ClockChủ Nhật, 05/04/2020 07:07

Báu vật giữa đại ngàn

TTH - Nói về già làng Quỳnh Hoàng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới Lê Thị Thêm cười gượng “Người như già Quỳnh Hoàng ở miệt núi bây giờ không còn ai”, tôi biết trong ánh mắt của bà ẩn chứa nhiều tiếc nuối.

Lưu giữ hơi thở đại ngàn

Âm thanh cồng chiêng, tiếng khèn bè khi làng bản ở A Lưới vào hội. Ảnh: L.THỌ

1. Chỉ vài tháng trước thôi, ông lụm khụm, bước từng bước yếu ớt lên bục để nhận vinh danh của Nhà nước, tôi đã có ý định ghé thăm ông để cùng chuyện trò về ngọn lửa của đại ngàn. Bây giờ, khi rẻo cao lắm thứ đổi thay, trong cái sự biến thiên ấy ông trở thành người cũ. Cũ trong suy nghĩ và cũ trên những trang giấy.

Ở chừng mực nào đó, núi vẫn có những hấp lực riêng, nhưng khi mà ánh sáng văn minh len lỏi vào từng bản làng thì có điều gì đó mất đi, trong tâm thức lẫn sự chờ đợi của nhiều người. Và những người như ông dần thưa bóng...

Nói về già Quỳnh Hoàng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới Lê Thị Thêm chỉ cười gượng, tôi biết trong ánh mắt của bà ẩn chứa nhiều tiếc nuối. Đằng sau câu nói “Người như già làng Quỳnh Hoàng ở miệt núi bây giờ không còn ai” có nhiều điều đáng suy nghĩ.

Dòng ký ức bên bếp lửa tàn nơi nhà sàn thôn Diên Mai, xã A Ngo gợi về ngày cũ, lúc chàng trai trẻ Quỳnh Hoàng rong chơi với núi rừng. Dấu chân tuổi trẻ in hằn trên từng khảm lá, làng bản. Đi và đến, cứ thế không có điểm dừng, vui say bên ché rượu cần với những làn điệu, âm thanh của núi. Ông hát cho đồng bào nghe, ông truyền dạy cho đồng bào thổi kèn, đánh trống. Có khi réo rắt như suối nguồn sâu thẳm, có khi vang vọng, loang cả vách núi. Tất cả đều là những thứ truyền thống, gắn chặt với những con người suốt đời gắn với núi rừng.

Ông Quỳnh Hoàng giới thiệu về cách thẩm âm của chiêng với tác giả

Chỉ hơn 5 năm trước thôi, ngay trong cuộc chuyện trò giữa tôi với ông, thứ âm thanh ấy được ông phô diễn cho người Tây phương thưởng thức. Những người xa lạ với ánh mắt tò mò, ngơ ngác rồi đắm chìm trong nhịp điệu của núi rừng. Họ không biết mô tả cảm giác ra sao, và chính tôi cũng không hiểu rõ những tiết tấu đã đi vào lịch sử người Tà Ôi, bao âm thanh của núi rừng mà ông bảo đó là những điều không thể thiếu trong đời sống con dân làng bản ngày trước.

“Quỳnh Hoàng là báu vật giữa đại ngàn”, nhiều người lẫn không ít trang báo ví von như thế nhưng riêng tôi xem ông như một dấu gạch nối của thế kỷ. Từ những cuộc rong chơi, người đàn ông đã sống qua tròn 1 thế kỷ để lại cho dân làng một di sản đồ sộ. Ngoài sử dụng thành thục các nhạc cụ của người đồng bào, ông còn chế tác, sử dụng và chỉnh âm cho hàng chục loại nhạc cụ của các dân tộc thiểu số ở mảnh đất Thừa Thiên Huế như, Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu... “Rất khó lý giải nhưng chỉ có già Quỳnh Hoàng mới có biệt tài như vậy. Đặc biệt đối với cồng chiêng, chỉ có Quỳnh Hoàng mới biết cách chỉnh âm, và phương thức này dù nhiều lần già truyền dạy nhưng chẳng ai học được”, bà Thêm nói.

Căn nhà cũ không đổi khác, ánh mắt ông vẫn ấm áp, chỉ có điều, bàn tay của ông giờ đã yếu, khó khăn lắm ông mới thêm một lần trình diễn tiếng cồng chiêng cho tôi thưởng thức.

Nhớ lần đầu gặp ông, thứ âm thanh ấy bây giờ vẫn không đổi. Ông chỉ tay vào cồng, ra dấu để tôi “bắt chước”. Và sau những âm thanh có phần hỗn tạp được phát ra từ bàn tay của người đồng bằng, ông chỉ cười hiền, nắm lấy tay tôi chầm chậm gõ vào cồng chiêng nhịp đều thành tiếng.

Ông là nghệ sĩ của núi, mỗi lúc tôi bước chân về phía núi mặc nhiên sẽ ghé nhà sàn của ông, bên bếp lửa tàn tro với khói bếp đặc quánh bám đầy trên những thanh gỗ. Dõi ánh mắt theo một vòng tròn sẽ thấy những dụng cụ nguyên bản nhất của một người con của núi. Chiêng ché, thanh la, khèn bè, trống hội với ông già tròn 100 tuổi là những thứ không thế thiếu. “Mình không giữ thì chừ ai giữ…”, ông nói dẫu âm thanh không còn rõ nhưng nó hắt dài bên khung cửa…

2. Giữa những xô lệch của cuộc sống, ông mời tôi rượu đoác, thứ thức uống với người đồng bào như để khởi đầu cho mọi câu chuyện. Lần này cũng vậy, chén rượu màu đục, ông uống một hơi hết sạch. “Uống đi!” – lời mời ngắn gọn của ông trước sự đắn đo của người đồng bằng.

