ClockThứ Tư, 05/08/2020 21:00

Bèo lục bình & "điệp khúc" sinh - diệt

TTH.VN - Dù không mới nhưng bèo lục bình đang là vấn nạn nguy hại đến môi trường cũng như đời sống của người dân. Loại thực vật sinh sản vô tính “du nhập” vào Việt Nam ngót nghét khoảng 1 thế kỷ này khiến chính quyền địa phương lẫn các nhà khoa học đau đầu tìm giải pháp xử lý. Điệp khúc vớt bèo, bèo lại mọc tồn tại dai dẳng nhiều năm qua.
 

 

 

Dù không mới nhưng bèo lục bình đang là vấn nạn nguy hại đến môi trường cũng như đời sống của người dân. Loại thực vật sinh sản vô tính “du nhập” vào Việt Nam ngót nghét khoảng 1 thế kỷ này khiến chính quyền địa phương lẫn các nhà khoa học đau đầu tìm giải pháp xử lý. Điệp khúc vớt bèo, bèo lại mọc tồn tại dai dẳng nhiều năm qua.

 

Đi khắp các nhánh sông, hói nước, kênh rạch... ai cũng dễ dàng nhận thấy sự hiện diện của bèo lục bình. Có nhiều đoạn sông, thảm bèo lục bình xanh mướt một màu tạo nên mặt phẳng, tưởng chừng như con người có thể sải bước mà chẳng hề hấn gì.

Trên cầu Đại Giang (qua địa bàn TX. Hương Thủy) nhìn xuống bên dưới thảm bèo ken dày mặt nước. Nơi đoạn sông này, nông dân đặt các máy bơm nước để phục vụ nông nghiệp. Ông Nguyễn Quang Anh (xã Thủy Phù, TX. Hương Thủy) nói: “Loại cây này sinh sản rất nhanh, có thời điểm phủ kín mặt sông khiến nước không thể chảy. Nước tại sông Đại Giang là nguồn tưới tiêu của nông dân trồng lúa tại khu vực này, song nhiều lúc chúng tôi đặt máy bơm nước nhưng bèo gây tắc nghẽn”.

Khi bèo choán diện tích mặt nước, khó khăn tưới tiêu trong nông nghiêp là điều dễ hình dung nhưng với nông dân, bèo lục bình còn là “thủ phạm” gây ra những nguy hại khác. “Những đoạn bèo dày đặc là nơi trú ngụ của chuột phá hoại mùa màng. Vào mùa, nông dân chúng tôi phải canh chừng, tiêu diệt chuột phá hoại trên cánh đồng, nhưng không ngờ các ổ chuột lớn nằm ngay phía dưới những thảm bèo”, ông Anh ngán ngẩm.

Sông lớn, hói nhỏ đều có sự hiện diện của bèo lục bình và tất cả các huyện, thị, thành phố vùng đồng bằng trên địa bàn tỉnh, bèo lục bình gây “nhức mắt” người dân. Phía dưới màu xanh có vẻ bắt mắt ấy, là nguồn nước ô nhiễm, chuyển màu. Một số vùng, bèo lục bình thối rữa khiến nguồn nước đen kịt, bốc mùi. Một thời, mỹ quan đô thị thành phố Huế “mất điểm” vì lớp lớp bèo lục bình tràn trên mặt nước các con sông, nhánh sông.

 
 

 

 

Tại khu vực đầm phá, những con sông vắt qua các địa phương, bèo lục bình gây cản trở quá trình đi lại trên con nước của người dân. Nhắc đến bèo lục bình, ông Lê Văn Sự (xã Phú Dương, huyện Phú Vang) ngao ngán: “Anh xem đi, bèo trên sông Phổ Lợi (xã Phú Dương) dày như rứa thì răng chúng tôi lái đò đi đánh bắt cá được. Cũng có nhiều lần, tôi cố gắng điều khiển đò xuyên qua các mảng bèo khiến gãy chân vịt vì nghẹt bèo. Cũng vì bèo nhiều, tồn tại lâu nên nhiều diện tích bèo quá “tuổi”, bị phân hủy ngay dưới nước gây ô nhiễm”.

