ClockThứ Sáu, 05/07/2019 08:49

Bát nháo thị trường đầu thu kỹ thuật số

TTH.VN - 4 ngày sau khi Thừa Thiên Huế tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất (analog TV – ATV) cùng với 11 tỉnh miền Trung, thị trường đầu thu kỹ thuật số (KTS) “cháy” hàng do người dân đổ xô đi sắm đầu thu mới.

“Loạn” giá, khan hàng

Hầu hết các cửa hàng kinh doanh điện máy những ngày này đều nhộn nhịp khách mua sắm, lắp đặt đầu thu DVB-T2. Tại phố điện máy trên đường Phan Đăng Lưu, các chủ hàng cho biết, lượng khách đến đông gấp 4-5 lần những ngày bình thường.

Bác Ngân, người ở thị trấn Sịa ấm ức kể: “Hôm qua, không biết cậu con trai nghe ai giới thiệu nên đặt hàng qua mạng hai đầu thu KTS có giá 700 ngàn đồng (chưa kể ăn ten) và được nhân viên đến tận nhà lắp đặt, hướng dẫn sử dụng. Đến chiều, cả hai đầu thu trở chứng không sử dụng được, dò kênh không có. Khi gọi vào số điện thoại để lại cũng tò tí te, hỏi hàng xóm họ nói chắc mua nhầm đầu thu dỏm. Không biết làm răng nên hôm nay tôi phải lên Huế tìm mua 2 đầu thu mới có giá 500 ngàn đồng/cái kèm ăn ten trong nhà”.

Hướng dẫn khách hàng cách sử dụng đầu thu kỹ thuật số DVB-T2

Anh Nguyễn Văn Hà (Hương Xuân, Hương Trà) phàn nàn: “Gia đình tôi biết đến lộ trình cắt sóng thông qua hệ thống loa phát thanh tại phường, nhưng bận rộn chưa có thời gian, hôm nay mới tranh thủ đi mua đầu thu DVB-T2. Dù đã tìm hiểu kỹ sản phẩm nhưng giá thành đúng là mỗi nơi mỗi phách. Cùng một loại nhưng cửa hàng này bán 400 ngàn, nơi khác bán đến 500 ngàn/cái”.   

Tại cửa hàng điện máy B.L, khi được hỏi có bán những loại đầu thu nào, giá cả ra sao, chủ cửa hàng nói: “Vì bán lẻ nên lấy lung tung, đại lý có chi mình bán đó. Giá thì mấy cũng có. Họ bỏ cao thì bán cao, lấy thấp bán thấp. Hôm qua mình bán 550 ngàn đồng một đầu thu của VTC, hôm nay bán 500 ngàn đồng thôi”.

Chị này tiếc rẻ kể: “Lâu nay có nghe cắt sóng mà mãi không thấy cắt nên mình không dám trữ hàng, khách hàng cũng không để ý nên bây giờ họ đổ xô đi mua thì mình hụt hàng bán”.

Cách đó không xa, nhân viên cửa hàng điện máy Hồng Lợi cũng mướt mồ hôi hướng dẫn cho khách hàng cách dò kênh khi sử dụng đầu thu KTS. Anh Phong, nhân viên ở đây cho hay: “Hai hôm nay (3-4/7), doanh số bán lẻ tại các đại lý đã tăng đột biến. Hàng về mỗi ngày 500-700 cái nhưng chỉ trong vòng 1h các cửa hàng bán lẻ lấy hết sạch. Nhu cầu tăng cao nên có dấu hiệu khan hiếm hàng hóa. Hiện cửa hàng đặt 1.000 cái vẫn chưa có và tình trạng này khả năng còn kéo dài trong khoảng 10 ngày sau khi cắt sóng”, anh này nhận định.  

Ngoài bán lẻ, mỗi ngày, các cửa hàng kinh doanh điện máy lớn còn nhận hàng trăm đơn đặt hàng mua đầu thu. "Chủ yếu khách đặt hàng qua mạng, điện thoại, yêu cầu lắp đặt tại nhà nhưng vì hụt hàng nên số này phải chờ. Hiện các cửa hàng kinh doanh chính là đầu thu DVB –T2 chính hãng của VTC, VTV, VNPT... với giá 350-900 ngàn đồng một bộ đầu thu. Ở đây, khách phần lớn chọn phân khúc giá 400-500 ngàn đồng/đầu”, anh Phong nói.

