ClockChủ Nhật, 05/06/2016 13:59

Bên mộ cụ Thượng...

TTH - Thuở nhỏ, tôi thường theo bà lên lễ Phật ở chùa Vạn Phước. Chùa có Tam quan, nhưng hình như lâu lắm rồi không còn dùng để đi. Để vào chùa, tất cả đều qua một cái cổng nhỏ phía đông.

Ngay mé phải bên ngoài của cánh cổng là một vài ngôi mộ khiêm nhường, lặng lẽ. Sau này được học, được tìm hiểu, tôi mới biết một trong số đó là nơi an nghỉ của cụ Thượng Chi Phạm Quỳnh.

Cụ Phạm Quỳnh quê ở tỉnh Hải Dương. Ông sinh năm 1892, là đại thần dưới triều Bảo Đại, nhưng người đời lại nhớ nhiều đến ông với tư cách là một học giả, một nhà văn hóa, một nhà báo sắc sảo, tài hoa. Ông mất năm 1945 trong một “sự cố” đáng tiếc của lịch sử. Năm 1956, di cốt ông được đưa về an nghỉ dưới bóng chùa Vạn Phước- nơi mà lúc sinh thời ông vẫn thường tới lui đọc sách, di dưỡng tinh thần. Sau 1975, gia đình có ý định đưa ông về quê. Nhưng một số trí thức, văn nghệ sỹ thân hữu của các con ông đã đề nghị giữ mộ phần cụ Thượng ở lại với sông Hương núi Ngự. Bởi ông là “người của lịch sử”, cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với vùng đất này, với những năm tháng cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn...

Tuy đơn sơ, nhưng mộ phần ông không lạnh lẽo. Không chỉ có những người trong dòng tộc, mà nhiều nhà văn hóa, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ... vẫn thường tới lui thăm viếng, khói hương tưởng vọng. Năm ngoái (2015), kỷ niệm 70 năm ngày mất của ông, con cháu đã về tổ chức lễ tưởng niệm và làm lễ cầu siêu tại chùa Vạn Phước. Hôm ấy, tôi đã được thấy rất nhiều những tên tuổi quen biết: Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Xuân Hoa, Dương Trung Quốc, Phan Thuận An,... Kể cả nhà giáo Thân Trọng Ninh dù đã ở tuổi 94, đi lại khó khăn vẫn không chịu vắng mặt. “Cụ Phạm là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này...” Hồ Chủ Tịch đã từng nói với những người con của cụ Thượng Chi như vậy. Và giờ đây, sự ấm áp nơi mộ phần có phải là một phần sự “đánh giá lại” của lịch sử đối với ông?

Sau lễ tưởng niệm, con cháu đã quyết định trùng tu mộ phần và dựng tượng ông. Công trình hoàn tất và khánh thành vào hôm 28/5 vừa rồi. Về tổng thể, tất cả gần như được giữ nguyên trạng, chỉ lát gạch nền, tu sửa la thành, thêm đôi chiếc ghế đá... Bức tượng bán thân của ông được tạc bằng đá tỷ lệ 1:1 trông thần thái, sống động, tôn trí hài hòa, tạo điểm nhấn cho khu mộ. Phía trước mộ có bức cuốn thư làm bình phong, gắn phiến đá đen khắc câu nói nổi tiếng của ông “ Truyện Kiều còn, tiếng ta còn/ Tiếng ta còn, nước ta còn” bằng chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Không hoành tráng, phô trương, song, khu mộ của Thượng Chi Phạm Quỳnh vẫn xứng tầm là một địa chỉ văn hóa như nguyện ước của con cháu cũng như những người yêu mến ông.

Xin nói thêm, trong vòng bán kính chỉ vài trăm mét từ khu mộ cụ Thượng Chi có rất nhiều di tích khác cùng tọa lạc: Từ Đàm- ngôi chùa nổi tiếng của không riêng Phật giáo Huế; mộ và nhà lưu niệm Phan Bội Châu; chùa Thiền Lâm (nay là Thuyền Lâm) và khu vực lân cận đã được cho phép lên kế hoạch khai quật khảo cổ để tìm dấu tích Phủ Dương Xuân- Cung điện Đan Dương- Lăng mộ vua Quang Trung nhằm giải mã một câu chuyện khoa học- lịch sử đã gây tranh luận từ nhiều thập kỷ... Chính vậy mà có người đã đề xuất xây dựng nơi đây thành một “điểm đến” hoặc một tour du lịch văn hóa-tâm linh. Một gợi ý mà theo chúng tôi, nếu quan tâm thì không phải không mang đến cho du khách nhiều bất ngờ thú vị.

HIỀN AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bước chân đầu tiên đã khởi đi

Ý tưởng của thầy Phan Đăng nêu ra được mọi người ủng hộ. Thầy Không Nhiên (Phó Chủ biên kiêm Thư ký Tập san Liễu Quán) hào hứng đề cập về bộ mộc bản kinh Kim Cang có từ thế kỷ XVII đang được tàng lưu tại Từ Hiếu, Thiên Mụ…

Bước chân đầu tiên đã khởi đi
Sẽ lại lấp lánh bên dòng Hương…

Trong lúc đó, các cơ quan hữu trách hình như cũng trăm công ngàn việc nên chưa thấy vươn tay đến khiến cho câu chuyện Châu Hương Viên càng thêm mênh mang sương khói.

Sẽ lại lấp lánh bên dòng Hương…
Dấu xưa xe ngựa...

Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo... Thời gian rồi sẽ lần hồi xóa nhòa tất cả.

Dấu xưa xe ngựa
Return to top