ClockThứ Sáu, 31/07/2015 15:38

Bệnh viện vệ tinh - cách giải "bài toán" quá tải ở tuyến trên

TTH.VN - Sau hai năm thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh, cả nước hiện có 15 bệnh viện hạt nhân và 53 bệnh viện vệ tinh tại 36 tỉnh, thành phố.

Bộ Y tế phấn đấu đến cuối năm 2016 có 100% số tỉnh, thành phố trong cả nước có bệnh viện vệ tinh. Tuy vậy, để đạt được chỉ tiêu trên rất cần có những giải pháp quyết liệt và sự tham gia của cả hệ thống chính trị, từ các bộ, ban ngành Trung ương đến chính quyền địa phương.

Tình trạng quá tải vẫn tiếp diễn

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết mục đích xây dựng các bệnh viện vệ tinh, chuyên khoa vệ tinh ở các bệnh viện tuyến dưới là giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hạn chế những tai biến.

(Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN)


Giai đoạn đầu của Đề án, Bộ Y tế đã giao cho 14 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và trực thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh làm bệnh viện hạt nhân cho 46 bệnh viện vệ tinh ở 38 tỉnh, thành phố tập trung vào 5 chuyên ngành đang quá tải trầm trọng là: tim mạch, ung bướu, ngoại chấn thương, sản, nhi.

Tính đến tháng 7/2015, cả nước có 15 bệnh viện hạt nhân và 53 bệnh viện vệ tinh tại 36 tỉnh, thành phố.

Trong số 27 tỉnh, thành phố chưa có bệnh viện vệ tinh, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Hậu Giang… có số lượng bệnh nhân đổ dồn lên Thành phố Hồ Chí Minh khám, chữa bệnh rất lớn. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải vẫn còn tiếp diễn ở các bệnh viện tuyến Trung ương, nhất là các bệnh viện tuyến cuối ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại khu vực phía Bắc, vẫn còn 8 tỉnh chưa có bệnh viện, khoa vệ tinh gồm Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Kạn.

Các bệnh viện ở các tỉnh, thành phố này chưa tham gia mạng lưới bệnh viện vệ tinh là do chính quyền địa phương chưa duyệt cấp hoặc chưa cấp kinh phí thực hiện. Một số bệnh viện lại không đủ năng lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật.

Tăng cường công tác giám sát sau chuyển giao kỹ thuật

Tiến sỹ Nguyễn Huy Ngọc, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Phú Thọ - bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai - cho biết việc trở thành bệnh viện vệ tinh của ba bệnh viện lớn đã giúp trình độ chuyên môn kỹ thuật của các bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên được nâng cao rõ rệt.

Nhiều kỹ thuật chuyên khoa sâu, kỹ thuật cao đã được triển khai thành công tại bệnh viện đa khoa tỉnh và các bệnh viện tuyến huyện. Nhiều ca bệnh nặng được cấp cứu kịp thời, giảm tỷ lệ tử vong. Số người bệnh phải chuyển tuyến giảm đáng kể, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Đặc biệt, người dân của tỉnh Phú Thọ và một số tỉnh lân cận đã được thụ hưởng những dịch vụ y tế với chất lượng cao hơn.

Tuy vậy, việc thực hiện Đề án tại địa phương vẫn còn nhiều khó khăn như biểu giá của nhiều dịch vụ kỹ thuật còn thấp hơn chi phí thực tế; chính sách về bảo hiểm y tế chưa ổn định, thường xuyên thay đổi, còn nhiều vấn đề chưa thống nhất giữa ngành y tế và bảo hiểm xã hội, nhất là trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh (thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật...).

Giám đốc Bệnh viện Sản, Nhi Ninh Bình Phạm Cầm Kỳ cho biết hiện tại, cơ sở vật chất, dụng cụ trang thiết bị của bệnh viện còn thiếu đã làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện, triển khai kỹ thuật được chuyển giao. Nhiều kỹ thuật đã được chuyển giao nhưng chưa có hoặc chưa đủ trang thiết bị để thực hiện như nội soi tiêu hóa, nội soi trẻ em...

