra rất cứng rắn. Theo Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, có ba chủ đề gây bất đồng lớn là việc chia sẻ nỗ lực giảm khí thải giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, đóng góp tài chính và mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ. 

bat dong van chong chat trong ngay cuoi cung cua hoi nghi cop21 hinh 0
Bất đồng vẫn chồng chất trong ngày cuối cùng của Hội nghị COP21. (ảnh: cop21paris.org).

Khoảng 100 quốc gia đòi hỏi giữ nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, đặc biệt là các đảo quốc, đang bị nạn nước biển dâng cao đe dọa. Tuy nhiên, mục tiêu này bị một số quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn như Saudi Arabia và Nga phản đối quyết liệt.

Thời hạn xem xét theo hướng gia tăng nỗ lực giảm khí thải, để thúc đẩy quá trình chuyển sang nền kinh tế “xanh” cũng bị đẩy đến năm 2025, là lịch trình được coi là quá chậm theo quan điểm của các tổ chức bảo vệ môi trường.

Về phương diện tài chính, Saudi Arabia và Iraq bác bỏ nguyên tắc đánh thuế carbon. Trong khi đó Mỹ, Liên minh châu Âu và Australia cho rằng, phần đóng góp của các nước phát triển là “quá lợi cho các nước đang phát triển”. Nhật Bản hay Thụy Sĩ lại không chấp nhận thỏa thuận đi quá xa về mặt này. Theo Thụy Sĩ, các nước phát triển không thể gánh “trách nhiệm lịch sử” một cách "vô giới hạn".

Có thể nói, với 3 đêm liên tiếp đàm phán không ngừng nghỉ, các nhà đàm phán của 195 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang đứng trước thử thách rất lớn cả về sức khỏe và sự kiên nhẫn để có thể đưa ra một thỏa thuận vào sáng 12/12 (theo giờ Pháp, tức trưa nay theo giờ Việt Nam). Tuy nhiên các bên vẫn hết sức lạc quan.

Chủ tịch hội nghị, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho rằng, chưa bao giờ có một thời điểm tốt hơn bây giờ để các bên đạt được một thỏa thuận đầy đam vọng về biến đổi khí hậu.

Điều cần thiết là chính phủ các quốc gia phải có trách nhiệm đưa ra cam kết của mình: “Đã có đủ tất cả các điều kiện để chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận toàn cầu và đầy tham vọng về chống biến đổi khí hậu. Các nhà quan sát cũng đồng ý với nhận định này của chúng tôi. Sẽ chẳng có cơ hội nào tốt hơn cơ hội tại Paris hiện nay. Trách nhiệm của chính phủ các nước là phải đưa ra lựa chọn cho tương lai của mình”.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu: “Chúng tôi đã có một cuộc họp mang tính xây dựng. Đã có nhiều tiến triển đạt được. Vẫn còn một số khó khăn cần được giải quyết. Tôi hy vọng vẫn có những giải pháp ở phía trước sẽ được định hình trong một vài giờ tới”.

Trưởng phái đoàn Trung Quốc tham gia hội nghị COP 21, ông Tạ Chấn Hoa cũng bày tỏ lạc quan về một thỏa thuận vào phút chót của hội nghị: “Trung Quốc sẽ thể hiện rõ sự linh hoạt và xây dựng của mình để đảm bảo các bên tham gia hội nghị có thể làm việc ăn ý với nhau. Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là đạt được thỏa thuận nhằm thuyết phục tất cả mọi người trên thế giới rằng, các cơ chế vẫn đang hoạt động tốt. Các bên nên thể hiện rõ quan điểm nhằm mang tới một thỏa thuận toàn diện, cân bằng, mạnh mẽ và đầy tham vọng. Thỏa thuận cuối cùng cần đáp ứng được đòi hỏi của các bên”.

Thỏa thuận khí hậu tại Paris lần này sẽ là một khuôn khổ chung cho hành động của các nước trong 15 đến 20 năm tới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, giúp tránh được các hậu quả khó lường do Trái Đất nóng lên./.

Hồng Nhung/VOV- Trung tâm Tin
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Châu Phi cần 277 tỷ USD/năm để thích ứng với khí hậu

Tham dự một hội nghị cấp cao về tài chính khí hậu, Chủ tịch nhóm Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) Akinwumi Adesina vừa lên tiếng kêu gọi hành động khẩn cấp khi biến đổi khí hậu tiếp tục tàn phá nhiều quốc gia châu Phi.

Châu Phi cần 277 tỷ USD năm để thích ứng với khí hậu
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO):
Người lao động thế giới ngày càng gặp rủi ro do biến đổi khí hậu

Hơn 70% lực lượng lao động toàn cầu phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng mỗi năm, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ngày 22/4 cho biết; đồng thời lưu ý, các chính phủ sẽ cần phải hành động khi những con số tăng lên.

Người lao động thế giới ngày càng gặp rủi ro do biến đổi khí hậu
175 quốc gia đàm phán về hiệp ước toàn cầu chống ô nhiễm nhựa

Các nhà đàm phán từ 175 quốc gia sẽ nhóm họp từ ngày 23 - 29/4 tại thủ đô Ottawa của Canada để đưa ra một hiệp ước toàn cầu mang tính ràng buộc nhằm chấm dứt vấn đề ô nhiễm nhựa, với nhiều điểm vướng mắc cần được giải quyết, 5 tháng sau khi vòng đàm phán gần đây nhất được tổ chức ở Kenya.

175 quốc gia đàm phán về hiệp ước toàn cầu chống ô nhiễm nhựa
“Stress nhiệt” gây hại cho sức khỏe ngày càng gia tăng ở châu Âu

Châu Âu đang ngày càng phải đối mặt với những đợt nắng nóng gay gắt đến mức cơ thể con người không thể chịu được, khi biến đổi khí hậu tiếp tục làm nền nhiệt toàn cầu tăng cao, cơ quan giám sát khí hậu Copernicus của EU và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết.

“Stress nhiệt” gây hại cho sức khỏe ngày càng gia tăng ở châu Âu
Return to top