ClockThứ Bảy, 28/01/2023 10:14

Bay & những chuyện nên nói

TTH - Ngày trước, đi máy bay là chuyện xa xỉ. Chỉ có cán bộ cao cấp, hoặc giới thượng lưu mới đủ chuẩn để “rớ” tới, còn giới lao động bình dân thì đừng nên mơ.

Vé máy bay đồng loạt tăng giá

Đi máy bay bây giờ là chuyện rất bình thường với mọi giới

Nhưng đó là chuyện của những ngày trước, còn bây giờ, đi máy bay là chuyện rất đỗi bình thường. Thậm chí, có những lúc đi máy bay còn rẻ hơn cả đi tàu lửa, ô tô, lại còn vô cùng nhanh chóng, tiện lợi, tất nhiên cả giải quyết… khâu oai nữa, nên được rất nhiều người chọn lựa.

Bản thân tôi cũng vậy, trừ những địa chỉ gần Huế, còn thì đi Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh (HCM) bây giờ, đa phần tôi vẫn ưu tiên chọn hàng không. Và cũng chính đi nhiều lần mà tôi phải chứng kiến nhiều chuyện cứ lặp đi lặp lại rất khó chịu. Các nhà ga, hãng bay chắc chắn cũng đã được góp ý, phản ánh rồi, nhưng không hiểu sao chẳng thấy có gì thay đổi?

Chuyện đầu tiên và thấy thường xuyên nhất ấy là chuyện ở phòng chờ. Tại đó có bố trí các dãy ghế cho hành khách ngồi đợi đến giờ lên tàu. Và ở sân bay nào, khu vực chờ nào cũng thế, mặc định là dãy ghế đầu tiên, gần cửa ra tàu bay nhất có những chiếc ghế được dành riêng cho người khuyết tật. Ký hiệu được in rất rõ ràng nơi mỗi chiếc ghế. Vậy mà, bao giờ cũng vậy, thấy những người mạnh khỏe, bình thường cứ nhanh chân bao chiếm. Trong đó, không hiếm là những nam thanh nữ tú. Lạ một điều là tình trạng này - ít nhất trong những lần tôi có dịp bay - lại không hề thấy bị nhân viên sân bay nhắc nhở. Và riết như vậy hình như thành thói quen, mạnh ai nấy ngồi. Rất kém văn minh!

Thứ hai là tình trạng chuyện trò ào ào trên máy bay, xem như đó là không gian của nhà mình. Lẽ dĩ nhiên việc trò chuyện là nhu cầu và quyền tự do của mỗi cá nhân, không ai cấm. Tuy nhiên, không gian trong máy bay nó hơi đặc thù, bởi không rộng mà lại rất kín, khác với không gian của chiếc… xe đò. Trăm hành khách trong đó thì trăm tính nết, trăm công việc, trăm nhu cầu khác nhau. Có nhiều người phải vừa bay vừa tranh thủ làm việc. Có người thì đó là một khoảng thời gian quý để chợp mắt sau những giờ làm việc không được ngơi nghỉ. Có người lại xem đi máy bay là dịp để thư giãn, tranh thủ để liếc vài tờ báo, đọc dăm trang sách… Vậy mà như đã nói, có một số bà con hết sức vô duyên, bất chấp mọi người xung quanh, cứ ào ào nói chuyện như tổ vỡ. Có lần tôi bay từ TP. HCM về Huế, lúc đó gần tết, trên chuyến bay có nhiều Việt kiều miệt biển cũng về quê ăn tết. Quá phấn khích vì bất ngờ gặp bạn bè, người quen, và cũng quá phấn khích khi chuẩn bị được đón tết quê nhà sau thời gian xa cách, vậy là họ tranh nhau trò chuyện, hỏi han với chất giọng quen “ăn sóng nói gió”. Cũng trên chuyến bay hôm ấy có mấy đứa trẻ không biết sao nổi chướng, cứ khóc quấy mãi, mẹ dỗ kiểu gì cũng không nín… Máy bay đáp xuống Phú Bài, thoát được khoang hành khách, tôi lùng bùng hết cả đầu. Trò chuyện không ai cấm, nhưng có lẽ đã chọn bay thì cũng phải ý nhị mà tự “tiết giảm” âm lượng của mình cho những người bạn đồng hành được nhờ.

Tiếp nữa là chuyện sử dụng điện thoại di động. Đó là điều cấm kỵ và luôn được nhân viên nhà tàu hướng dẫn, cảnh báo ngay trước khi cất cánh. Nói chung, trong suốt hành trình bay, đặc biệt là khi cất và hạ cánh, tuyệt đối không được sử dụng điện thoại di động. Tất cả đều phải để chế độ máy bay hoặc là phải tắt máy. Theo giải thích, sử dụng điện thoại di động hoặc các thiết bị thu phát sóng như máy tính cá nhân, Ipad… gây nguy hiểm đến an toàn bay. Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế từng cảnh báo, chỉ cần một tín hiệu điện thoại di động "đi lạc" cũng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thiết bị công nghệ trong buồng lái. Máy bay càng cũ sẽ càng bị ảnh hưởng nhiều hơn từ việc nhiễu sóng này. Vậy mà trong nhiều chuyến bay, tôi vẫn bắt gặp người này, người kia dùng điện thoại di động, kể cả lúc cất/hạ cánh mà không thấy bị nhắc nhở.

Thiết nghĩ, an toàn bay là chuyện vô cùng hệ trọng, bởi trước hết nó liên quan đến tính mạng của cùng lúc hàng trăm hành khách. Sơ sểnh, chủ quan một chút là có thể trở thành thảm họa. Vậy cho nên, cần phải rất nghiêm túc đối với quy định này. Phải lưu ý rành rọt ngay từ đầu với mọi hành khách, hành vi ấy là tuyệt đối không được phép. Vi phạm là xử phạt, cấm bay, không có ngoại lệ. Bằng không, người này dùng được thì người khác dùng được. Đến khi tai họa xảy ra, rút kinh nghiệm thì đã không còn ý nghĩa.

Bài, ảnh: Thượng Bích

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầu tư gần 152 tỷ đồng xây dựng tuyến đường đô thị mới La Sơn

Sáng 6/4, lãnh đạo huyện Phú Lộc thông tin, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, huyện Phú Lộc đang triển khai xây dựng dự án (DA) tuyến đường đô thị mới La Sơn (Lộc Sơn) với kinh phí gần 152 tỷ đồng. DA giao trách nhiệm cho BQL Đầu tư Xây dựng khu vực huyện Phú Lộc làm chủ đầu tư.

Đầu tư gần 152 tỷ đồng xây dựng tuyến đường đô thị mới La Sơn
Bù tiền vé máy bay… “vô duyên”

Đôi co qua lại, mà giờ bay thì đã cận kề, hỏi thì được “khuyên” sang quầy của hãng bay mà trình bày, nếu còn vé thì sẽ được đổi, còn không thì buộc phải hủy- Chúng tôi được cảnh báo! Hai vợ chồng lật đật chạy sang quầy của hãng bay...

Bù tiền vé máy bay… “vô duyên”
DỰ ÁN TUYẾN ĐƯỜNG BỘ VEN BIỂN:
Bàn giao toàn bộ mặt bằng trước tháng 6/2024

Dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An (TP. Huế) đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), tiến độ thi công trên công trường, nhằm hoàn thành công trình vào tháng 3 năm 2025.

Bàn giao toàn bộ mặt bằng trước tháng 6 2024

TIN MỚI

Return to top