Kể từ 24h ngày 30/6/2019, 10 tỉnh Trung Bộ (gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Ninh Thuận) đã ngừng phát sóng các kênh truyền hình tương tự từ trạm phát sóng chính. Hai tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam ngừng phát sóng kênh truyền hình tương tự mặt đất kênh VTV2.

Trước thời điểm tắt sóng analog, công tác thông tin tuyên truyền về số hóa truyền hình được các đơn vị liên quan (Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh và đài truyền thanh các huyện, thị xã; Sở TT&TT, các phòng văn hóa thông tin) tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức, trên các phương tiện truyền thông để các hộ dân đang thu xem truyền hình tương tự mặt đất tại các địa bàn liên quan nắm được thông tin và chủ động chuyển đổi.

Mua đầu thu hợp chuẩn, hợp quy

Sau khi ngắt sóng analog, hầu hết các cửa hàng điện máy đều có bán đầu thu DVB-T2

Hiện tại, với những người dân ở trong khu vực bị ảnh hưởng, để xem được truyền hình số qua tivi, người xem truyền hình có ba phương án: đăng ký dịch vụ truyền hình trả tiền, mua tivi tích hợp sẵn đầu thu DVB T2 hoặc mua đầu thu kỹ thuật số chuẩn DVB T2. Các đầu thu này có thể thu được 30-40 kênh truyền hình KTS mặt đất miễn phí.

Phó Trưởng phòng Viễn thông- Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), ông Võ Văn Khoái thông tin, do trên thị trường, nguồn thiết bị DVB-T2 hiện có nhiều nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu, giá cả và chất lượng khác nhau, người dùng không tìm hiểu kỹ có thể mua phải các loại đầu thu giả, kém chất lượng, ảnh hưởng đến việc thu sóng truyền hình DVB-T2.

Để đảm bảo chất lượng đầu thu tốt và an toàn trong việc thu tín hiệu, khách hàng nên mua đầu thu KTS mặt đất DVB-T2 có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm định kỹ thuật và thực hiện công bố hợp quy theo quy định của Bộ TT&TT và đủ điều kiện lưu thông tại thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, sở TT&TT cũng đã yêu cầu các phòng văn hóa thông tin tích cực tuyên truyền để người dân biết nên mua các đầu thu đã được chứng nhận hợp quy của Bộ TT&TT.  

Bài, ảnh: Liên Minh

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyện từ Sốnglab

“Tôi không cố gắng làm những điều khác biệt, chỉ làm điều bản thân nghĩ là đúng và nên làm, như khi khởi nghiệp với mô hình co-working space (mô hình chia sẻ không gian chung với nhiều doanh nghiệp khác nhau) tích hợp yếu tố văn hóa, nghệ thuật từ 8 năm trước. Và nay, là không gian nghệ thuật kỹ thuật số Sốnglab tại Huế” - nhà sáng lập Dương Đỗ chia sẻ.

Chuyện từ Sốnglab
ASEAN thúc đẩy niềm tin vào nền kinh tế kỹ thuật số

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang hướng tới phát triển một nền kinh tế kỹ thuật số mạnh mẽ, trị giá 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Tuy nhiên, những thách thức như sự khác biệt về kinh tế - xã hội và các cơ chế quản lý cần phải được giải quyết.

ASEAN thúc đẩy niềm tin vào nền kinh tế kỹ thuật số
Thái Lan: Nền kinh tế kỹ thuật số ghi nhận mức tăng trưởng 14%

Theo số liệu vừa được Cơ quan Xúc tiến Kinh tế Kỹ thuật số (DEPA) tại thủ đô Bangkok, Thái Lan công bố, nền kinh tế kỹ thuật số của quốc gia này đã chứng kiến mức tăng trưởng 14% vào năm 2022, đạt giá trị thị trường 2,6 nghìn tỷ baht.

Thái Lan Nền kinh tế kỹ thuật số ghi nhận mức tăng trưởng 14
Các bước tiếp theo của tiến trình hội nhập kinh tế kỹ thuật số của ASEAN

Vào ngày 3/9, các cuộc đàm phán về Hiệp định Khung kinh tế kỹ thuật số ASEAN (DEFA) đã được khởi động. Kế hoạch được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2021, thoả thuận này nhằm mục đích đặt nền móng cho nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực tăng gấp đôi giá trị từ 1.000 tỷ USD lên mức dự kiến là 2.000 tỷ USD.

Các bước tiếp theo của tiến trình hội nhập kinh tế kỹ thuật số của ASEAN

TIN MỚI

Return to top