ClockThứ Năm, 30/03/2017 12:08

Bệnh nhân “xí phần” bác sĩ Hậu

TTH - Tại Bệnh viện (BV) Tâm thần Huế, tôi chứng kiến nhiều bệnh nhân ganh đua, “xí phần” để được anh Hậu tư vấn, khám...

Bác sĩ Hậu (phải) tư vấn khám, điều trị cho bệnh nhân 

Tham gia quân ngũ ở chiến trường Lào trở về, anh Hậu theo học ngành y tại Trường đại học Y Dược Huế. Có tấm bằng bác sĩ đa khoa vào năm 1991, anh về làm Trưởng trạm Y tế xã Hương Phong (Hương Trà). Năm 1997, anh đến làm việc tại Khoa Tâm thần ở đường Chi Lăng, TP. Huế, rồi gắn bó với BV Tâm thần Huế từ ngày thành lập đến nay.

Anh bộc bạch: “Lúc đầu mình e ngại và sợ vì trước đó được nghe kể về bệnh nhân đánh gãy tay, sưng mặt, rồi đe dọa bác sĩ khi lên cơn. Nhưng cái duyên, cái nghiệp, mình quen dần”. Theo anh Hậu, nhắc đến bệnh nhân tâm thần nhiều người nghĩ đến sự phức tạp. Bệnh nhân tâm thần có nhiều thể: phân liệt, động kinh, trầm cảm... nói chung là người không bình thường, bác sĩ gặp nhiều thách thức trong điều trị. Có bệnh nhân la hét, đập phá, nói năng phàm tục; có bệnh nhân buồn chán, đòi tự vẫn; có người khi mới vào một hai bắt người thân phải tìm gặp bác sĩ. Những lúc như thế, nếu bác sĩ không cởi mở càng làm cho bệnh nhân thêm căng thẳng. Sợ nhất là người bệnh khi lên cơn không kiểm soát được hành vi. Lúc ấy, những người tiếp xúc với bệnh nhân, là các y, bác sĩ tâm thần buộc phải biết cách đối phó. Những tình huống ấy, anh Hậu là người có kỹ năng và nhiều kinh nghiệm.

Chỉ thời gian ngắn ở Khoa Khám bệnh, chúng tôi cảm nhận rõ sự yêu thương, chia sẻ của anh Hậu dành cho người bệnh. Từng hành động, cử chỉ cùng lời nói nhẹ nhàng của anh lúc tiếp cận khám, điều trị đã giúp bệnh nhân cảm thấy an tâm, gần gũi. Tại đây, tôi chứng kiến nhiều bệnh nhân ganh đua, “xí phần” để được anh Hậu tư vấn, khám. Đi dọc hành lang Khoa Nội trú, anh giới thiệu tên từng bệnh nhân, địa chỉ, hỏi han tận tình, luôn mỉm cười, nhẹ nhàng với họ. Có bệnh nhân đang ngồi sưởi nắng nhìn thấy anh, chạy đến khoe: “Bác sĩ Hậu ơi, hôm nay em đỡ mệt rồi”. Chính từ những yêu thương sẻ chia ấy, không biết bao nhiêu bệnh nhân đã được anh điều trị ổn định trở về hòa nhập cộng đồng.

Mới đây, một sinh viên Trường đại học Khoa học Huế bị rối loạn thần kinh, nói lảm nhảm suốt ngày. Gia đình đưa chữa trị khắp nơi, bệnh không giảm. Khi đến BV Tâm thần Huế được anh Hậu tận tình tư vấn, động viên, hướng dẫn cách kiên trì luyện tập, điều trị đến giờ trở lại bình thường. Ngày gặp lại anh Hậu, cô sinh viên ấy bật khóc: “Bác sĩ Hậu không chỉ là người thầy thuốc mà còn là người cha, người chú thân thiết  đã cứu em thoát khỏi những ngày tháng nhớ nhớ quên quên để trở lại cuộc sống đầy khát vọng phía trước”. Bác sĩ Hậu chia sẻ: “Làm việc ở BV Tâm thần nếu không có cái tâm thì không thể làm được. Với bệnh nhân tâm thần, ngoài các vấn đề chuyên môn, yếu tố tâm lý chiếm hơn 50% trong việc chữa trị cho người bệnh. Điều quan trọng là mình biết đồng cảm, biết chia sẻ, xem nỗi đau của người bệnh như chính bản thân mình”.

