ClockThứ Bảy, 05/09/2015 15:15

Bẫy cũ vẫn sập

TTH - Giả vờ tự nhận mình là người nhà “sếp”, bị cáo “dụ” được nhiều người nộp hồ sơ xin việc làm, chiếm đoạt gần 100 triệu đồng. Đây là chiêu lừa cũ rích, nhưng nhiều bị hại vẫn đi vào “vết xe đổ”…

Hoàng Anh làm công nhân tại Công ty TNHH Bia Huế một tháng thì nghỉ, nhưng lại giới thiệu mình là người nhà của trợ lý giám đốc công ty, có thể xin việc giúp. Tin tưởng, nhiều người nộp hồ sơ kèm “phí xin việc” cho Anh mong xin được vào làm tại công ty. Từ tháng 5/2013 đến tháng 7/2013, sau khi chiếm đoạt của những người bị hại gần 100 triệu đồng tiêu xài hết, Anh bỏ trốn, đến tháng 3/2015 thì bị bắt theo lệnh truy nã. Mới đây TAND TP Huế đưa vụ án Hoàng Anh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ra xét xử, phạt bị cáo 3 năm tù. Nhưng những người bị hại thì không có hy vọng lấy lại được tiền.

Thủ đoạn cũ nhưng vẫn “sập bẫy”
Bị cáo không đăng ký kết hôn nhưng chung sống và có con (nay đã 3 tuổi) với một phụ nữ, được cha mẹ hai bên gia đình chấp nhận. Trong thời gian vợ sinh con, Anh ra ngoài, “dán mác” chưa có vợ, tán tỉnh ngọt ngào nên một phụ nữ khác tên Duyên phải lòng, gật đầu làm người yêu của Anh. Nghe “người yêu” bảo làm việc ở Công ty TNHH Bia Huế, lại là em họ của trợ lý giám đốc, nên chị Duyên hết sức tin tưởng, nhờ xin việc giúp. Anh đồng ý. Mừng rỡ, chị Duyên “mách miệng” cho người quen, bạn bè của mình. Vậy là những người này cũng đến “cầu cạnh” nhờ Anh. Sau khi nhận hồ sơ, Anh lấy “chi phí” xin việc, người này 15 triệu đồng, người khác 25 triệu đồng. Để tạo niềm tin, bị cáo tự bỏ tiền đi đặt áo, có in hình logo của Công ty TNHH Bia Huế, tặng các bị hại mỗi người một cái. Tuy nhiên, đưa tiền đã lâu, nhưng việc mãi không có, các bị hại liên tục gọi điện “truy đuổi”. Bị cáo nghĩ ra “chiêu” nhờ một phụ nữ lạ mặt, gọi điện thoại giả vờ phỏng vấn, hẹn ngày đi làm, kéo dài thời gian. Sau khi tiêu xài hết tiền, bị cáo trốn vào Nam.
Trả lời câu hỏi lấy tư cách gì để xin việc cho người khác, bị cáo cho rằng lúc đầu, có người biết bị cáo đang làm việc ở nhà máy, nên nhờ xin việc giúp. Bị cáo chỉ hứa đại, không ngờ người ta đưa tiền để việc “xin xỏ” được trôi chảy. Thấy không lao động vất vả mà vẫn có tiền, bị cáo “lỡ” nảy lòng tham. Tòa “truy”: “Ngay từ đầu, bị cáo đã dựng lên màn kịch để lừa đảo người khác. Bị cáo hứa xin việc, rồi cầm tiền của người ta, bị cáo có cam kết gì không?” Bị cáo khai có cam kết bằng cách viết giấy, nội dung nếu không xin được việc sẽ trả lại tiền. Song bị cáo không thể trả vì đã tiêu xài hết.
 
Biết nhưng…
Nhiều bị hại khai do ở nhà mãi không có việc làm, nên khi nghe bị cáo hứa hẹn đã đưa tiền ngay. Bị hại khác cũng đang thất nghiệp, qua “kênh” người quen đang “nhờ vả” Hoàng Anh, cũng “cầu cạnh” nhờ Anh xin việc giúp với một số “chi phí” đưa trước. Tòa hỏi các bị cáo có bao giờ qua phương tiện thông tin, nghe và biết về những vụ án lừa xin việc? Nhiều bị hại trả lời có biết, nhưng thấy Hoàng Anh mặc áo quần của công ty Huda, nên tin tưởng. Tòa phân tích sự tin tưởng một cách vô lý của các bị hại đã tiếp tay cho bị cáo Hoàng Anh (nói riêng) và tội phạm nói chung, dù bây giờ đã muộn nhưng cũng cần phải rút kinh nghiệm. 
Khi tòa hỏi có biết con mình lừa đảo người khác không, cha bị cáo buồn bã nói chẳng hề biết, vì đứa con thực hiện điều đó ở “bên ngoài”. Hôm nay đến phiên tòa ông mới lần đầu nhìn thấy các bị hại. Người cha cũng “trách móc” sự nhẹ dạ của các bị hại. Giá như những người này đến nhà tìm hiểu thì đâu đến nỗi bị lừa. Gia đình ông hoàn cảnh, đến nỗi vợ ông cùng con dâu và cháu phải phiêu bạt vào Nam làm thuê làm mướn. Như hôm nay đến phiên tòa, ông cũng phải nấu cơm mang đến cho con chứ đâu có tiền để mua thứ này thứ nọ như người ta. Con trai ông không nghề nghiệp lại siêng chơi nhác làm, thì lấy đâu ra tiền mà bồi thường.
Tòa phạt bị cáo 3 năm tù, đồng thời buộc Hoàng Anh bồi thường cho các bị hại số tiền đã lừa của họ. Tuy nhiên, nhiều người bị hại lộ rõ vẻ tiu nghỉu vì biết rằng khó có thể lấy lại được tiền, bởi bị cáo là người “trọc đầu”, chẳng có tài sản gì ngoài thói thích ăn chơi lêu lổng.
Duy Trí
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lên án hành vi báo thông tin giả

Theo lực lượng chức năng, có không ít người dân đã gọi điện đến số điện thoại của các đơn vị 113 (cảnh sát phản ứng nhanh), 114 (cứu hỏa), 115 (hỗ trợ cấp cứu) và các đơn vị công an để báo thông tin giả, tin không đúng sự thật gây phiền toái, tốn công sức, vật chất; gây bất ổn đến tình hình xã hội.

Lên án hành vi báo thông tin giả
Return to top