Trước thực trạng bèo lục bình “bủa vây” phổ biến tại nhiều nơi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Đắc Thọ thừa nhận: “Tắc nghẽn dòng chảy, ô nhiễm môi trường là hai điều dễ nhận thấy từ sự sinh sôi của bèo lục bình. Dù không có sự đánh giá thật chính xác cho sự tác động của bèo lục bình đến sản xuất nông nghiệp nhưng hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều bị ảnh hưởng. Và giải pháp “tiêu diệt” loại cây này bây giờ chỉ mang tính thủ công…”.

 

 

 

 

 

Hiện nay, bèo lục bình phát triển mạnh trên các sông, hồ. UBND tỉnh  đã phát đi nhiều thông báo tổ chức ra quân vớt bèo trên các sông, hói vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần.

Tại các con sông ở TP. Huế thời điểm này, sự khác biệt là điều dễ nhận thấy, hình ảnh bèo lục bình từng lớp bồng bềnh trên sông Hương, sông Như Ý, sông Ngự Hà, sông Bạch Yến hay các hồ di tích, hộ thành hào bây giờ hiếm gặp. Những đợt ra quân rầm rộ kết hợp phong trào Ngày Chủ Nhật xanh khiến mỹ quan các con sông được trả lại như vốn có. Phó Giám đốc Huế Hepco Nguyễn Hữu Ân khẳng định: “Diện tích mặt nước trong lòng TP. Huế do đơn vị đảm trách cơ bản đã khống chế được bèo lục bình”.

Tuy nhiên, hướng về các địa phương, huyện, thị, dù việc hưởng ứng vớt bèo kết hợp phong Ngày Chủ nhật xanh vẫn đều đặn với sự tham gia của nhiều tầng lớp Nhân dân, đoàn thể, song nhiều nơi lượng bèo vẫn còn rất nhiều, theo con nước trôi dạt.

 

 

 

 

 

Bây giờ, vớt bèo lục bình dường như là nhiệm vụ không thể dừng lại, bèo mọc lại vớt, vớt rồi lại mọc trong khi đó sức người có hạn. Chính quyền các địa phương kêu gọi một cuộc tổng tấn công, tiêu diệt bèo lục bình. Hàng trăm tấn bèo được trục vớt mỗi tuần tại các địa phương với hàng chục ngàn người tham gia cùng các phương tiện, trang thiết bị. Song, dường như để tiêu diệt được bèo lục bình chừng ấy vẫn chưa đủ.

 

 

 

Theo Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi trường - Lê Bá Phúc, các địa phương trục vớt bèo cần phối hợp đồng bộ, tránh bèo trôi về phía hạ nguồn. Tỉnh cũng cần chỉ đạo Sở Khoa học Công nghệ xây dựng đề tài sử dụng bèo lục bình làm phân hữu cơ phục vụ nông nghiệp sạch, đồng thời phối hợp với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh để xây dựng phương án sử dụng bèo lục bình làm phân hữu cơ.

 

 

 

Những dự án tận dụng bèo lục bình để sản xuất phân bón xuất hiện không ít, nhiều mô hình hay đã ra đời, thậm chí Tập đoàn Quế Lâm sẵn sàng tận thu hết lượng bèo đã được vớt để sản xuất phân bón. Song, đó là câu chuyện trên bờ. Điều cốt lõi là làm thế nào để di chuyển một lượng bèo “khổng lồ” rời khỏi con nước, trong khi đó, sức người lẫn kinh phí vẫn còn hạn chế.

Nhiều người nghĩ đến sử dụng khoa học công nghệ để áp dụng vào việc trục vớt bèo. Thế nhưng, thông tin từ Phó Giám đốc phụ trách Sở Khoa học Công nghệ Hồ Thắng, hiện trên địa bàn tỉnh chưa có một dự án nào liên quan đến công nghệ cho lĩnh vực này, việc vớt bèo chỉ được thực hiện thủ công.

