ClockThứ Ba, 09/02/2016 10:30

Bệnh nhân ăn tết xa nhà

TTH.VN - Chưa bao giờ Bệnh viện Trung ương Huế có không khí vắng lặng, yên tĩnh như chiều 29 Tết. Những bệnh nhân nhẹ đều được về nhà đón Tết cùng gia đình, chỉ có những bệnh nhân quá nặng mới ở lại bệnh viện trong những ngày thiêng liêng nhất của năm.

Mùa lạnh, khoa Nội tiết-thần kinh ngày thường có khá đông bệnh nhân, nhưng giờ có rất nhiều giường trống. Đa số là bệnh nhân ở phòng cấp cứu, các phòng khác, bệnh nhân không nặng được về  nhà ăn tết. Bệnh nhân N.V.M, ở Hải Lăng, Quảng Trị bị khá nhiều bệnh: Tiểu đường, hen phế quản, tim… đang truyền thuốc, vẻ mặt mệt mỏi. Chị B, con gái thứ ba của ông M, mắt chực khóc khi tôi nhắc đến chuyện  ăn tết ở đâu? “ Ba tôi bị bệnh nặng. Hai chị gái của tôi đều khó khăn, tôi gửi hai đứa con cho ngoại, vào chăm cha tôi gần hai tuần nay. Giờ chỉ biết lo cho cha. Ngày mai là tết rồi. Nhưng tôi  không có tâm trạng chuẩn bị . Vắng mẹ, chắc hai đứa con tôi  rất buồn”.

Chăm sóc bệnh nhân ung thư máu ở Trung tâm Nhi khoa

Có  những  người phải bỏ tết vào viện với lý do lãng xẹt. Ông V.T.N  ở phường Thủy Châu, Hương Thủy vừa thực  hiện xong truyền dịch tại khoa Nội tiêu hóa. Nguời ốm nhách, nhưng giọng nói thì có vẻ đã khỏe mạnh trở lại. Ông N cho biết vào viện vì bị ngộ độc thức ăn. Hiện tại vẫn còn yếu nên phải ở lại bệnh viện. “Tôi đúng là gặp “xui”. Tự nhiên gần tết lại trở thành bệnh nhân. Thôi ăn tết ở bệnh viện một lần xem không khí ra sao”? Ông M hóm hỉnh.

Không khí ảm đạm nhất vẫn là khoa Ung bướu.Thường ngày, đây là một trong những khoa có số lượng người đông của bệnh viện, nhưng thời điểm này, cả khoa chỉ còn 5 bệnh nhân ở lại. Bà T.T.L, quê ở Lệ Thủy, Quảng Bình, bị ung thư buồng trứng, do phát hiện muộn nên  không thể phẫu thuật, chỉ trông chờ vào hóa trị để kéo dài sự sống. Dù vậy, gặp tôi, bà vẫn gật đầu chào, với nụ cười tươi. Khi biết tôi đi tìm người nhà, chị B, con gái bệnh nhân B sốt sắng nói chuyện. “ Mẹ em sống được là nhờ vào hóa trị. Chừ mà về nhà là mẹ em “đi “ liền. May mà vào  BVTW Huế, chứ chỗ khác thì mẹ em không còn đến ngày hôm nay đâu. Ở đây bác sĩ, y tá đều có tâm lắm. Biết hoàn cảnh nhà em khó khăn, em tặng quà cám ơn, ai cũng từ chối. Có  người còn cho mẹ em thêm tiền nữa”. “Tết xa nhà, hai mẹ con chắc buồn lắm”? Tôi hỏi. Chị B xúc động : “Ngày hôm qua, mẹ em cũng khóc rất nhiều khi bác sĩ quyết định ở lại bệnh viện. Em động viên mãi, hôm nay bà mới tươi tỉnh trở lại. Lúc đầu em cũng thắt lòng vì phải xa con, xa gia đình trong thời khắc đón năm mới. Nhưng thương mẹ quá nên nỗi buồn cũng không là gì so với sự bảo đảm tính mạng của mẹ. Hơn nữa ở Huế có rất nhiều người làm từ thiện. Mấy  ngày hôm nay, em  đã nhận được khá nhiều quà và nhiều lời động viên, chia sẻ từ các nhà từ thiện. Ngày hôm nay, một ngày quan trọng vậy mà vẫn có  người đưa quà vào thăm đó. Nhờ vậy, em thấy ấm lòng khi ăn tết xa nhà”.

Đến Trung tâm Nhi khoa, nơi điều trị các bệnh nhân bị ung thư máu. Lòng tôi quặn thắt khi nghe các cháu nhỏ, cơ thể  gầy yếu trong trang phục bệnh nhân, có cháu trên đầu không có sợi tóc nào, líu lo hát.  Những ông bố, bà mẹ đều gượng cười đùa với con nhưng nước mắt lưng tròng! Nhiều người đã không giấu được xúc động khi biết mình phải ăn tết ở bệnh viện. Tất cả đều khó khăn vì phải bỏ hết công việc để theo con, cháu chữa bệnh.

Anh N. T. L,  33 tuổi, năm thứ hai ở lại ăn tết ở đây để chăm con trai (4 tuổi) bị ung thư máu, cho biết: Năm ngoái, khi giờ phút giao thừa, xem pháo hoa trên ti vi, nghe pháo nổ, các phụ huynh đều khóc. “Đến giờ phút đưa tiễn năm cũ, đón năm mới về, mới biết là mình có mặt ở nhà quan trọng ra sao. Chỉ có ai xa nhà mới cảm nhận được sự thiêng liêng ấy. Vì vậy, năm nay, tôi phải kiếm cho được nhành mai và chiếc bánh chưng để ăn tết”.

                                                                          Đinh Hoàng Xuân Hồng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top