ClockThứ Tư, 15/05/2013 20:00

Bệnh vô cảm

TTH - Nhân dân ta vốn có truyền thống đoàn kết, đùm bọc thương yêu lẫn nhau. Thương người như thể thương thân, tình làng, nghĩa xóm đã trở thành đạo lý ngàn đời của dân tộc. “Đèn nhà ai, nhà nấy rạng”, “Cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại” là những thói xấu đã được ông cha ta nghiêm khắc phê phán.

Những năm gần đây, con người ngày càng tỏ ra vô cảm và vô cảm đang trở thành một căn bệnh lây lan không dễ chữa trị trong khi xã hội lại dấy lên những “điểm nóng”, những hành động mang tính bạo lực uy hiếp đến tính mạng và cuộc sống bình yên của nhiều người. Nhiều người chỉ lo vun vén cho bản thân và gia đình mình. Xung quanh chúng ta, không ít người thờ ơ trước những nỗi đau, những thân phận bất hạnh ngoài đời, họ coi đó là việc của người khác và không hề quan tâm.

Gặp người bị nạn, có người nhanh chóng hành động theo bản năng là hết lòng cứu giúp. Tuy nhiên, không ít người "tỉnh táo" đến mức họ sẽ cân nhắc thiệt hơn, mặc cho tính mạng người bị nạn đang nguy kịch. Chính cơ chế thị trường đã tạo cho người ta suy nghĩ đó.

Họ lập luận rằng, bây giờ mà hành xử theo cách “Giữa đường thấy sự bất bằng nào tha” thì khả năng gặp nguy hiểm là rất cao. Nhưng không cho phép tránh nguy hiểm bằng sự vô cảm. Muốn cứu giúp người bị nạn thì có nhiều cách thức, nhiều phương tiện, chứ không chỉ có một cách là ra tay can thiệp trực tiếp có khi vơ rắc rối về mình. Nhưng thật đáng chê trách hơn cả là có những người lợi dụng lúc người ta bị nạn thì nhảy vào “hôi của”. Họ không ý thức được rằng, ngày mai, có thể chính họ hoặc người thân của họ cũng sẽ là nạn nhân như thế.

Trước nỗi khổ đau của những người tàn tật, nhiều người không hề mảy may xúc động. Nhà hàng xóm có con cái bị rơi vào cạm bẫy của các tệ nạn xã hội, họ cũng bàng quan như không hề biết. Thấy lũ trẻ đánh nhau gây thương tích, họ cũng làm ngơ, chẳng ai có một hành động can gián tích cực.

Hành động săn bắt, giết hại dã man động vật hoang dã quý hiếm đã không được dư luận xã hội phẩn nộ, lên án và pháp luật nghiêm khắc xử lý là một biểu hiện cụ thể của bệnh vô cảm.

Cán bộ, công chức của Nhà nước mắc bệnh vô cảm sẽ dẫn tới tắc trách trong thừa hành nhiệm vụ.

Bạo hành xảy ra, trong khi nạn nhân nhiều lần kêu cứu thì những người có trách nhiệm vô cảm đã không khẩn trương vào cuộc khi “mặc kệ” nạn nhân, hoặc chỉ ngồi chờ khi mọi chuyện đã xong xuôi mới “làm hết trách nhiệm” để giải quyết hậu quả khi chết người đã xảy ra.

Một vị chủ tịch phường, xã ăn chặn tiền trợ cấp của Nhà nước cho thương binh - liệt sĩ, người có công với cách mạng, người nghèo, người tàn tật, người nhiễm chất độc da cam… làm cho các đối tượng này vốn đã khó khăn càng khó khăn thêm.

Những thầy giáo, cô giáo vô cảm chỉ giảng bài cho xong chuyện còn nói gì đến tình nghĩa thầy trò, tận tâm dạy bảo… Một bác sĩ vô cảm không thể có tình thương yêu người bệnh nhất là người bệnh nghèo. Có những trường hợp vì bác sĩ vô cảm mà người bệnh không được chăm sóc, điều trị chu đáo dẫn đến cái chết thật đáng tiếc. Tình thương đồng loại là cái quý giá của con người, bệnh vô cảm đã làm mất phẩm chất ấy.