Thạc sĩ Trần Văn Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ - Sở Khoa học Công nghệ, người duy nhất có giải pháp hữu ích trục vớt bèo đang được các cơ quan chức năng thẩm định cho rằng, nếu áp dụng sức người trong việc vớt bèo lục bình sẽ không hiệu quả, cơ giới hóa, áp dụng máy móc sẽ là giải pháp trục vớt khả thi hơn.

“Hiện nay, lượng bèo quá lớn, địa hình các con sông và giao thông nông thôn phức tạp nên việc di chuyển máy móc khó khăn. Việc tối ưu hóa các thiết bị để phù hợp địa hình khó khăn do thiếu kinh phí. Sáng chế của tôi là một loại máy trục vớt bèo sử dụng băng chuyền với công suất trục vớt khoảng 30 khối/giờ. Tuy nhiên, giải pháp này đang được thẩm định”, thạc sĩ Tuấn chia sẻ.

Mới đây, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Hương Thủy cũng đã đưa vào vận hành thử nghiệm hệ thống trục vớt bèo bằng hệ thống băng chuyền với công suất trục vớt khoảng 500m2/giờ tương đương với sức lao động của 15 nhân công, song trục vớt là một chuyện còn lượng bèo vớt được quá lớn cũng cần có kinh phí để vận chuyển.

 

 

 

Hiện nay, để giải quyết vấn nạn bèo lục bình, tỉnh kêu gọi sự chung tay của cả cộng đồng, doanh nghiệp. Giám đốc Công ty TNHH MTV Long Tường - ông Dương Duy Long cho biết, đơn vị này đang xin ý kiến của tỉnh về vấn đề trục vớt bèo lục bình. “Chúng tôi sẽ áp dụng máy móc để trục vớt với giá 4.000 đồng/m2 và bảo đảm bèo sẽ không xuất hiện trên đoạn sông được giao khoán trong vòng 12 tháng. Bèo được vớt sẽ được chúng tôi tận thu để sản xuất phân bón”, ông Long nói.

Bèo lục bình sinh sản rất nhanh, nhưng ở nhiều góc độ, về bản chất loại thực vật này không thể nhìn nhận là một loại rác bởi tính chất ban đầu đây cũng là một loại cây có tác dụng xử lý nguồn nước ô nhiễm. Do vậy, không thể triệt hạ một cách tận diệt. Song, nếu trục vớt bèo không khoa học thì vừa tốn công, kinh phí nhưng hiệu quả không cao.

Tại Việt Nam, những mô hình trục vớt bèo đang chỉ ở dừng ở mức thí điểm chứ chưa có một giải pháp nào thành công cụ thể. Tỉnh đang khuyến khích cho phép nghiên cứu các mô hình vớt bèo bằng cơ giới hóa.

 

 

 

 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định, xử lý bèo lục bình quan trọng nhất là ở dưới mặt nước, trục vớt và di chuyển. “Vấn đề đặt ra là dù áp dụng giải pháp công nghệ gì đi chăng nữa ở trên bờ thì cũng không đủ chi phí trục vớt. Tỉnh đang xã hội hóa việc trục vớt bèo lục bình, đồng thời bởi các sông có tính chất liên vùng nên tỉnh cũng điều phối phân khúc các dòng sông để quản lý, các địa phương ra quân đồng bộ mới tạo ra hiệu quả”, ông Định nói.

 

 

 

 


 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

7 khách sạn tiên phong hành động giảm rác thải nhựa

Trong khuôn khổ thoả thuận của Dự án (DA): “Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” nhằm “Thực hành giảm nhựa trong ngành du lịch", góp phần đưa Huế trở thành đô thị giảm nhựa vào năm 2024, ngày 28/2, Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế tổ chức lễ công bố kế hoạch hành động giảm rác thải nhựa (RTN) của 7 đơn vị trong hoạt động kinh doanh khách sạn trên địa bàn TP. Huế, gồm Villa Huế, Azerai La Résidence Huế, Melia Vinpearl Huế, ÊMM Huế, Mường Thanh Huế, Alba Spa Huế và Thanh Lịch.

7 khách sạn tiên phong hành động giảm rác thải nhựa

TIN MỚI

Return to top