Những nếp nhăn giãn ra, gương mặt giận dữ khi nghe tôi hỏi: “Liệu già có buồn khi những thứ già biết chẳng ai kế tục?”. Theo hướng chỉ tay Quỳnh Hoàng, tôi nghe đâu đó thứ nhạc hiện đại phát ra từ một đám thanh niên chừng đôi mươi. “Chừ tụi nó học cái đấy thôi, nhạc cụ truyền thống chưa chịu học” – lời nói của ông vô tình chạm đến nỗi đau của núi.

Không phải chỉ riêng ở mảnh đất miền sơn cước này, thời bây giờ, lớp trẻ không mặn mà với văn hóa tổ tiên để lại không phải là mới. Họ theo, rồi tiếp nhận thứ văn hóa hiện đại mà người đồng bào xem là xa hoa, phù phiếm. Chỉ những người như già Quỳnh Hoàng vẫn neo giữ hồn cốt làng bản. Không giữ sao được khi những nét văn hóa ấy bây giờ có thứ được Nhà nước công nhận là di sản phi vật thể quốc gia. Có thể trong tâm thức của già Quỳnh Hoàng không hiểu rõ thế nào là di sản được công nhận nhưng lời ông nói, việc ông làm như tiếng trống giục thế hệ sau lưu giữ nguồn cội.

Bao mùa lễ hội rồi vắng bóng dáng già Quỳnh Hoàng, nhưng con đường bê tông hun hút dẫn vào ngôi nhà sàn đơn sơ này hàng ngày vẫn đón tiếp khách thập phương đến ngỏ ý tìm hiểu nét văn hóa vùng cao. Bây giờ, ông vẫn ngồi đó! Trong thân hình nhỏ bé, gầy guộc của người nghệ nhân ấy là sự tinh tường, khéo léo, sẵn sàng chỉ bày tất cả dù hơi sức dần tàn lạnh theo thời gian. Từ góc sân nhỏ dưới nhà sàn, Nghệ sĩ Nhân dân Quỳnh Hoàng như con chim tung cánh, bay khắp các nẻo đường. Ở núi rừng A Lưới bây giờ không ai thay được ông. Và khi làng vào hội, họ hẳn nhớ đến ông, người đang cất giữ “báu vật” trên đại ngàn Trường Sơn ngay trong tâm hồn nhỏ bé; người tái sinh những âm thanh của núi và cả giấc mộng của những ai muốn kế tục. “Ông là cây đại thụ giữa núi rừng Trường Sơn. Là người duy nhất sửa và thẩm âm cho tất cả các loại nhạc cụ của 5 dân tộc anh em sống trên dãy Trường Sơn. Quỳnh Hoàng không chỉ nổi tiếng tại vùng đất A Lưới, mà nhiều người ở các tỉnh thành lân cận đều biết đến ông, cậy nhờ ông trau chuốt lại “âm thanh” của núi rừng”, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Sửu chia sẻ.

… Ông vẫn còn đó, ngôi nhà sàn đơn sơ ấy vẫn đong đầy ký ức. Một ngày không xa, ông sẽ được Giàng gọi tên, nhưng dưới tán cây rừng và những con đường phía núi, hình bóng ông sẽ không bao giờ khuất. Chén rượu màu đục tôi uống cạn trước lúc rời bước, phía sau là hình bóng của một già làng miên man trong giấc mơ ngày cũ…

Tại A Lưới, nghệ nhân Quỳnh Hoàng (hay còn gọi là Cu Xuân) là người duy nhất được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Đây là phần thưởng cao quý của Nhà nước dành tặng cho những cá nhân có phẩm chất, đạo đức, có tài năng nghề nghiệp xuất sắc, đang truyền dạy, có công hiến lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể tại Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung.

QUỲNH VIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Hương thầm” giữa đại ngàn Trường Sơn

Tấm bia đá nặng 22 tấn khắc bài thơ “Hương thầm” của nữ thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn ở Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) A Lưới không chỉ dành cho em trai mình, mà còn tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì khát vọng thống nhất non sông. Ai trở lại chiến trường xưa, ai tìm kiếm thông tin liệt sĩ ở vùng đất này đều ghé đến dâng hương, chiêm nghiệm trước tấm bia để nhớ về một thời đi theo tiếng gọi non sông…

“Hương thầm” giữa đại ngàn Trường Sơn
Người gìn giữ điệu dân ca dân vũ Cơ Tu

Ở xã Hồng Hạ (huyện A Lưới) có già làng Pi Hôih Cu Lai, còn gọi là Nguyễn Hoài Nam. Ông là người dạy những làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ truyền thống của đồng bào Cơ Tu nơi đây.

Người gìn giữ điệu dân ca dân vũ Cơ Tu
“Cánh tay nối dài” ở A Lưới

Các già làng, trưởng bản, người có uy tín (NCUT) trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS) là nhân tố quan trọng trong việc vận động đồng bào chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Họ là những “cánh tay nối dài” đắc lực của cấp ủy, chính quyền ở huyện miền núi A Lưới.

“Cánh tay nối dài” ở A Lưới
Return to top