Một khu tái định cư với hàng trăm hộ dân, trong nhiều năm, thiếu nước sạch, thiếu đất sản xuất, đời sống thực sự gặp nhiều khó khăn vẫn không được các cấp, các ngành chăm lo giải quyết.

Cán bộ mà vô cảm thì không thể nhìn thấy hết khốn khó về nhiều mặt của người dân… để tìm cách tháo gỡ. Họ quan liêu, xa rời dân và dễ rơi vào tệ “hành” dân.

Bệnh vô cảm đã làm cho con người như vô tri, vô giác. Cán bộ, công chức Nhà nước mắc bệnh vô cảm thì nhất định hiệu quả của công việc mà họ phụ trách chắc chắn sẽ không bao giờ đạt được.

Người dân vô cảm là nguyên nhân đã dẫn đến tình trạng bất an xã hội. Cán bộ, công chức của Nhà nước vô cảm càng làm cho xã hội bất an hơn, khiến người dân suy giảm niềm tin vào bộ máy công quyền.

Sự vô cảm nào cũng đáng sợ. Nhưng đáng sợ nhất vẫn là sự vô cảm của người có chức có quyền, bởi lẽ, thái độ cùng những quyết định của họ sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều người trong xã hội.

Cơ chế thị trường với mặt tiêu cực của nó là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh vô cảm. Bệnh vô cảm còn là sản phẩm của giáo dục. Có một thời gian dài, chúng ta chỉ chú trọng tăng trưởng kinh tế mà chưa quan tâm đúng mức đến phát triển văn hóa. Xã hội sản sinh ra một lớp người giàu có, trong đó không ít người coi đồng tiền là mục đích sống thay vì chỉ là phương tiện; họ xem nhẹ những giá trị đạo đức, văn hóa, coi khinh những người nghèo khó hơn mình. Hiện nay, phát triển văn hóa được coi trọng đồng thời với phát triển kinh tế bền vững. Đây là một sự điều chỉnh dù muộn nhưng vẫn rất cần thiết.

Vô cảm là căn bệnh nguy hiểm dễ lây lan cần phải được chữa trị. Đối tượng chữa trị trước tiên phải là những người được giao giữ trọng trách quản lý đất nước, quản lý xã hội - những công bộc của dân.

Bệnh vô cảm tuy không khó nhận ra “bệnh”, nhưng không dễ xác định được phác đồ điều trị tối ưu nhất.

Đối xử với bệnh vô cảm là chuyện của mọi người, nhưng trước hết phải là việc phải làm của các cơ quan công quyền, nhất là những cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật. Điều đáng nói, những cơ quan này nếu mắc bệnh “dịch cúm vô cảm” thì sẽ trở thành vô hiệu.

Trong thực tế, việc xử phạt những người vô cảm quả thật là không dễ. Quy định thế nào là vô cảm, vô cảm ở mức nào để xử lý theo pháp luật thì cũng rất khó. Chỉ có những biểu hiện vô cảm mà hậu quả gây ra thật nặng nề, thật cụ thể mới xử lý được. Còn đối với người dân, thấy người gặp nạn mà không cứu giúp thì cũng rất khó quy kết tội cho họ.

Phòng, chống bệnh vô cảm, trước hết, cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục về pháp luật, đạo đức, lối sống từ chính cả trong gia đình, nhà trường và xã hội gắn với việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân để tấn công các đối tượng mắc bệnh vô cảm; đồng thời kết hợp với cơ chế giám sát và có chế tài xử lý phù hợp là những biện pháp chủ yếu sẽ chữa trị được bệnh vô cảm dưới mọi hình thức.

Chiến Hữu - Văn Chính
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top