ClockThứ Năm, 16/10/2014 06:13

Bệnh học đường: Chớ xem thường

TTH - “Kết quả theo dõi hàng năm cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh học đường của học sinh Thừa Thiên Huế đang ngày càng tăng”- đó là thông tin từ bác sĩ Đặng Ngọc Thanh Thảo, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế học đường (YTHĐ) thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế.

Tật khúc xạ học đường tăng

Trung bình mỗi năm học, Trung tâm YTHĐ phối hợp với các đơn vị liên quan khám cho trên 50.000 học sinh trên địa bàn tỉnh. Kết quả, năm học 2013-2014, tỷ lệ học sinh giảm thị lực: 14,05%. Trong tháng 8 và 9 năm học 2014-2015, bước đầu khám cho 13.036 học sinh, (chủ yếu ở TP Huế), phát hiện 2.030 trường hợp giảm thị lực, tỷ lệ 15,57%. Đây là thực trạng cần đánh động. Bởi năm học 2005-2006, tỷ lệ học sinh trên địa bàn tỉnh giảm thị lực chỉ chiếm 7,8%. Đa phần giảm thị lực là tật khúc xạ (cận thị, loạn, thị, viễn thị...) và trong tật khúc xạ thì cận thị là chủ yếu. Học sinh ở các trường điểm, trường trung tâm TP Huế giảm thị lực nhiều hơn ở nông thôn. Đáng chú ý, qua đợt khám sức khỏe tại các trường học ở TP Huế mới đây, tỷ lệ giảm thị lực của học sinh ở Trường THCS Nguyễn Tri Phương chiếm trên 37%, Trường THPT Nguyễn Huệ gần 33%...

Khám mắt cho bệnh nhi tại Bệnh viện Mắt Huế

Một câu hỏi được nhiều người đặt ra là tại sao điều kiện ánh sáng trong trường học được cải thiện và chế độ dinh dưỡng ngày càng tăng, nhưng thị lực của học sinh lại giảm? Theo lý giải của các bác sĩ ở Trung tâm YTHĐ, “nguyên nhân quan trọng dẫn đến cận thị ở trẻ tăng là do cường độ mắt làm việc nhiều”. Bây giờ, ngoài học ở lớp, phụ huynh học sinh còn cho con đi học thêm nhiều môn học. Rảnh rỗi, nhiều em lại say sưa trước màn hình ti vi, máy vi tính, chơi game trên điện thoại di động, ipad mấy tiếng đồng hồ. Đến Bệnh viện Mắt Huế, chúng tôi gặp không ít phụ huynh đưa con đi khám. Khi được hỏi, có những phụ huynh thừa nhận con mình chơi game nhiều quá. Anh Dương Anh, ở phường Thuận Hòa (TP Huế) tâm sự: “Để an toàn, tôi ít cho cháu đi chơi với bạn bè mà thường cho chơi game trên máy vi tính, điện thoại. Có ngày thằng bé chơi 3,4 tiếng đồng hồ. Qua khám bệnh, cháu đã bị cận thị nên phải đeo kính”. Nhiều giáo viên ở trường, ở các điểm học thêm dường như chỉ chú ý dạy, còn học sinh ngồi học có đúng tư thế hay không lại ít quan tâm. Có những lần ghé lớp con ở trường và ở địa điểm học thêm, chúng tôi chứng kiến rất rõ nhiều học sinh cúi sát vở viết bài nhưng không được thầy cô giáo nhắc nhở. Tư thế ngồi học như vậy dần quen. Trẻ bị cận là vì thế. 

