ClockThứ Bảy, 17/04/2021 15:53

Bệnh đốm trắng gây hại trên tôm nuôi ở Quảng Điền

TTH.VN - Huyện Quảng Điền cảnh báo, dịch bệnh đốm trắng có nguy cơ lây lan diện rộng, diễn biến khó lường do thời tiết diễn biến phức tạp, môi trường vùng đầm phá thay đổi đột ngột, bất thường. Phần nhiều ao hồ bị xảy ra bệnh đốm trắng chủ yếu nuôi xen ghép tôm-cua-cá.

Bạn trẻ “giải cứu” dưa hấu Quảng Ngãi

Người dân vớt tôm chết

Theo ông Nguyễn Định ở xã Quảng Phước, tôm nuôi có dấu hiệu bỏ ăn, lờ đờ từ nhiều ngày nay. Mặc dù đã có nhiều biện pháp phòng ngừa, xử lý nhưng đến ngày 17/4, tôm nuôi bị bệnh đốm trắng, chết hàng loạt. Ông Định báo với chính quyền địa phương, cán bộ khuyến nông cơ sở đến kiểm tra, xử lý tiêu hủy. Xã Quảng Phước cũng đã hỗ trợ hóa chất chlorine cho các hộ xử lý môi trường, hạn chế nguy cơ lây lan trên diện rộng.

Ao hồ của ông Nguyễn Cảnh ở xã Quảng An cũng lâm vào cảnh tương tự. Ông Cảnh thông tin, đốm trắng là loại dịch bệnh nguy hiểm, khi đã xảy ra thì không có loại thuốc nào có thể chữa trị khỏi. Người dân chỉ có thể chôn hủy và dùng hóa chất xử lý quanh ao hồ, nguồn nước trong ao trước khi xả thải ra môi trường bên ngoài. 

Chủ tịch UBND xã Quảng Phước, bà Phan Thị Châu cho hay, thời điểm này, cán bộ thú y, thủy sản cơ sở đang tích cực bám ao hồ, hỗ trợ, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng ngừa, ứng phó bệnh đốm trắng nhằm hạn chế lây lan diện rộng.

Bà Trần Thị Thanh Nhã, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Điền cảnh báo, dịch bệnh đốm trắng đang có nguy cơ lây lan diện rộng, diễn biến khó lường do thời tiết diễn biến phức tạp, môi trường vùng đầm phá thay đổi đột ngột, bất thường. Phần nhiều ao hồ bị xảy ra bệnh đốm trắng chủ yếu nuôi xen ghép tôm-cua-cá. Trong đó, một số hộ bị nặng, mất trắng…   

Người dân Quảng Phước kiểm tra ao hồ nuôi tôm

Vụ nuôi thủy sản nước lợ năm nay, toàn huyện Quảng Điền thả nuôi 727,9 ha, 6 ha tôm chân trắng trên cát ven biển. Ngay từ đầu năm, huyện đưa ra mục tiêu tiêu ưu tiên nuôi tôm xen ghép theo hướng an toàn sinh học, thân thiện với môi trường; thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, hạn chế nguy cơ dịch bệnh.

Trước tình hình dịch bệnh đang hoành hành, ngành nông nghiệp huyện cùng với các địa phương hướng dẫn bà con tuân thủ nghiêm ngặt khung lịch mùa vụ, thực hiện các biện pháp kỹ thuật và quy trình nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả và bền vững. Dự báo thời tiết sắp đến tiếp tục diễn biến bất thường, môi trường nước không ổn định… nên nguy cơ dịch bệnh trên thủy sản tiếp tục tăng.

Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân cần tăng cường sử dụng các loại chế phẩm sinh học, các hóa chất khác nhằm ổn định môi trường, hạn chế ô nhiễm nguồn nước và đáy ao nuôi. Người dân cần tiến hành chắn lưới xung quanh và rải vôi trên bờ, không để các đối tượng như cua, còng từ ao bị bệnh di chuyển sang, đồng thời bổ sung vitamin C, khoáng chất nhằm tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi.

Các hộ nuôi thường xuyên kiểm tra các thông số môi trường, theo dõi hoạt động của các đối tượng nuôi, có sự điều chỉnh kịp thời; tăng cường sử dụng vôi để ổn định pH, khử độc đáy ao, ổn định môi trường; đồng thời kiểm tra chất lượng nước bên ngoài trước khi đưa vào ao nuôi. Việc cải tạo ao phải đảm bảo quy trình, nhất là xử lý triệt để các đối tượng gây bệnh đang tiềm ẩn trong ao nuôi nhằm hạn chế lây lan…

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo vệ cây ăn quả trước sâu bệnh gây hại

Cam và một số loài cây ăn quả vào thời điểm này đang ra hoa, kết trái, song đang bị sâu bệnh hoành hành, có nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm.

Bảo vệ cây ăn quả trước sâu bệnh gây hại

TIN MỚI

Return to top