ClockChủ Nhật, 05/05/2019 06:03

Bé làm “nhà nông học”

TTH - Một buổi sáng sớm cuối tuần trong lành và mát mẻ, chiếc xe chở 40 em học sinh của Trường tiểu học Trần Quốc Toản dừng bánh tại Trang trại sinh học Trường đại học Nông Lâm Huế (HUAFBiofarm). Vừa bước xuống xe, đám trẻ đã ồ lên thích thú bởi không gian xanh mát nơi đây.

PGS.TS.Trần Thị Thu Hà hướng dẫn các bạn nhỏ cách phân biệt các cây cỏ dại và cây lạc

Bồi đắp tình yêu thiên nhiên cho trẻ

Với sự hướng dẫn của các anh chị sinh viên trong nhóm HUAFBiofarm, các em nhỏ đi theo hàng vào khu nhà lưới để trải nghiệm hoạt động đầu tiên đầy thú vị ở trang trại. Dưới giàn bầu hồ lô xanh đẹp như trong chuyện cổ tích, các bé được PGS.TS.Trần Thị Thu Hà, Phó Trưởng khoa Nông học, Trường đại học Nông Lâm, giới thiệu về trang trại hữu cơ và các loại rau quả an toàn. Vừa chăm chú lắng nghe, nhiều bạn nhỏ nhìn lên giàn bầu xanh mướt trên đầu trầm trồ: “Quả bầu nhỏ xíu dễ thương quá!”. PGS  Hà tiếp tục trò chuyện với các bạn nhỏ về cách phân biệt các cây cỏ dại và cây lạc để các bé có thể thực hành trò chơi nhổ cỏ. “Các em chia thành 4 tổ, tổ nào nhổ được nhiều cỏ hơn sẽ có thưởng, mà phải đúng là cỏ mới được thưởng nhé!”, một anh phụ trách đoàn nói. Thế là bạn nhỏ nào cũng hăng hái với trò chơi thực tế này. Có lẽ lần đầu tiên nhiều bạn nhỏ được biết về nhiều loại cỏ đến vậy và cây lạc có hình dáng như thế nào.

Bước sang hoạt động thứ hai, các bạn nhỏ được dẫn vào tham quan khu vực nhà màng. Tại đây các em thích thú tìm hiểu về hoạt động của nhà màng, về nguồn dinh dưỡng tưới cho cây trồng bằng hệ thống thuỷ canh. Thích nhất vẫn là được tìm hiểu về các loại rau mầm, bầu bí, cà chua trồng hữu cơ,... Nhiều em tỏ ra ngạc nhiên và thích thú khi nhìn thấy từ các chai nhựa mà ở nhà, các em vẫn thường uống nước xong vứt đi thì ở đây được các cô chú sử dụng làm hàng rào quanh các luống rau và cả những vườn treo hoa mười giờ xinh xắn. Bảo Ngọc, học sinh lớp 4/2 hào hứng khi nhìn thấy những cây rau mầm nhỏ xíu: “Con rất thích tham gia chương trình trải nghiệm này. Con được nhìn thấy thật nhiều loại rau, được nghe các cô chú giới thiệu thế nào là rau hữu cơ, được biết về cách tận dụng chai nhựa để trang trí và trồng cây nữa…”.

Chụp hình kỷ niệm chuyến đi, trải nghiệm thú vị

Sau khi trở ra bên ngoài để tham quan các vườn chuối, đu đủ, rau muống,… các em nhỏ được trải nghiệm hoạt động thực tế trồng các loại rau mầm trong chậu nhựa nho nhỏ. “Vào buổi sáng ngủ dậy và sau khi đi học hay đi đá bóng về, các em hãy tưới cho cây một chút nước nhé. Những hạt giống nhỏ xíu trong những chậu cây này sẽ nhanh lớn lên và xanh tươi nhờ sự chăm sóc của các em”, các bạn sinh viên của nhóm HUAFBiofarm hướng dẫn các em trồng và chăm sóc rau mầm. Tuấn Kiệt học sinh lớp 4/4 vui vẻ khoe: “Con rất thích khi được hướng dẫn cách trồng rau mầm. Trồng cây không khó chút nào nhưng phải chăm sóc thì cây mới tươi tốt được. Về nhà, ngày nào con cũng chăm sóc chậu rau mầm này để tặng mẹ”.