Tật cong vẹo cột sống đáng quan tâm

Bên cạnh tật khúc xạ học đường thì cong vẹo cột sống cũng rất đáng quan tâm ở tuổi học trò. Nguyên nhân chính là do các em thiếu vận động, ngồi học, ngồi đọc không đúng tư thế hoặc bàn ghế không phù hợp với tiêu chuẩn quy định. Ở các lớp học thêm, một số thầy cô tận dụng bàn ghế sẵn có, như bàn ghế sa lông, bàn ăn của gia đình cho học sinh ngồi học. Hệ thống điện chiếu sáng ở các điểm dạy thêm hầu hết không đảm bảo nên nhiều học sinh phải cúi sát vở để viết bài. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thị lực mà còn khiến tỷ lệ học sinh bị cong vẹo cột sống khá cao. Thêm vào đó, hàng ngày trẻ phải mang vác cặp sách rất nặng, trong khi nhiều trẻ không ý thức được nên cứ mang cặp một bên vai. Có những học sinh lớp 1 nặng chưa đầy 20kg nhưng đã mang chiếc cặp đựng sách vở trên dưới 5 kg.

Bác sĩ Đặng Ngọc Thanh Thảo cho biết: “Ở một số trường học trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ cong vẹo cột sống được phát hiện khoảng 29%, tuy nhiên, việc khám bệnh thường hay bỏ sót. Học sinh tiểu học chiếm tỷ lệ cao hơn học sinh THCS, THPT. Tại miền núi, các em nhỏ phải lao động nặng nhọc dẫn đến bị cong vẹo cột sống nhiều hơn thành thị, có nhiều trường tỷ lệ này trên 30%. Trước đây, ở Quảng Điền có trường học tỷ lệ học sinh cong vẹo cột sống chiếm trên 60%”. 

Chớ coi thường

So với các thành phố lớn, tỷ lệ tật khúc xạ học đường ở Thừa Thiên Huế không cao bằng, nhưng cũng đang ở mức đáng quan tâm. Bởi khi trẻ bị tật khúc xạ, chưa nói đến yếu tố thẩm mỹ thì việc học tập, sinh hoạt đã bị ảnh hưởng. Nếu không được phát hiện và điều chỉnh sớm, bệnh sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển bình thường của mắt, thậm chí cận thị nặng có thể dẫn đến bong võng mạc, gây mù lòa. Đối với tật cong vẹo cột sống, đa số các em bị độ 1 nên nếu chú ý có thể điều chỉnh được. Nhằm cải thiện bệnh học đường, hàng năm, Trung tâm YTHĐ chủ động phối hợp với một số đơn vị liên quan khám sức khỏe, thử thị lực, đo mắt, khám cột sống cho học sinh. Những trường hợp bị tật khúc xạ đã đề nghị thử kính. Đối với bệnh cong vẹo cột sống đề nghị các em đến bệnh viện chụp phim, hướng dẫn vận động, yêu cầu mang áo bột hay phẫu thuật.

Trong các bệnh học đường, tật khúc xạ và cong vẹo cột sống là hai bệnh chính, có mối liên quan chặt chẽ với quá trình học tập và thói quen có hại của học sinh nhưng không được kiểm soát. Bởi vậy, hơn ai hết các trường học cần quan tâm đảm bảo các điều kiện vệ sinh, ánh sáng, độ chuẩn mực của phòng ốc, bàn ghế nơi các em học tập. Các thầy cô giáo cần thường xuyên nhắc nhở học sinh ngồi học, đọc đúng tư thế, mang vác cặp sách đúng cách để phòng tránh tật khúc xạ học đường, cong vẹo cột sống. Tất nhiên, ngoài sự vào cuộc của nhà trường rất cần sự quan tâm thường xuyên của gia đình và ý thức của mỗi học sinh.

Bác sĩ Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Huế:
 
“Phối hợp tuyên truyền phòng chống tật khúc xạ học đường”
 
 Những năm qua, Bệnh viện Mắt Huế đã tham gia khám mắt cho học sinh nhiều trường học trên địa bàn tỉnh. Riêng năm 2013, phối hợp, hướng dẫn khám sàng lọc cho khoảng 10.000 học sinh THCS ở huyện Phú Lộc. Qua đó, phát hiện 780 học sinh có thị lực thấp, cấp kính cho 235 trường hợp.
 