Hiện nay, ngoài hoạt động chuyên môn, anh Hậu còn giữ chức trách Trưởng phòng Tổ chức hành chính quản trị, BV Tâm thần Huế. Dù công việc bận rộn nhưng anh vẫn sắp xếp làm tròn vai. Anh không chỉ chia sẻ công việc với đồng nghiệp mà còn tạo mọi điều kiện khuyến khích các đồng nghiệp trẻ học tập, sống biết sẻ chia, nâng cao trình độ chuyên môn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Anh Hậu là “cánh tay” nối dài của lãnh đạo đơn vị, người mạnh dạn tham mưu, đề xuất cho Ban Giám đốc các chương trình, kế hoạch nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh sát, đúng chủ trương của Bộ Y tế. Với gia đình nhỏ của mình, anh là người chồng, người cha hết mực chung thủy với vợ con. Hỏi về mong muốn của mình, anh chân tình: “Bây giờ tôi đã vào tuổi xế chiều, chỉ mong “giàu” sức khỏe để tiếp tục gắn bó với bệnh nhân, nhất là người bệnh có những hoàn cảnh đặc biệt; đồng thời, không ngừng học tập, nghiên cứu tìm ra những phương pháp mới trong khám, điều trị để chia sẻ, giúp đỡ cho nhiều bệnh nhân ở BV Tâm thần Huế sớm trở lại bình thường”.

Bác sĩ Bùi Minh Bảo, Giám đốc BV Tâm thần Huế nhận xét: Bác sĩ Hậu là một tấm gương điển hình về điều trị, chăm sóc và yêu thương bệnh nhân. Dù cương vị nào, bác sĩ Hậu cũng không ngừng học tập, trau dồi y đức xứng đáng lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu”.

Bài, ảnh: Khánh Quan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bệnh nhân tim mạch tăng, nhiều ca nặng do nhập viện muộn

Từ thời điểm ra tết, tình trạng bệnh nhân bị tim mạch tăng đột biến 20-30% so với thường lệ khiến các y bác sĩ khá vất vả trong điều trị. Trung tâm tim mạch Bệnh viện Trung ương (TTTM BVTW) Huế tăng thêm giờ làm, bố trí phẫu thuật cả ngày nghỉ xử lý ca bệnh.

Bệnh nhân tim mạch tăng, nhiều ca nặng do nhập viện muộn
BỆNH VIỆN GIAO THÔNG VẬN TẢI HUẾ:
Chú trọng chất lượng đội ngũ, phấn đấu nâng hạng bệnh viện

Cùng với tăng cường hiệu quả quản lý sau khi được chuyển giao về địa phương, Cấp ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện Giao thông vận tải (BV GTVT) Huế chú trọng đào tạo nâng cao chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ. Đây là cơ sở tiền đề trong lộ trình đơn vị phấn đấu nâng hạng bệnh viện.

Chú trọng chất lượng đội ngũ, phấn đấu nâng hạng bệnh viện
Thu hút nguồn nhân lực bác sĩ ở Thừa Thiên Huế

“Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân là đầu tư cho phát triển...”. Thực hiện quan điểm ấy của Đảng, những năm qua, ngành y tế Thừa Thiên Huế luôn quan tâm đến yếu tố con người, chú trọng việc phát triển, thu hút nguồn nhân lực y tế nói chung, nguồn nhân lực bác sĩ nói riêng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.

Thu hút nguồn nhân lực bác sĩ ở Thừa Thiên Huế
Thêm quyền lợi bảo hiểm y tế cho bệnh nhân

Triển khai chuyển tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) điện tử, giấy hẹn khám điện tử, cải tiến quy trình cấp giấy chuyển tuyến có thời hạn 1 năm cho một số bệnh mãn tính là những quy định mới nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám, chữa bệnh (KCB) sử dụng BHYT bắt đầu từ tháng 4/2024.

Thêm quyền lợi bảo hiểm y tế cho bệnh nhân

TIN MỚI

Return to top