ClockThứ Sáu, 09/01/2015 11:06

Bi kịch một gia đình

TTH - Tòa hỏi đại diện của bị hại (đã thiệt mạng) có ý kiến như thế nào về mức án dành cho bị cáo? Cha ruột của nạn nhân, cũng là cha vợ hung thủ, bất chợt như co rúm lại, trên gương mặt khắc khổ là tột cùng giằng xé. Cuối cùng ông ngậm ngùi: “Để xảy ra nông nỗi này lỗi phần lớn do người làm cha như tui. Xin tòa giảm nhẹ mức án cho con rể tui. Nó còn con nhỏ…”

Sự việc đau lòng

Mẹ cháu Lê Văn T (7 tuổi) bị mắc chứng tâm thần, lúc tỉnh táo lúc không, không nói được. Cha rượu chè lại bệnh tật. Cả 2 người không lao động được nên Lê Viết C (anh rể) và Lê Thị Tâm L (chị ruột nạn nhân) đưa T về sống với hai người tại nhà ở phường Vỹ Dạ, TP Huế. Hàng ngày, sau khi đi học về, cháu T được anh rể chở đến các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn TP Huế để bán.

7 giờ tối hôm đó, C chở cháu T đến bán tại một nhà hàng ở khu quy hoạch Kiểm Huệ (phường Xuân Phú, TP Huế). C đứng ngoài đợi. Thấy cháu T trong lúc bán hàng đùa giỡn và lấy thức ăn của khách, khiến khách không vừa ý, nên C bực tức. Do đó, lúc T ra khỏi quán, C chở em vợ đến khu vực công viên. C la mắng dọa nạt rồi dùng hai tay bóp vào cổ nhấc T lên hỏng mặt đất. Cháu T đạp vào người anh rể nên C thả tay khiến cháu T ngã xuống bãi cỏ công viên và khóc.

Thấy em vợ vẫn không nín, C bực tức dùng tay trái đánh một cái vào vùng mặt cháu T, làm nạn nhân ngã, đầu đập vào bờ lề bãi cỏ bằng xi măng, nằm bất tỉnh. Thấy cháu T không cử động gì, C hoảng hốt đặt em vợ nằm xuống đất, hô hấp, sơ cứu rồi điện thoại cho vợ đến cùng mình đưa T đến Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu. Nhưng 5 ngày sau cháu T không qua khỏi. Trong thời gian cháu T đang được cấp cứu tại bệnh viện, C đến công an đầu thú.

Người cha tự “kết án”

Những người dự phiên tòa không ai là không cám cảnh khi chứng kiến vợ bị cáo (tức chị ruột nạn nhân) ôm đứa con chưa đầy 6 tháng tuổi ngồi lặng lẽ, không nói nên lời. Cha nạn nhân, cũng là cha vợ bị cáo càng lặng lẽ hơn, thỉnh thoảng lại gục mặt xuống bàn thở dài thườn thượt. Mẹ bị cáo mặt mày hớt hải lo lắng. Mẹ nạn nhân cũng là mẹ vợ hung thủ ngơ ngơ ngác ngác. Nỗi khổ vợ trẻ, con thơ, cha già mẹ yếu của cả hai nhà mất đi lao động chính khi C phải ngồi tù là quá lớn, nhưng cũng không thể nào so sánh được với nỗi đau nạn nhân thiệt mạng là con, em mà hung thủ lại là con rể, là chồng. Nỗi đau bị nhân thêm bội phần và đeo đẳng họ đến hết quãng đời còn lại!

Trước tòa, bị cáo cứ lặp đi lặp lại chỉ vì bực tức quá mà “mất khôn”, chứ không hề nghĩ đến hành vi của mình gây hậu quả nghiêm trọng đến vậy. Vị thẩm phán nghiêm giọng cho rằng, dù sao T chỉ là một đứa trẻ mới 7 tuổi, không đáng bị đối xử như thế! Nếu ai cũng hành xử kiểu “mất khôn” như bị cáo thì hệ lụy đối với xã hội sẽ ra sao? Nghe điều này, bị cáo cúi mặt... Không ai nói ra, nhưng có lẽ những thành viên trong hai gia đình, những hàng xóm láng giềng đều ngầm liên tưởng đến cảnh người cha rượu chè say xỉn tối ngày, không chăm sóc được vợ bệnh, con thơ lại còn rước thêm bệnh tật vào thân, làm gánh nặng cho con (kể cả đứa con mới 7 tuổi). Có lẽ vì nỗi niềm đó, khi tòa hỏi có ý kiến như thế nào về mức án dành cho bị cáo? Người đàn ông này bật khóc nghẹn ngào: “Để xảy ra nông nỗi này lỗi phần lớn do người làm cha như tui. Xin tòa giảm nhẹ mức án cho con rể tui. Nó còn con nhỏ…”

Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gần 1.000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

Ngày 28/3, tại hội trường của Trường đại học Luật, Đại học Huế, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức phiên tòa lưu động xét xử phúc thẩm hai vụ án hình sự về tội danh “Trộm cắp tài sản” và “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” dưới sự tham dự của gần 1.000 sinh viên của trường.

Gần 1 000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top