ClockThứ Ba, 11/07/2017 05:36

Bên mẹ

TTH - Người con trai duy nhất đã hy sinh, nhưng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Hà Thị Lý (sinh năm 1926), sống một mình tại 22/24 đường Phú Mộng, phường Kim Long, TP. Huế, có rất nhiều đứa con ở địa phương, các cơ quan phụng dưỡng luôn thăm nom, chăm sóc.

Mẹ Lý tại Lễ đón nhận chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng của Trường đại học Y dược Huế. (Nguồn ảnh: Tin tức Huế)

Đặc biệt, trong ba tháng cuối cùng cho đến lúc ngừng hơi thở, mẹ được đội ngũ các y, bác sĩ Bệnh viện đại học Y Dược Huế chăm sóc bằng tất cả tình yêu thương, thành kính.

Bằng tình cảm người con

Mẹ Lý “vấp” phải cơn tai biến, ngã ở tuổi 90. Đó là vào ngày 14/3/2017. Bác sĩ Lê Quý, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện đại học Y Dược Huế nói, không chỉ anh mà tất cả những bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý đơn vị hồi sức tích cực và nhiều cán bộ, y bác sĩ của bệnh viện đều nhớ ngày hôm đó, bởi mẹ Lý được đưa đến trong tình trạng hôn mê, sức khỏe yếu. “Với bất kỳ bệnh nhân nào, chúng tôi đều có trách nhiệm chữa trị, chăm sóc tốt nhất. Nhưng đối với mẹ Lý, ngoài trách nhiệm của y, bác sĩ, chúng tôi còn dành cho mẹ tình cảm của đứa con, đứa cháu, tình cảm đối với ruột thịt. Vậy nên, ai cũng lo lắng”- bác sĩ Quý xúc động. Tình cảm đó đã được “nối” từ những ngày, những năm tháng “chạy lui chạy tới” chăm sóc, kiểm tra sức khỏe tại nhà cho mẹ. Đôi khi đơn giản là ngồi cạnh, nắm lấy bàn tay, chuyện trò để mẹ bớt quạnh hiu.

Các bác sĩ chuyên khoa điều trị, bác sĩ nội khoa nhanh chóng cùng hội chẩn. Tại đơn vị hồi sức tích cực, ngoài truyền, tiêm thuốc theo phác đồ điều trị, mỗi ngày mẹ được các điều dưỡng, hộ lý túc trực theo dõi, 4, 5 lần truyền thức ăn đường xông dạ dày qua mũi. Bác sĩ thăm khám từng giờ. Thuốc điều chỉnh từng ngày tùy theo diễn tiến bệnh. Kỹ thuật viên thường xuyên tập vật lý trị liệu. Lau mặt, đánh răng, gội đầu, thay tã, tắm rửa, vệ sinh… đều do “một tay” cán bộ, nhân viên y tế đơn vị hồi sức tích cực tỉ mẩn, ân cần làm cho mẹ. 

Trường đại học Y Dược Huế, Sở Tài chính là hai đơn vị chăm sóc, phụng dưỡngsuốt đời Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Hà Thị Lý. Đoàn viên chi đoàn Báo Thừa Thiên Huế, phường Kim Long cũng thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, chăm sóc mẹ Lý. Ngày 26/6/2017, mẹ Lý qua đời. UBND TP. Huế, phường Kim Long, Phòng Lao động, Thương binh & Xã hội TP. Huế tổ chức tang lễ trang nghiêm, chu đáo, đưa mẹ về an táng tại quê hương phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà.

Bác sĩ Trần Xuân Thịnh, Trưởng đơn vị hồi sức tích cực ngồi lặng lúc lâu, khi nhớ lại gần 100 ngày cuối cùng của mẹ: “Một bệnh nhân đến bệnh viện thường có con cháu, người thân thay phiên túc trực. Con trai duy nhất của mẹ chưa kịp lập gia đình thì đã ngã xuống vì đất nước, vì cuộc sống này. Hy sinh của mẹ là không thể đong đếm. Vậy nên, chúng tôi nhắc nhở nhau, nguyện chăm sóc mẹ bằng tình cảm của đứa con, cạnh bên mẹ mỗi giờ, mỗi phút”.

Tri ân

Mẹ Lý bị xuất huyết não, tuổi cao nên phục hồi không tốt, tim, não hoạt động nhưng tri giác không tỉnh, sống thực vật, bắt buộc các bác sĩ phải mở khí quản (đường thở tự nhiên) để hút đờm dãi dễ dàng hơn. Việc chăm sóc phải rất kỹ để tránh vi khuẩn đi ngược vào, gây viêm phổi. Khi nhớ lại gần 100 ngày đêm túc trực, chăm sóc mẹ Lý, các chị Trương Thị Huyền, Lê Khắc Phương Chi, Trần Thị Bích Thảo, Lý Thị Hồng Dung… những điều dưỡng, hộ lý đơn vị hồi sức tích cực không một lần nhắc đến chữ vất vả.

“Trước cống hiến của các liệt sĩ, của những người vợ, người mẹ có chồng con hy sinh, chúng tôi tự nhủ lòng phải làm hết sức để tri ân. Với trách nhiệm và tình cảm đó, chúng tôi chăm sóc mẹ Lý như chăm mẹ ruột của mình. Hơn 3 tháng nằm liệt giường, nhưng cơ thể mẹ không hề bị loét, thể trạng không gầy gò, da vẫn hồng hào. Phút mẹ ra đi nhẹ nhàng. Điều đó khiến chúng tôi cảm thấy yên tâm, nhẹ lòng.”- điều dưỡng Trương Thị Hồng chia sẻ.

Những ngày tháng cuối cùng dù bệnh nặng, dù không còn nói được, nhưng chắc rằng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ấy cảm nhận được sự chăm sóc tận tụy, tình cảm ấp áp của những đứa con có trái tim đầy yêu thương, thành kính. “Trách nhiệm, tình cảm chúng tôi dành cho mẹ, là tấm lòng thế hệ sau đối với những cống hiến, hy sinh của cha, anh”- bác sĩ Trần Xuân Thịnh nói.

Quỳnh Anh

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số
Học Bác về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân

Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, coi nghề y là nghề đặc biệt. Đây là vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đề cập. Tư tưởng đó phản ánh chiều sâu nhân văn của chế độ XHCN, dễ hiểu, dễ làm theo.

Học Bác về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Cắt cánh mũi là gì? Nên thực hiện khi nào? Chăm sóc ra sao?

Cắt cánh mũi là một thủ thuật thẩm mỹ phổ biến nhằm điều chỉnh kích thước mũi, giúp dáng mũi hài hòa với tổng thể khuôn mặt. Vậy cắt cánh mũi là gì? Khi nào nên áp dụng cắt cánh mũi? Chăm sóc ra sao? Giải đáp chi tiết băn khoăn trong nội dung dưới đây.

Cắt cánh mũi là gì Nên thực hiện khi nào Chăm sóc ra sao
Return to top