Bệnh viện Mắt Huế hiện đang thực hiện dự án về nâng cao năng lực chăm sóc mắt cho cộng đồng do tổ chức Fred Hollows Foundation(FHF) của Úc tài trợ và dự án "Phát triển dịch vụ chăm sóc mắt trẻ em tại các tỉnh bắc miền Trung" do tổ chức Orbis của Mỹ hỗ trợ. Các dự án này sẽ góp phần giảm tỷ lệ mù lòa và giảm thị lực ở trẻ em.
 
Bệnh viện dự kiến sẽ tổ chức hội thảo về tật khúc xạ học đường cho lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo và các trường THCS huyện Phong Điền; tổ chức tập huấn cho giáo viên và cán bộ y tế trường học ở các trường THCS của Phong Điền về cách khám sàng lọc để phát hiện học sinh có thị lực thấp; phối hợp với các trường học khám, xác định học sinh có thị lực thấp; cấp kính cho các học sinh bị tật khúc xạ, điều trị cho những học sinh bị các bệnh khác về mắt. Mặt khác, chú ý phối hợp với Trung tâm YTHĐ và một số trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm tuyên truyền về cách phòng chống tật khúc xạ học đường.
 
Để phòng tật khúc xạ học đường, vấn đề vệ sinh trường học rất cần được quan tâm. Các biện pháp phòng bệnh đều cần có sự tham gia tích cực của cả ngành giáo dục, ngành y tế... 
 
Ths Hoàng Đức Bình, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo:
 
“Tiếp tục cải thiện điều kiện học tập cho học sinh”
 
Thừa Thiên Huế là tỉnh duy nhất trong cả nước có Trung tâm YTHĐ. Qua 23 năm hoạt động, Trung tâm đã nỗ lực trong việc chăm sóc sức khỏe học sinh, chỉ đạo vệ sinh trường học và phòng chống dịch bệnh. Đáng ghi nhận, Trung tâm đã phối hợp khám và phát hiện nhiều trường hợp học sinh mắc các bệnh học đường, nhất là tật khúc xạ và cong vẹo cột sống.
 
Qua kiểm tra hàng năm ở trường học, tỷ lệ bệnh học đường ngày càng tăng. Thời gian tới, ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tiếp tục quan tâm chỉ đạo các trường học đảm bảo hệ thống ánh sáng trong từng lớp học; trang bị bàn ghế cho học sinh đúng quy chuẩn. Đối với Trung tâm YTHĐ, duy trì việc khám bệnh hàng năm cho học sinh. Thực hiện chỉ thị của UBND tỉnh, ngành đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường tổ chức lớp học đúng quy định về số lượng học sinh, góp phần nâng cao chất lượng học tập cũng như sức khỏe của các em...
 
Để hạn chế tỷ lệ bệnh học đường, ngoài trách nhiệm của ngành GD-ĐT, vai trò của các bậc phụ huynh hết sức quan trọng. Hơn ai hết, các bậc phụ huynh cần nhắc nhở con cái tư thế ngồi học, đọc. Không nên tăng áp lực học hành cho con và phải quản lý, không cho con ngồi trước màn hình ti vi, máy tính quá nhiều... Sau khi khám sàng lọc ở trường, học sinh nào phát hiện bị tật khúc xạ, cong vẹo cột sống phụ huynh cần đưa con đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được hướng dẫn, điều trị...
 
Thùy Hương (ghi)

 

Thụy Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

Từ ngày 16 đến 18/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Kyoto Katsura (Nhật Bản) tổ chức đợt huấn luyện nâng cao về nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung
Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia

Ngày 17/4, Trung tâm Huyết học Truyền máu – Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt Đại học Huế, Ngân hàng Máu sống Cố đô và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho các bệnh nhân Hemophilia.

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia
Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm sau cao hơn năm trước

Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38 của Ban Bí thư về “đẩy mạnh công tác Bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”, sáng 16/4 Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến với các điểm cầu trong nước nhằm đánh giá những kết đạt được cũng như những tồn tại hạn chế, bài học kinh nghiệm để đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới.

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm sau cao hơn năm trước

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top