Cô giáo Diệu Trang, Trường tiểu học Trần Quốc Toản, đi cùng đoàn học sinh cho biết: “Đây là chương trình hoạt động trải nghiệm tại HUAFBiofarm dành cho học sinh tiểu học do trường phối hợp với Trung tâm giáo dục kỹ năng sống Hoàn Năng tổ chức. Chương trình rất bổ ích bởi qua đây, các em được tiếp xúc, tìm hiểu về thiên nhiên cây cỏ hoa lá, biết về mô hình trồng rau sạch, biết cách phân biệt các loại rau rất quen thuộc trong đời sống…, từ đó các em sẽ yêu mến thiên nhiên quanh mình hơn”.

Chăm chú nghe giới thiệu và tìm hiểu về rau mầm

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao hữu cơ kết hợp Edufarm

PGS.TS.Trần Thị Thu Hà cho biết, hiện nhu cầu xã hội về rau hữu cơ và sản phẩm rau an toàn rất nhiều và xu thế nông nghiệp công nghệ cao đang được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. “Là một trường đại học về nông nghiệp trên địa bàn, chúng tôi muốn tiên phong phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao hữu cơ đồng thời kết hợp Edufarm (mô hình nông trại giáo dục) để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và biến rác thải thành nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp tại chỗ thay vì đi nhập khẩu. Bé làm nhà nông học là một trong những chương trình chúng tôi tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các bé được hòa mình vào thiên nhiên và có những trải nghiệm tuyệt vời. Qua đó giúp các em dần dần hình thành tình yêu thiên nhiên và biết bảo vệ môi trường sống quanh mình”.

Bên cạnh chương trình bé làm nhà nông học, sắp tới PGS.Hà sẽ tổ chức chương trình bé làm nhà vi sinh vật, bé làm nhà hóa học, bé làm nhà sinh học nhằm giúp các em học sinh khám phá và sáng tạo trong cuộc sống, thiên nhiên và nhận thấy khoa học không quá xa lạ mà ngược lại rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày.

Ưu điểm của mô hình trang trại sinh thái sinh học hữu cơ do PGS. Hà và các cộng sự thực hiện là sự kết hợp nông nghiệp công nghệ cao cụ thể là thuỷ canh và bán thuỷ canh hữu cơ. Điểm khác biệt của mô hình này so với những trang trại hữu cơ khác là không sử dụng hoá chất mà sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp lên men như cá loại thải, khô dầu lạc lên men và vỏ hoa quả (chuối), trấu hun làm nguồn cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Nhờ vậy, chi phí đầu vào thấp và đặc biệt giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay. Bên cạnh đó, chị còn sử dụng phế thải như chai nhựa, lốp cao su để làm thành những luống rau và mô hình vườn treo vừa trồng rau, hoa vừa phục vụ mục đích trang trí.

“Hiện những sản phẩm rau sạch của HUAFBiofarm đã bắt đầu được người tiêu dùng biết đến và tin dùng. Khó khăn của chúng tôi là chưa có mặt bằng địa điểm cụ thể để bán hàng trong khi rất nhiều khách hàng hỏi địa chỉ bán. Sắp tới, chúng tôi sẽ cố gắng mở cửa hàng để phục vụ khách hàng được nhiều hơn. Chúng tôi cũng sẽ nhân rộng mô hình, chuyển giao công nghệ và mở rộng thị trường không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà còn ra các tỉnh lân cận”, PGS. Hà nói.

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao hữu cơ do PGS.TS. Trần Thị Thu Hà cùng 5 giảng viên triển khai và hơn 30 sinh viên Trường đại học Nông Lâm tham gia vừa làm đề tài tốt nghiệp vừa thực tập nghề nghiệp (Intership). Bắt tay vào công việc từ tháng 9/2018 và trồng rau thuỷ canh hữu cơ và bán thuỷ canh trong nhà màng từ tháng 11/2018, đến tháng 1/2019, trang trại sinh thái sinh học do chị xây dựng bắt đầu có sản phẩm ra thị trường là rau xà lách và cải bó xôi hữu cơ trồng trên hệ thống thuỷ canh hữu cơ bằng dịch thuỷ phân đạm cá, khô dầu lạc và sử dụng giá thể là trấu hun. Từ thành công đầu tiên này, PGS.Hà tiếp tục phát triển hệ thống bán thuỷ canh hữu cơ trên cây dưa leo không hạt và cà chua chery.

Bài, ảnh: NGỌC HÀ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Về với thiên nhiên

Ánh nắng mặt trời, cảnh sắc sông nước, vườn tược và cả những làn gió tự nhiên… đều là thần dược cho tinh thần của người trẻ sau những học kỳ dài, những ngày làm việc căng thẳng.

Về với thiên nhiên
Return to top