Giám đốc Bệnh viện Sản, Nhi Ninh Bình đề nghị cần duy trì thường xuyên kênh thông tin giữa Bệnh viện vệ tinh và Bệnh viện hạt nhân để nâng cao chất lượng chuyển giao các gói đào tạo và tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.

Các bệnh viện hạt nhân thông báo sớm kế hoạch các lớp đào tạo chuyển giao kỹ thuật mở trong năm để bệnh viện vệ tinh có thể chủ động sắp xếp nhân lực được cử đi đào tạo. Ngoài ra, cần tăng cường công tác giám sát sau chuyển giao kỹ thuật tại bệnh viện vệ tinh.

Tiếp tục phát triển Đề án bệnh viện vệ tinh

Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh phát triển đề án bệnh viện vệ tinh tới tất cả các địa phương trong cả nước với mục tiêu mở rộng nhiều chuyên khoa và chuyển giao nhiều kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh, nhất là các tỉnh phía Nam.

Những bệnh viện tham gia đề án bệnh viện vệ tinh sẽ được cấp kinh phí để chuyển giao kỹ thuật từ Bộ Y tế, từ nguồn ngân sách của địa phương và từ vốn ưu đãi.

Phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết trong thời gian tới, nhằm đẩy mạnh việc thực hiện bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật, Bộ Y tế coi đây là giải pháp căn bản để đào tạo đội ngũ cán bộ y tế chất lượng cao cho tuyến dưới, đồng thời phát huy hết hiệu quả của các bệnh viện hiện có.

Bộ Y tế mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh, phấn đấu đến tháng 12/2016 tất cả các tỉnh, thành phố có bệnh tuyến tỉnh là bệnh viện vệ tinh về các chuyên khoa tim mạch, ung bướu, ngoại chấn thương, sản, nhi và một số chuyên khoa khác.

Bộ lựa chọn, bổ sung các bệnh viện Trung ương, các bệnh viện tuyến cuối có trình độ chuyên môn giỏi, kỹ thuật cao thuộc thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác có đủ năng lực làm bệnh viện hạt nhân.

Bộ Y tế giao nhiệm vụ cho một số bệnh viện trực thuộc tham gia mạng lưới bệnh viện hạt nhân; các bệnh viện hạt nhân tham gia thêm các chuyên khoa ưu tiên trong Đề án.

Sở Y tế Hà Nội đề xuất Bộ Y tế giao nhiệm vụ bệnh viện hạt nhân cho một số bệnh viện tuyến cuối đủ năng lực để tham gia Đề án.

Bộ Y tế cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố ưu tiên bố trí ngân sách, huy động vốn đầu tư phát triển, trái phiếu chính phủ để thực hiện đầu tư phát triển bệnh viện phù hợp với quy hoạch mạng lưới y tế địa phương nhằm đạt mục tiêu giảm quá tải bệnh viện.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân các tỉnh cần quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh trên địa bàn địa phương, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến dưới, cung cấp dịch y tế có chất lượng, kỹ thuật cao cho người dân ngay tại các bệnh viện địa phương./.

Theo TTXVN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

Sáng 20/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin đang tiếp nhận điều trị một nam bệnh nhân bị sốt rét tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Đây là trường hợp sốt rét ngoại lai thứ hai tại địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola
Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

Từ ngày 16 đến 18/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Kyoto Katsura (Nhật Bản) tổ chức đợt huấn luyện nâng cao về nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung
Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia

Ngày 17/4, Trung tâm Huyết học Truyền máu – Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt Đại học Huế, Ngân hàng Máu sống Cố đô và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho các bệnh nhân Hemophilia.

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia

TIN MỚI

Return to top